Chính phủ Mỹ đã tuyên bố kế hoạch triển khai 60% lực lượng hải quân của họ ở bờ biển phía Tây vào năm 2020, như một phần của kế hoạch nhằm biến thế kỷ 21 thành thế kỷ Thái Bình Dương của Mỹ. Tuy nhiên, hạm đội tàu chiến "tí hon" của Hải quân Canađa vẫn được phân chia 60% ở Đại Tây Dương và 40% ở Thái Bình Dương, với 7 tàu khu trục nhỏ và 2 tàu khu trục lớn tại cảng Halifax (tỉnh Nova Scotia), so với 5 tàu khu trục nhỏ và 1 tàu khu trục lớn tại Esquimalt (tỉnh British Columbia). Nếu tính cả tàu ngầm, tàu tuần tra và tàu hậu cần, hiện có 18 tàu tại Halifax, với khoảng 5.000 quân nhân và 2.000 nhân viên dân sự, so với 15 tàu tại Esquimalt, với khoảng 4.000 quân nhân và 2.000 nhân viên dân sự.

Nhà phân tích David McDonough thuộc Khoa Chính trị, trường Đại học British Columbia cho rằng Ốttaoa nên chuyển trọng tâm bằng việc triển khai ít nhất là 60% số tàu khu trục tại bờ biển miền Tây nước này.

Ông McDonough nói: "Hiện nay, nguy cơ ở khu vực bờ biển phía Đông là khá thấp, trong khi Thái Bình Dương đang trong một môi trường nguy hiểm hơn".

Mỹ, Nhật Bản và Ôxtrâylia đều đang tiến hành các bước nhằm tăng cường sức mạnh quân sự của các nước này để phản ứng trước việc Trung Quốc tăng cường xây dựng lực lượng hải quân. Quan ngại về xung đột tiềm tàng tại Thái Bình Dương đã tăng lên do các tranh chấp lãnh hải của Trung Quốc với Philíppin và Nhật Bản. Ông McDonough đã khuyến nghị rằng Canađa có thể sử dụng những tàu ngầm lớp Victoria chạy bằng dầu diesel của mình để tăng cường khả năng chống tàu ngầm trong khu vực, mặc dù một cam kết như vậy đòi hỏi việc mua một hạm đội tàu ngầm mới và thay thế loại máy bay tuần tra biển Aurora cổ lỗ.

Chuẩn Đô đốc về hưu Roger Girouard, người hiện đang giảng dạy tại Đại học Royal Roads tại Victoria (tỉnh British Columbia) cho rằng Canađa nên tìm cách trở thành một cường quốc Thái Bình Dương. Ông Girouard nói: "Canađa không nên kỳ vọng thu được khoản lợi nhuận trời cho từ những kết quả tích cực của các thị trường châu Á nếu họ hoàn toàn không muốn giữ an ninh và ổn định để tạo môi trường tích cực cho những thị trường này phát triển".

Việc chuyển các trang thiết bị quân sự và nhân viên từ Halifax sang Esquimalt có thể vấp phải một số trở ngại chính trị khó khăn, bắt đầu với Bộ trưởng Tư pháp Peter MacKay, cho đến nay vẫn là bộ trưởng có quyền lực nhất ở khu vực Đại Tây Dương của Canađa. Báo "Halifax Chronicle-Herald" hồi tuần trước đã lưu ý rằng Thị trưởng Halifax và các chính trị gia của tỉnh này đã làm "om sòm" 4 năm trước đây, về việc Hải quân Canađa định chuyển (nhưng sau đó lại thôi) một tàu khu trục nhỏ sang Esquimalt. Ông McDonough nói: "Có một truyền thống quân sự tại Halifax do đó người dân tỉnh này có thể không thích khái niệm Esquimalt có nhiều tàu chiến hơn Halifax". Tuy nhiên, việc chuyển bớt hải quân sang Thái Bình Dương sẽ không ảnh hưởng nhiều đến vị thế của Halifax như một trung tâm hải quân do cam kết của Canađa với các hoạt động và các cuộc tập trận của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Halifax cũng sẽ là căn cứ cho các tàu tuần tra Bắc cực của Canađa.

Chính phủ Canađa đang nỗ lực phản ứng với tầm quan trọng ngày càng tăng của Thái Bình Dương. Cả Thủ tướng Stephen Harper, lẫn ông Mac Kay khi còn làm Bộ trưởng Quốc phòng Canađa, đều đã có những bước đi nhằm cải thiện các quan hệ quân sự với các nước châu Á-Thái Bình Dương. Năm 2012, hơn 1.400 quân nhân Canađa đã tham gia một cuộc tập trận quân sự do Mỹ đứng đầu, được tổ chức 2 năm một lần từ năm 1974 với số lượng cao kỷ lục.

Phó Đô đốc Paul Maddison, người vừa từ chức Tư lệnh Hải quân Hoàng gia Canađa hồi tháng 6 vừa qua, đã phát biểu trước Ủy ban Thượng viện rằng lực lượng hải quân Canađa đang tìm cách hiện diện tối đa tại châu Á-Thái Bình Dương trong những năm vừa qua.

Báo "Bưu điện Quốc gia" Canada

Thuỳ Anh (gt)