Từ ngày 1-5/6, Quân đội Indonesia (TNI) đã tiến hành cuộc tập trận quy mô lớn với sự tham gia của 14.000 quân, hàng trăm xe bọc thép, pháo hạm và hàng chục tàu chiến, máy bay chiến đấu. Với hàng loạt cuộc tập có sự phối hợp giữa các lực lượng hải, lục, không quân trong thời gian gần đây, dư luận nhận định rằng TNI đang thay đổi về chiến lược quân sự, khôi phục học thuyết “phòng thủ chủ động” mà nước này từng theo đuổi. Cuộc tập trận này mang nhiều ý nghĩa vượt ra ngoài khuôn khổ hoạt động quân sự thuần túy vì những lý do sau: 

Thứ nhất, cuộc tập trận cho thấy tính chuyên nghiệp điển hình của TNI. Mặc dù bị nghi ngờ và nghi ngại về vai trò trung lập trong cuộc bầu cử tổng thống, song các tướng lĩnh cấp cao quân đội vẫn cam kết chỉ đạo quân nhân không dính líu đến chính trị dân sự. Trong khi đó, các vấn đề về biên giới ngày càng căng thẳng tại các khu vực lân cận tiếp tục củng cố nhận thức về các mối đe dọa bên ngoài lớn hơn đối với quốc đảo này.

Thứ hai, mặc dù cuộc tập trận diễn ra theo kế hoạch, nhưng thời gian trùng với tình hình gia tăng căng thẳng trên Biển Đông gần biên giới Indonesia. Gần đây, Chính phủ Indonesia cũng đã “mếch lòng” trước việc Malaysia tiến hành lắp đặt ngọn hải đăng trên đảo Tanjung Datuk, nằm ở biên giới Tây Kalimantan và Sarawak. Trong khi đã có công hàm phản đối Kuala Lumpur, Hải quân Indonesia tăng cường sự hiện diện trên biển tại khu vực tranh chấp. Sau đó, vào đầu tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã hạ đặt một giàn khoan dầu ở vùng biển mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, dẫn đến cuộc xung đột mới trên Biển Đông. Dưới sự bảo vệ của hàng chục tới hàng trăm tàu hải quân và tàu thực thi pháp luật, động thái này cho thấy Bắc Kinh đã công khai thúc đẩy chiến lược khẳng định chủ quyền lãnh thổ tại các khu vực tranh chấp. Cho đến nay, Indonesia không phải là một bên nguyên đơn trong các vụ tranh chấp đa phương trên Biển Đông, nhưng quân đội nước này nhận thức được rằng “đường chín đoạn” tự tuyên bố của Trung Quốc có khả năng chồng lấn với vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) tiếp giáp với quần đảo Natuna của Indonesia. Nhận thức đó phù hợp với chương trình nghị sự quốc phòng năm 2010 của quốc đảo này khi dự đoán các kịch bản xung đột bao gồm sự hiện diện quân sự và xâm chiếm EEZ của nước ngoài. 

Thứ ba, cuộc tập trận cho thấy các sáng kiến mới của TNI về tác chiến. Là một quốc gia yêu chuộng hòa bình, Indonesia có truyền thống theo đuổi chiến lược "phòng thủ chủ động" để đối phó với sự xâm lược từ bên ngoài. Với học thuyết quốc phòng hiện tại, Indonesia tránh sử dụng vũ lực quân sự ở giai đoạn đầu cuộc chiến nhưng nhanh chóng thực thi hoạt động tấn công tự vệ sau khi đối phương khơi mào tấn công. Trên chiến trường, phòng thủ chủ động nhấn mạnh khả năng phòng thủ chiến lược nhằm giảm thiểu thiệt hại lợi ích quốc gia, trong khi tấn công đáp trả để làm cạn kiệt khả năng đối phương duy trì hành vi xâm lược. 

Trong cuộc tập trận vừa qua, TNI giả định tiến hành ngăn chặn hành động xâm lược trước khi phản công mạnh mẽ để đánh bại ý định chiến lược của kẻ thù. Với môi trường chiến lược, công nghệ quân sự thay đổi không ngừng trong khi vị thế quốc tế ngày càng tăng, tư duy chiến lược quân sự đã vượt ra ngoài quan điểm quốc phòng truyền thống của Indonesia. Ngày nay, TNI giải thích “phòng thủ chủ động” không chỉ chống đỡ và đẩy lùi cuộc xâm lược quân sự mà còn để ngăn chặn hoặc loại bỏ khả năng phát động chiến tranh của kẻ thù với chiến lược "quốc phòng đa tầng". Trước khi tiến hành hoạt động tấn công tự vệ trên bờ để đẩy lùi các thế lực thù địch ra khỏi biên giới, bao gồm các cuộc tấn công phủ đầu chống lại kẻ thù trên lãnh thổ, TNI giao cho lực lượng đặc biệt thực hiện các hoạt động bí mật và chiến tranh thông tin nhằm công phá sức mạnh quân sự của đối phương. 

Việc Indonesia tìm cách khôi phục học thuyết “phòng thủ chủ động” nên được nhìn thận thêm từ góc độ “răn đe chiến lược”. Răn đe quân sự chủ yếu nhằm mục đích đánh bại kẻ thù mà không cần chiến đấu trên chiến trường, và với mục đích đó, các lực lượng vũ trang phải có khả năng quân sự thực sự và cho thấy quyết tâm sử dụng chúng. Bằng cách này, kẻ thù sẽ bị ám ảnh về những tổn thất lớn nếu để xảy ra chiến tranh và cuối cùng buộc phải chấp nhận hòa bình. Dựa trên quan điểm này, TNI cần tiếp tục phát triển khả năng "phòng thủ răn đe" như một phần chiến lược “phòng thủ chủ động”, nghĩa là chiến lược quốc phòng và triển khai các lực lượng quân sự phải tập trung bảo vệ tổng thể lợi ích quốc gia, bao gồm cả dân chủ và phát triển kinh tế, từ đó nâng cao khả năng quốc phòng và phòng thủ chiến lược đa chiều. Nếu thực hiện được điều này, TNI sẽ có khả năng đạt được ba mục tiêu chiến lược mà học thuyết “phòng thủ chủ động” đem lại, đó là thuyết phục đối phương trì hoãn hoặc từ bỏ ý định xâm lược quân sự, phủ nhận khả năng đánh bại TNI và TNI sẽ đánh bại các thế lực thù địch với các đợt phản công quyết định. 

Indonesia ngày càng đối diện nhiều hơn với các thách thức khu vực và toàn cầu, việc thực thi chiến lược quốc phòng rất quan trọng. Các cuộc tập trận gần đây nhất của TNI chính là động thái chiến lược chứng minh khả năng phòng thủ của Indonesia để đảm bảo hòa bình và ổn định khu vực, trấn an công chúng về tính chuyên nghiệp của quân đội.

Tác giả là nhà nghiên cứu IIS Gindarsah, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS). Bài viết đăng trên tờ  Bưu điện Jakarta” (ngày 10/6).

Hương Trà (gt)