usnwrart(1).jpg

Trung Quốc được kỳ vọng sẽ tài trợ đáng kể nguồn tài chính cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng và đầu tư công nghiệp vào các nước có liên quan tới BRI. Đông Nam Á là một nhân tố chính trong việc triển khai dự án này và hầu hết các quốc gia trong khu vực đều hoan nghênh sáng kiến này của Trung Quốc. Tuy nhiên, trong thời gian qua, nhiều quan chức chính phủ, các học giả, nhà hoạt động xã hội và chuyên gia truyền thông trong khu vực cho biết còn một số nước tỏ ra thận trọng trong việc hợp tác với Trung Quốc.

Những phàn nàn phần lớn đến từ những quan ngại về mối tương tác văn hóa xã hội giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực trong nhiều thập kỷ qua. Lấy ví dụ, trong khi các nước Đông Nam Á chào đón khách du lịch đến từ Trung Quốc thì các nước này cũng than phiền về hành vi của người Trung Quốc. Vấn đề này thậm chí còn được nêu công khai tại một diễn đàn về BRI được tổ chức tại Campuchia, đất nước vốn nhận rất nhiều viện trợ về kinh tế từ Trung Quốc. Mặc dù Cơ quan quản lý du lịch quốc gia Trung Quốc đã xuất bản tập sách hướng dẫn du lịch nước ngoài và chính phủ Trung Quốc cũng đưa ra các biện pháp ngăn chặn các khách du lịch có hành vi xấu, song một bộ phận khách Trung quốc vẫn chưa nhận thức được sự cần thiết trong việc thích ứng với các chuẩn mực văn hóa và tập quán quốc tế.

Một thách thức lớn hơn trong việc triển khai BRI xuất phát từ những tai tiếng đến từ các khoản đầu tư cơ sở hạ tầng và khai thác tài nguyên của Trung Quốc tại các quốc gia như Myanmar, Indonesia và Việt Nam. Một số nhà đầu tư Trung Quốc dường như rất khó chấp nhận lao động địa phương và thường đưa lao động từ Trung Quốc sang các nước mà họ đầu tư, dẫn đến sự chỉ trích của cộng đồng địa phương vì đã tước đoạt cơ hội làm việc của người bản địa. Trong khi đó, nhiều công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài thiếu kiến thức về cách thức hoạt động của các tổ chức lao động địa phương và thường không đáp ứng những đòi hỏi chính đáng của người lao động. Nghiêm trọng hơn, một vài công ty Trung Quốc còn bỏ qua các quy định và luật pháp khi không cung cấp hợp đồng lao động cũng như mua bảo hiểm cho người lao động.

Tại Trung Quốc, do sự cạnh tranh gay gắt về việc làm và sự bảo vệ pháp lý không đầy đủ, nhân viên thường chấp nhận những đòi hỏi của người sử dụng lao động. Một vài nhà đầu tư Trung Quốc đã nhầm lẫn khi tin rằng ở các nước khác, tình trạng cũng như vậy, kết quả là ngày càng xảy ra nhiều cuộc biểu tình của các tổ chức lao động bản địa, điển hình như tại Indonesia. Năm 2017, tại Indonesia, các quản lý Trung Quốc đã đe dọa sa thải các công nhân và thậm chí là lãnh đạo tổ chức lao động khi họ đòi hỏi các điều kiện làm việc tốt hơn. Vụ việc sau đó đã dẫn tới các cuộc biểu tình do các tổ chức, liên đoàn lao động Indonesia tổ chức diễn ra trước cửa Đại sứ quán Trung Quốc tại Jakarta. Nhận ra sức mạnh của của các tổ chức công đoàn lao động, công ty Trung Quốc sau đó đã phải nhượng bộ, đáp ứng các yêu cầu của người lao động như cung cấp các trợ giúp y tế, đào tạo tay nghề và cải thiện các điều kiện an toàn lao động.

Trên thực tế, các vụ việc tiêu cực như vậy ít có cơ hội xuất hiện trên mặt báo Trung Quốc do sự kiểm soát báo chí gắt gao tại quốc gia này. Chính phủ Trung Quốc kiểm duyệt để đảm bảo chỉ có tin tức tích cực về BRI được đăng tải, dẫn đến việc hiểu sai tình hình thực tế của dự án. Bên cạnh đó, các công ty Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài cũng thường có xu hướng che giấu những vụ việc tiêu cực. Các nhà đầu tư Trung Quốc cũng cần phải suy ngẫm về sự tương tác đối với cộng đồng doanh nghiệp người Hoa tại quốc gia mà họ đầu tư bởi lịch sử phức tạp của người Hoa tại Đông Nam Á có thể trở thành nguồn cảm hứng để chống lại người Trung Quốc.

Trong thập kỷ qua, chính phủ Trung Quốc đã giành nhiều học bổng cho sinh viên các nước Đông Nam Á. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia khu vực thì số học bổng này được trao một cách không cân xứng cho các thanh thiếu niên gốc Hoa tại các quốc gia này. Việc làm này vô hình chung gây ra sự chia rẽ và hiểu lầm giữa các nhóm sắc tộc và các tổ chức xã hội. Các học giả Trung Quốc và quan chức chính phủ nước này thường muốn nhấn mạnh vai trò của cộng đồng người Hoa trong sang kiến BRI mà không nhận ra rằng điều này có thể dẫn tới sự nghi ngờ của người dân bản địa tại khu vực mà trước đây Trung Quốc sử dụng cộng đồng người Hoa để phục vụ mục đích chính trị. Điều này giải thích cho việc tại sao nhiều nhà chính trị đối lập và lãnh đạo các tổ chức xã hội dân sự tại các nước trong khu vực thường lên tiếng phản đối các hợp đồng với nhà đầu tư Trung Quốc. Một số dự án đầu tư lớn của Trung Quốc tại Myanmar đã vấp phải phản đối và bị đình trệ. Một số học giả Trung Quốc cũng lên tiếng cảnh báo về các khoản đầu tư của Trung Quốc tại Campuchia có thể cũng sẽ rơi vào tình trạng tương tự.

Một khía cạnh khác cũng cần phải được đề cập đó là việc một số nhà phân tích tại Đông Nam Á lưu ý rằng khi Trung Quốc ngày càng trở nên mạnh hơn về kinh tế và chính trị thì một số tầng lớp tinh hoa Trung Quốc lại bộc lộ thái độ trịnh thượng. Trước đây, các quan chức Trung Quốc khiêm tốn thì giờ đây họ tỏ ra cao ngạo với tâm trạng là các nước khác cần Trung Quốc, cần các khoản viện trợ của Trung Quốc. Họ đặt niềm tin vào kinh tế Trung Quốc mà bỏ qua sự tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau với các đối tác nước ngoài.

Văn hóa đã trở thành một trụ cột quan trọng trong chiến lược mở rộng ảnh hưởng quốc tế của Trung Quốc. Với việc nhiều quốc gia Đông Nam Á vẫn đang cảnh giác với sức mạnh kinh tế và quân sự đang lên của Trung Quốc, tầng lớp tinh hoa và các nhà đầu tư Trung Quốc cần phải nhạy cảm hơn với các hành vi văn hóa và tập quán xã hội tại khu vực. Chính vì vậy, việc trao đổi văn hóa và xã hội sâu rộng hơn giữa Trung Quốc và Đông Nam Á sẽ giúp mở đường cho việc triển khai thực thi BI tại khu vực được dễ dàng và hiệu quả hơn.

Theo “Todayonline

Nhật Linh (gt)