chinese guard.jpg

 

Thủ tướng Canada Justin Trudeau và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã gặp gỡ lần đầu tiên tại Hội nghị thượng đỉnh G-20, sau đó đến Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á- Thái Bình Dương (APEC) và sắp tới là Hội nghị Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 21 (COP-21). Mặc dù cựu Thủ tướng Canada Pierre Trudeau có nhiều kinh nghiệm về Trung Quốc trước khi cầm quyền vào năm 1968, nhưng tân Thủ tướng Justin Trudeau lại không như vậy. Trung Quốc cũng không có kinh nghiệm về tân Thủ tướng Canada. Tuy nhiên, sẽ có "luồng gió mới" trong quan hệ Canada-Trung Quốc. Sau một thập kỷ tồn tại chính sách không nhất quán, mâu thuẫn và căng thẳng của Chính quyền cựu Thủ tướng Stephen Harper, đã đến lúc cần tư duy sáng tạo và có cách tiếp cận chiến lược hơn trong quan hệ với Trung Quốc.

Bối cảnh quan hệ quốc tế xoay quanh Trung Quốc cho thấy thời điểm này là thích hợp cho Canada tiếp cận mới với cường quốc châu Á này. Tháng 9/2015, chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Tập Cận Bình đã cho thấy vai trò quan trọng của Trung Quốc. Úc sẽ thông qua thỏa thuận thương mại tự do với Trung Quốc. Trong khi đó, Anh và Trung Quốc đã bước vào mối quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện quốc tế" mới trong chuyến thăm Anh gần đây của Chủ tịch Tập Cận Bình. Nữ hoàng Anh đã nói về “đối tác toàn cầu thực sự” và vai trò chung của họ như “những người hướng dẫn hệ thống quốc tế dựa trên luật lệ”. Chính phủ Thủ tướng Anh David Cameron đã thực hiện một loạt thỏa thuận đầu tư thương mại như một phần của "cuộc chơi" kinh tế lâu dài. Đầu năm nay, Anh đã “phá rào” nhóm G-7 tham gia vào Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) do Trung Quốc khởi xướng. Sự chuyển hướng của Anh phản ánh tính toán mới về sự thay đổi cán cân ở châu Á và tư duy thực dụng không nước nào là đồng minh vĩnh cửu hay kẻ thù vĩnh viễn.

Cách tiếp cận mới của Canada với Trung Quốc là cần thiết. Canada cần tiếp cận hoàn toàn mới với Trung Quốc, dựa trên chiến lược ba mũi nhọn sau:

Thứ nhất, Canada nên áp dụng cách tiếp cận hợp tác về các lợi ích kinh tế bổ sung. Canada có những gì mà Trung Quốc cần như năng lượng, nguồn tài nguyên thiên nhiên, an ninh lương thực và các dịch vụ cho tầng lớp trung lưu đang tăng lên. “Cặp đôi” năng lượng và môi trường là lĩnh vực hợp tác tiềm năng lớn. Úc sẽ cạnh tranh với Canada trừ khi Canada hướng tới thỏa thuận thương mại song phương với Trung Quốc.

Thứ hai, Canada nên đóng vai trò của cường quốc hạng trung chủ động ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương bằng cách làm sâu sắc mối quan hệ đối tác với Úc, Indonesia và Hàn Quốc. Canada nên bắt đầu với các đánh giá quốc phòng- an ninh và hỗ trợ tích cực cho việc xây dựng thể chế và các quy tắc cần thiết để quản lý sự tái cân bằng chiến lược đang diễn ra.

Thứ ba, Canada cần phải bảo vệ và hỗ trợ các giá trị của nước này trong khi tìm cách góp phần xây dựng tiềm lực của Trung Quốc phù hợp với hệ thống pháp luật đang hoàn thiện cũng như phát huy sự đóng góp có giá trị của Canada trong quá khứ về giáo dục và trao đổi giữa nhân dân hai nước. Chiến lược này đòi hỏi sự lãnh đạo mới, nâng cao nhận thức của người Canada về tầm quan trọng của mối quan hệ với Trung Quốc và điều phối cách tiếp cận “tổng lực” trong khi củng cố đối thoại cấp cao với lãnh đạo Trung Quốc. Thủ tướng Justin Trudeau sẽ đối mặt với thách thức trong việc trấn an những lo ngại của công chúng về sự hợp tác song phương sâu sắc hơn. Những lo ngại về thực tiễn kinh doanh và quản lý khác nhau, về hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước và về thu mua bất động sản vùng đô thị (ở Canada của Trung Quốc) cho thấy sự cần thiết của đối thoại chính thức nhằm nắm bắt các cơ hội và quản lý những rủi ro. Ý tưởng về hỗ trợ mở cửa kinh tế và thúc đẩy sự tham gia của Trung Quốc vào các thể chế quốc tế như cách để thúc đẩy tự do hóa chính trị nước này là không khả thi. Thực tế, Canada cần học cách cùng chung sống với Trung Quốc trong khi bảo vệ các giá trị và thể chế riêng.

Theo “Thư tín địa cầu

 

  Vũ Hiền (gt)