Phải mất hai thập kỷ, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ mới có đủ can đảm để tuyên bố rằng họ là những đối tác chiến lược theo đúng nghĩa. Họ đã miễn cưỡng nói điều này khi cả hai đều không muốn tạo ra một ấn tượng sai lệch rằng họ đang xích lại để cùng chống kẻ thù chung. Sự thay đổi nhanh chóng về môi trường trong khu vực và bất ổn toàn cầu đã khiến ASEAN và Ấn Độ nhận thấy họ phải tăng cường các mối quan hệ gần gũi hơn ngoài các mối quan hệ về thương mại và kinh tế. Nhiều năm qua, hai bên đã đàm phán về một thỏa thuận thương mại tự do nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư, nhưng những gì diễn ra trên thực tế vẫn còn quá nhỏ so với tiềm năng. Tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN-Ấn Độ diễn ra hồi tuần trước ở Niu Đêli, các nhà lãnh đạo ASEAN và Ấn Độ đều nhất trí cho rằng mối quan hệ toàn diện giữa hai bên đóng vai trò quan trọng cho nền hòa bình và ổn định trong khu vực.

Tất nhiên, hội nghị thượng đỉnh này đã kết thúc một cách thành công mà không hề đề cập tới sự trỗi dậy của Trung Quốc và những mối đe dọa có thể cảm nhận từ sự trỗi dậy đó. Tất cả mọi người đều hiểu rõ lý do Ấn Độ và ASEAN xích lại gần nhau và nâng cấp quan hệ, đó là nhằm cân bằng một cách cơ bản ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc. ASEAN và Ấn Độ đều biết rõ không cần phải đề cập tới chi tiết này. Trước đây, ASEAN đối xử với Ấn Độ như một cường quốc hạng trung, có thái độ hướng tâm và tập trung vào khu vực của riêng mình. Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, với tăng trưởng thương mại và đầu tư cùng nhiều mối liên kết khác với ASEAN, Ấn Độ đã trở thành một đối tác quan trọng trong việc thúc đẩy sự tiến bộ về kinh tế tại Đông Nam Á. Quan hệ ASEAN-Ấn Độ đã mang tinsh chiến lược hơn trước đây.

ASEAN cảm thấy thoải mái khi Ấn Độ là một cường quốc đang trỗi dậy. Niu Đêli chưa bao giờ bị coi là mối đe dọa về an ninh đối với khu vực này. Chính sách đối ngoại ngay từ đầu và sự nhún nhường của Niu Đêli đã khích lệ ASEAN xích lại gần Ấn Độ nhằm tăng cường hợp tác an ninh, đặc biệt là an ninh trên biển. Đây sẽ là một kỷ nguyên mới trong hợp tác an ninh giữa ASEAN và Ấn Độ. Tiếp đến, ASEAN muốn tìm kiếm ở Ấn Độ - một nền dân chủ lớn nhất thế giới - như một người bảo lãnh nữa về an ninh. Tất nhiên, Mỹ vẫn là siêu cường số một, nơi cung cấp một lá chắn an ninh toàn diện cho khu vực này. ASEAN muốn có thêm một đối tác chiến lược có sự gần gũi về cả không gian và thời gian. Mặc dù Ôxtrâylia cũng nằm gần Đông Nam Á, nhưng nước này được coi là một cường quốc phương Tây, với trọng tâm bảo vệ lợi ích của họ và Mỹ trong khu vực.

Kể từ nay, Ấn Độ nên có hành động nhiều hơn để duy trì lòng tin của ASEAN và thể hiện cam kết của họ để có những tiến bộ rõ rệt trong mối quan hệ giữa hai bên. Trước đây, ASEAN từng xích lại gần Trung Quốc khi cho rằng nước này sẽ giúp củng cố an ninh khu vực. Tuy nhiên, những căng thẳng gia tăng trên Biển Đông do những phát biểu cứng rắn và các hành động quyết đoán của Bắc Kinh thời gian gần đây đã làm thay đổi suy nghĩ của khu vực này. ASEAN muốn đảm bảo rằng cùng với Mỹ, Ấn Độ sẽ đồng hành với tổ chức này, tăng cường sự ủng hộ đối với họ khi ASEAN phải đối mặt với mối đe dọa từ Trung Quốc.

Hương Trà (gt)