50-386x250.jpg

Mặc dù vấn đề Biển Đông rất quan trọng đối với ASEAN nhưng cũng không thể xem là lý do duy nhất để hiệp hội này tồn tại. ASEAN có một chương trình nghị sự bao gồm các vấn đề như: hội nhập kinh tế khu vực, thúc đẩy các mối quan hệ quốc phòng và hợp tác văn hóa-xã hội... và đều rất thiết yếu đối với "vai trò trung tâm" của thể chế này tại Đông Nam Á. Xét trên khía cạnh an ninh hiện nay của Bán đảo Triều Tiên, nếu có thể làm nhiều hơn để đối phó với thách thức này thì sự liên quan và tầm quan trọng của ASEAN đối với Mỹ và Trung Quốc sẽ được tăng lên. Điều này đặc biệt đúng trong bối cảnh Ngoại trưởng các nước ASEAN và Ngoại trưởng Mỹ Rex Tilleron có cuộc gặp tại Washington vào ngày 4/5.

Hai cách tiếp cận tương phản

Ngay từ đầu, ASEAN đã áp dụng cách tiếp cận tương phản đối với hai vấn đề an ninh cấp bách nhất của khu vực: những tranh chấp tại Biển Đông và câu hỏi hóc búa về chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Điều này không gây ngạc nhiên bởi các nước ASEAN can dự trực tiếp vào các tranh chấp hàng hải ở Biển Đông nhưng lại thiếu vắng vai trò trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên.

Tại Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 vừa kết thúc tại Manila (Philippines), các nước ASEAN ban đầu đã không đạt được sự nhất trí về việc đưa vào Tuyên bố Chủ tịch các hoạt động "cải tạo đảo phi pháp và hoạt động quân sự hóa" của Trung Quốc ở Biển Đông cũng như phán quyết của Tòa Trọng tài ở La Hay năm 2016 trong vụ kiện Trung Quốc của Philippines, nhưng lại sớm đạt được sự nhất trí về những leo thang căng thẳng tại Bán đảo Triều Tiên. Một ngày trước khi diễn ra hội nghị thượng đỉnh, các Ngoại trưởng ASEAN đã đưa ra một tuyên bố chung bày tỏ "sự quan ngại sâu sắc" đối với tình hình trên bán đảo Triều Tiên, bao gồm cả hai vụ thử hạt nhân của Bình Nhưỡng trong năm 2016 và các vụ phóng tên lửa đạn đạo sau đó. "Sự quan ngại sâu sắc" này sau đó tiếp tục được đề cập trong Tuyên bố Chủ tịch.

Tích cực hơn trong vấn đề hạt nhân của Triều Tiên

Vậy kết quả Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vừa qua có ý nghĩa như thế nào đối với cuộc gặp giữa Ngoại trưởng ASEAN và Ngoại trưởng Mỹ Tillerson? Đối với ASEAN, cuộc gặp ngày 4/5 là cơ hội để ASEAN chia sẻ với Mỹ tầm quan trọng của tổ chức này đối với lợi ích của Mỹ ở khu vực và vai trò tích cực mà ASEAN là trung tâm có thể thúc đẩy đối thoại và hợp tác giữa các bên liên quan. Về phía Mỹ, khả năng thử hạt nhân lần thứ 6 của Bình Nhưỡng rõ ràng thu hút được sự chú ý của nước này hơn là các tranh chấp tại Biển Đông. Ngoại trưởng Tillerson chắc chắn sẽ hài lòng nếu ASEAN, với nhiều quốc gia thành viên có mối quan hệ tốt với Triều Tiên, có thể quyết định rõ ràng và nhanh chóng trong việc lên án hành vi khiêu khích của Bình Nhưỡng. Mỹ có thể xem cuộc gặp này là cơ hội để có được sự ủng hộ từ 10 quốc gia ASEAN trong việc bày tỏ áp lực nhằm ngăn cản Triều Tiên tiếp tục tiến hành các vụ thử hạt nhân.

Từ quan điểm của ASEAN cho rằng Trung Quốc dường như cũng đang "nản lỏng" với tình trạng mất kiểm soát của Triều Tiên thì cuộc gặp này là thời cơ thích hợp để ASEAN bày tỏ mối quan tâm chung với Mỹ và Trung Quốc trong nỗ lực "lôi kéo" Triều Tiên trở lại quỹ đạo. ASEAN có thể thúc đẩy các nỗ lực của mình và đóng vai trò tích cực hơn thông qua Diễn đàn khu vực (ARF) để kéo Triều Tiên trở lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân và tên lửa của nước này. Điều này đặc biệt quan trọng bởi ARF vẫn là cơ chế đa phương duy nhất tại khu vực mà Triều Tiên là thành viên cùng với các nước liên quan tới cơ chế đàm phán sáu bên về chương trình hạt nhân của nước này.

Tuy nhiên, liên quan tới tranh chấp Biển Đông, có vẻ như sẽ khó để Mỹ và ASEAN đạt được một thỏa thuận mạnh mẽ về những hành động tiếp theo để đối phó với Trung Quốc. Thứ nhất, 10 nước ASEAN vẫn bị chia rẽ trong các phản ứng đối với Trung Quốc. Thứ hai, Mỹ cũng không muốn gây căng thẳng với Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông bởi Washington cần sự hợp tác của Bắc Kinh để đối phó với Bình Nhưỡng. Hơn nữa, mối đe dọa Triều Tiên rõ ràng giành được quan tâm trực tiếp hơn của Washington so với các tranh chấp tại Biển Đông bởi an ninh của Mỹ có thể bị ảnh hưởng khi Triều Tiên phát triển thành công năng lực tên lửa liên lục địa (ICBM) trong tương lai. Do vậy, tại cuộc gặp lần này, Ngoại trưởng các nước ASEAN và Mỹ sẽ không thể đạt được bất kỳ đột phá hay thỏa thuận lớn nào liên quan tới tranh chấp Biển Đông ngoài một tuyên bố rất chung chung.

ASEAN cần nhấn mạnh sự can dự với Mỹ

Có một sự thú vị là dịp kỷ niệm 100 ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump cầm quyền trùng với ngày diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30. Với cách tiếp cận chính sách đối ngoại mang tính thương mại của ông Donald Trump, ASEAN sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa để làm nổi bật sự liên can với Mỹ và cho Washington thấy lợi ích của việc can dự với ASEAN. Trong chuyến thăm Indonesia mới đây, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence cho biết ông Donald Trump cam kết sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN, Thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Philippines cũng như dự Hội nghị Thượng đỉnh APEC tại Việt Nam. Tuy vậy, nếu ASEAN không nhấn mạnh hoặc không cho thấy sự liên quan với Mỹ trong những tháng tới thì nhiều khả năng ông Donald Trump cũng có thể quên lời cam kết viếng thăm Đông Nam Á cho dù ASEAN đang chuẩn bị cho lễ sinh nhật tròn 50 tuổi.

Các tác giả là hai chuyên gia Shawn Ho và Sarah Teo thuộc Chương trình cấu trúc an ninh khu vực, Trường nghiên cứu quốc tế RSIS, Đại học Công nghệ Nam Dương (Singapore). Bài viết đăng trên Channel News Asia”.

Nhật Linh (gt)