sushma3.jpg

 

Gần đây, Trung Quốc đã công bố bản Sách Trắng quốc phòng mới nhất. Vào thời điểm khi cuộc cạnh tranh chiến lược giữa Trung Quốc và Mỹ tại Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có nguy cơ biến thành mối quan hệ đối địch rõ ràng, văn bản này đang được các chuyên gia Mỹ phân tích kỹ càng trên mạng xã hội. Theo quan điểm của Ấn Độ, văn bản này sẽ không gây nhiều quan ngại, với các nội dung liên quan tới Ấn Độ phần lớn mang tính trung lập.

Một nội dung đáng chú ý liên quan đến Ấn Độ trong Sách Trắng đó là Quân giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) sẽ “tiến hành các biện pháp hiệu quả để tạo điều kiện thuận lợi cho một giải pháp hòa bình để giải quyết thế đối đầu ở Doklam”. Cách diễn đạt này cho thấy bất đồng tại Doklam sẽ còn rất lâu mới kết thúc, bất luận hai bên đã đồng thời rút quân khỏi đây từ tháng 8/2017.

Tuy nhiên, việc Sách Trắng nhắc tới “quyền được xây dựng cơ sở hạ tầng và triển khai năng lực phòng thủ trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông” được nhiều nhà phân tích coi là điểm bất thường mới trong văn bản này. Nhà báo Ankit Panda của The Diplomat viết trên Twitter rằng đây là bước chuyển biến khỏi cam kết hồi năm 2015 của Chủ tịch Tập Cận Bình, theo đó Trung Quốc sẽ không quân sự hóa các thực thể này. Trong lúc Trung Quốc bị kẹt trong các cuộc khủng hoảng ở Biển Đông với Việt Nam và Philippines, lập trường của Sách Trắng về “đấu trường trên biển” này sẽ được nhiều người tiến hành phân tích.

Điều quan trọng đáng chú ý đó là Ấn Độ sẽ không cảm thấy bận tâm trước vấn đề này. Sau hội nghị thượng đỉnh không chính thức tại Vũ Hán giữa Tập Cận Bình và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi hồi tháng 4/2018, Ấn Độ đã tiến hành sứ mệnh lặng lẽ để củng cố quan hệ với Trung Quốc và dường như không muốn đối đầu với Bắc Kinh ở Biển Đông. Có ba dấu hiệu cho thấy sự chuyển biển này.

Trước tiên, New Delhi đã nhanh chóng phủ nhận thông tin từ Hà Nội hồi tháng 7/2018 rằng Ấn Độ đã thúc đẩy việc bán tên lửa hành trình siêu âm Brahmos cho Việt Nam dù hai nước đã thảo luận về khả năng này trong nhiều năm, một phần trong tiến trình làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng. Trên thực tế, các nhà phân tích tại New Delhi đã nhấn mạnh đến tiến triển trì trệ trong quan hệ chiến lược Việt-Ấn trong nhiều lĩnh vực. Về phần mình, Hà Nội đã mập mờ phản đối việc quân sự hóa nhóm “Bộ tứ” Mỹ-Nhật Bản-Úc-Ấn Độ bởi nhóm này đóng vai trò cân bằng “nhạy cảm” chống lại Trung Quốc. Trong khi đó, Hà Nội cũng tránh trực tiếp khiến Bắc Kinh tức giận.

Thứ hai, khi nhắc tới lợi ích thương mại của Ấn Độ ở Biển Đông, phần lớn trong số đó có được nhờ việc New Delhi nhận thầu khai thác lô dầu khí tại vùng biển của Việt Nam. Tuy nhiên, tháng 3 năm nay, các quan chức Ấn Độ thông báo rằng họ không quan tâm đến việc thăm dò Lô 128 “bởi các rủi ro liên quan”. Quyết định này có thể là kết quả của việc tăng cường quan hệ Ấn-Trung sau hội nghị Vũ Hán năm 2018 cũng như là kết quả của tính toán chính trị về việc vận hành lô dầu khí đó.

Thứ ba, Ấn Độ đã gần như “im hơi lặng tiếng" về cam kết được công khai trước đây về tự do hàng hải và hàng không - vốn là các vấn đề cơ bản gây quan ngại và tranh cãi trên Biển Đông. Điều này được thấy rõ qua hai sự kiện. Trước tiên, bản báo cáo của Ấn Độ tại hội nghị nhóm Bộ Tứ hồi tháng 5/2019 ở Bangkok đã không nhắc tới cuộc thảo luận về hai nguyên tắc này, trái ngược với bản báo cáo của Mỹ. Thứ hai, cuộc họp báo chung giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Ngoại trưởng Ấn Độ Subhramanyam Jaishankar tháng trước không hề đưa ra chỉ dấu nào cho thấy các vấn đề như vậy nằm trong các cuộc thảo luận của họ về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

Với Ấn Độ, quan điểm mập mờ về Biển Đông là lợi điểm trong chiến lược đối phó của họ với Trung Quốc và Mỹ. Và điều này khó có thể thay đổi trong một sớm một chiều./.

Theo “The Diplomat

Vũ Hiền (gt)