asean-shutterstock-20131122.jpg

Với tranh chấp Biển Đông và sự khác biệt quan điểm trong ASEAN được quan tâm quá nhiều trong thời gian gần đây, 10 quốc gia Đông Nam Á dường như đã đánh mất sự thiện cảm vốn được xây dựng từ nỗ lực hợp tác kinh tế cả ở trong lẫn ngoài khu vực. Đây là một vấn đề cần được những nhà hoạch định chính sách và các bên liên quan lưu tâm.

Chính phủ các nước ASEAN cần phải đẩy mạnh nỗ lực trong việc tuyên truyền những tiến bộ về thực hiện hội nhập kinh tế khu vực, đặc biệt là khi các bộ trưởng kinh tế nhóm họp vào tuần này tại thủ đô Viêng Chăn (Lào). Chính phủ 10 nước cần nhắc lại tầm quan trọng của Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) đối với một tương lai kinh tế tốt đẹp hơn của khu vực. Họ nên tăng cường thảo luận về hợp tác kinh tế ở cấp quốc gia.

Điều này là do các dự án khu vực như AEC đặt áp lực lên các chính phủ thành viên để thực hiện cải cách trong nước, thiết lập các tiêu chuẩn quốc gia và điều chỉnh theo các tiêu chuẩn quốc tế. Đối với khu vực tư nhân, AEC là dấu hiệu cho thấy những thay đổi kinh tế-xã hội là không thể tránh khỏi và các doanh nghiệp cần phải liên tục tìm kiếm những cách thức sản xuất sáng tạo để duy trì lợi nhuận và tính cạnh tranh.

Cam kết của AEC về việc sẽ đem lại tăng trưởng kinh tế tốt hơn và phát triển công bằng cũng cho phép 10 nước thành viên ASEAN phát triển sự đồng thuận tương đối dễ dàng, theo đó thể hiện sự đoàn kết của họ với các quan sát viên quốc tế và xây dựng lòng tin đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Điều đó củng cố vai trò trung tâm của ASEAN và giúp các nước thành viên hội nhập thuận lợi vào khu vực địa lý Đông Á rộng lớn hơn.

Sau khi hoàn thành giai đoạn đầu của hội nhập kinh tế vào cuối năm 2015, AEC đang chuyển sang giai đoạn 10 năm tiếp theo, chú trọng hơn nữa đến hoạt động của các doanh nghiệp và người dân. AEC năm 2025 tiếp tục tầm nhìn của AEC năm 2015 về một khu vực hội nhập sâu rộng và gắn kết. AEC hứa hẹn sẽ mang đến sự phát triển kinh tế công bằng và toàn diện trong tương lai.

Ngoài việc tập trung vào các sáng kiến thương mại và đầu tư đối với các tập đoàn đa quốc gia và các doanh nghiệp nhỏ và vừa, AEC năm 2025 nhấn mạnh việc sử dụng khoa học và công nghệ, phát triển nguồn nhân lực, quản trị tốt và liên kết tốt. Cam kết kinh tế khu vực này chỉ ra thực tế rằng mặc dù còn một số vấn đề địa chính trị, AEC vẫn tiếp tục duy trì là một cam kết quan trọng với các nước Đông Nam Á. Mong muốn chung về việc duy trì cạnh tranh để thu hút vốn đầu tư nước ngoài đủ sức thuyết phục các thành viên ASEAN thúc đẩy hợp tác kinh tế.

Bên cạnh AEC, 10 nước Đông Nam Á cũng đang tham gia các dự án kinh tế khác trong khu vực. Với tư cách là một hiệp hội, 10 quốc gia đang dẫn đầu đàm phán về Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và một số thành viên ASEAN tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) do Mỹ dẫn đầu. Các nước cũng ủng hộ sáng kiến cơ sở hạ tầng khu vực của Trung Quốc với tên gọi "Một vành đai, Một con đường" và Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB).

Tất cả những điều này trực tiếp hoặc gián tiếp hứa hẹn hàng hóa sẽ lưu thông dễ dàng và bảo đảm thuận lợi cho kinh doanh giữa các thành viên tham gia. Sự hợp tác khu vực nói chung là phù hợp với lợi ích của các nước Đông Nam Á về quan hệ hợp tác và phát triển khung thể chế với các nền kinh tế lớn hơn như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Ấn Độ.

Tuy nhiên, hầu hết các dự án khu vực lớn hơn vẫn chưa trở thành hiện thực. Trong khi RCEP đang bế tắc trong những thách thức đàm phán, TPP trông chờ vào sự định đoạt của Quốc hội Mỹ. AIIB gần đây đã bắt đầu duyệt cho vay và các chi tiết về sáng kiến "Một vành đai, Một con đường" vẫn đang tiếp diễn.

Sau khi chào mừng sự thành công của việc xóa bỏ thuế quan cho thương mại trong khu vực, các quốc gia cần phải tuân thủ các cam kết mang tính khu vực khác như xóa bỏ các quy định trong nước đóng vai trò như các hàng rào phi thuế quan đối với thương mại, tinh giản thủ tục hải quan, mời gọi môi trường đầu tư chắc chắn và nhiều điều khác. Đây là thời điểm mà các nước nên làm cho người dân và doanh nghiệp của họ hiểu về hội nhập kinh tế, trong khi chuẩn bị cho họ những thay đổi ở cấp độ vĩ mô mà AEC hoặc sáng kiến hội nhập khu vực khác có thể mang lại cho các thành viên tham gia. Các chính phủ nên chỉ ra các ưu và nhược điểm của việc hội nhập kinh tế cho người dân, giải thích các biện pháp bảo vệ trong nước được đưa ra nhằm tránh khỏi những tác động tiêu cực của hội nhập kinh tế.

Hợp tác kinh tế giữa 10 nước Đông Nam Á có tiềm năng mang đến một ASEAN hội nhập và đoàn kết hơn. Việc nêu bật điều này sẽ thể hiện một cái nhìn cân bằng hơn của ASEAN với các đối tác trong khối và các nước khác trên thế giới.

Tác giả Sanchita Basu Das là chuyên gia kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu ASEAN thuộc Viện Nghiên cứu ISEAS Singapore. Bài viết đăng trên tờ “Straits Times” (ngày 2/8).

Vũ Hiền (gt)