Cambodia-ASEAN_De-J.jpg

 

Tuần trước, Thủ tướng Hun Sen đã viết trên trang mạng xã hội "facebook" của mình rằng "sau khi kiểm tra kỹ lưỡng tình hình, Campuchia không thấy có bất cứ vấn đề gì với dự án phát triển này", đồng thời cảm ơn Lào vì cam kết bán điện giá rẻ cho các tỉnh (ở gần đập Don Sahong) của Campuchia. Nhiều ngờ vực xung quanh quyết định bất ngờ ủng hộ việc xây đập Don Sahong của ông Hun Sen, trước hết liên quan tới việc mua điện giá rẻ. Dường như đằng sau quyết định của ông Hun Sen là gói viện trợ lớn mà Bắc Kinh đã dành cho Campuchia trong năm 2016. Điều chắc chắn là quyết định của ông Hun Sen đã bỏ qua những cảnh báo nghiêm trọng từ các tổ chức phi chính phủ và các nhà khoa học quốc tế: quan ngại về việc con đập này sẽ cản trở một trong những kênh cá di trú quan trọng nhất thế giới và hủy hoại an toàn thực phẩm, nguồn dinh dưỡng và sức khỏe người dân ở dọc sông Mekong, vốn có vai trò hết sức quan trọng đối với nền kinh tế Campuchia.

Khoảng 18% GDP của Campuchia dựa vào nghề cá và tỉ lệ protein mà người Campuchia sử dụng từ cá hiện ở mức cao nhất thế giới 81,2%. Giám đốc Quỹ Bảo vệ Thiên nhiên ở Campuchia (WWF) Chith Sam Ath miêu tả đập Don Sahong, theo thiết kế, là một "quả bom sinh thái hẹn giờ", đe dọa an ninh thực phẩm của khoảng 60 triệu người sinh sống ở vùng đồng bằng sông MeKong. Năm 2012, chính phủ và các tổ chức dân sự có cùng quan điểm khi chính phủ  Campuchia và Việt Nam cùng phản đối xây đập Xayaburi và đập Don Sahong, kêu gọi dừng tất cả việc xây dựng đập cho tới khi những tác động tới môi trường xung quanh được nghiên cứu rõ. Tại diễn đàn của Ủy ban Sông Mekong (MRC) về đập Don Sahong tháng 12/2014, đoàn đại biểu Campuchia cùng với Việt Nam cũng đã lên án bản vẽ thiết kế của dự án này và bày tỏ sự nghi ngờ về độ tin cậy.

Tuy nhiên, quan điểm của Campuchia về Trung Quốc đến nay đã có sự thay đổi căn bản. Từ chỗ từng là "kẻ thù số một" trong những năm 1980 khi Bắc Kinh ủng hộ chế độ Khmer Đỏ bị lật đổ, quan hệ Trung Quốc-Campuchia đã trở nên toàn vẹn trong 15 năm qua. Sự thay đổi này đã đưa Campuchia trở thành một đồng minh tin cậy của Trung Quốc ở trong ASEAN. Đổi lại, Phnom Penh được lợi lớn từ các thỏa thuận đầu tư và viện trợ mới của Trung Quốc - điều rất cần đối với nền kinh tế vốn phụ thuộc vào các nguồn viện trợ của Campuchia.

Biểu hiện rõ ràng nhất của quan hệ gắn bó và ngày một phát triển giữa Campuchia và Trung Quốc là vào năm 2016, sau khi Tòa Trọng tài ở La Hay ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, Trung Quốc đã công bố khoản viện trợ 600 triệu USD cho Campuchia. Một tháng sau đó, Campuchia ngăn cản nỗ lực của các nước Đông Nam Á tại Hội nghị Ngoại trưởng ASEAN trong việc đưa ra một tuyên bố chung ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài ở những đảo tranh chấp trên Biển Đông. Theo đánh giá của chuyên gia Storey thuộc Viện nghiên cứu Đông Nam Á ở Singapore, Trung Quốc đã sử dụng Campuchia để "phá vỡ sự thống nhất của ASEAN trong một số lần".

Sự thay đổi quan điểm của Campuchia cũng nhấn mạnh sự suy yếu của MRC, cơ quan được thành lập năm 1995 để đẩy mạnh vệc quản lý ổn định và chia sẻ hợp lý nguồn nước trên sông Mekong. Vào tháng 3/2016, nhận thấy sự bất lực của MRC, Bắc Kinh đã "lấp đầy" khoảng trống này bằng việc đưa ra "Cơ chế hợp tác Mekong-Lan Thương", đặt Trung Quốc vào vị trí chi phối việc quản lý nguồn nước sông Mekong, nhấn mạnh đến việc tập trung vào phát triển kinh tế trong khi "phớt lờ"  vấn đề biến đổi khí hậu và đảm bảo môi trường tự nhiên. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Trung Quốc không chỉ chiến thắng ở Biển Đông mà còn thành công trong việc làm trệch hướng sự kiểm soát nguồn nước ở sông Mekong.

Theo "Diễn đàn Interpreter” (ngày 17/1)

Vũ Hiền (gt)