5488940-3x2-940x627.jpg 

Theo ông Jerome A. Cohen, thái độ hung hăng của Trung Quốc trên trường quốc tế, nhất là trong vấn đề Biển Đông, đã khiến các quốc gia châu Á và Mỹ ngày càng lo ngại. Tuy nhiên, tổng hợp chính sách ngoại giao của Trung Quốc có thể thấy tình hình không đến nỗi khiến dư luận bất an như vậy. Viễn cảnh hợp tác giữa Trung Quốc, Mỹ và các quốc gia khác trong các vấn đề như giải quyết ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu… vẫn rất lạc quan.

Đối thoại chiến lược kinh tế Trung-Mỹ lần thứ 7 được tổ chức trong hai ngày 23-24/6 làm rõ vấn đề làm sao để hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tìm kiếm thỏa hiệp hơn nữa trong các vấn đề không thể né tránh như thương mại, tài chính, đầu tư. Ngoài một số vấn đề phù hợp quy định, biểu hiện của Trung Quốc ở Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về cơ bản là tích cực, phạm vi đầu tư trực tiếp cũng ngày càng rộng, hơn nữa gần đây Trung Quốc còn sáng lập ra Ngân hàng Đầu tư Cơ sở Hạ tầng châu Á (AIIB) và các tổ chức có liên quan, theo đuổi ngành tài chính đổi mới sáng tạo và mang tính xây dựng. Điều này khiến Chính phủ Mỹ rơi vào tình cảnh lúng túng.

Chuyên gia Jerome A. Cohen cho rằng trong 7 năm qua, Trung Quốc đại lục và Đài Loan không ngừng hợp tác, tăng cường an ninh và ổn định ở châu Á, song Tổng thống Đài Loan Mã Anh Cửu sắp mãn nhiệm, cộng thêm người dân Đài Loan ngày càng lo ngại chính quyền đại lục độc tài sẽ uy hiếp sự phát triển dân chủ ở hòn đảo này và quan hệ hai bờ có thể sẽ tái xuất hiện mâu thuẫn trong tương lai.

Đối với cách làm của Trung Quốc trong hàng loạt vấn đề như Triều Tiên, Trung Đông, Ukraine, đương nhiên Mỹ không hoàn toàn ủng hộ, diễn biến trong quan hệ Trung-Nga cũng đang là một tiêu điểm thu hút sự chú ý của Mỹ. Tuy nhiên, những thách thức do những chủ đề khác mang lại cũng ngày càng nghiêm trọng.

Trong thời gian dài trở lại đây, rất nhiều vấn đề giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn chưa được giải quyết, trong đó có việc chính phủ Trung Quốc không ngừng vi phạm những nghĩa vụ cam kết được quy định trong hơn 20 hiệp ước nhân quyền quốc tế và các văn kiện liên quan. Ngoài ra, Bắc Kinh đã khởi thảo dự luật hạn chế hoạt động của các tổ chức phi chính phủ và tổ chức giáo dục nước ngoài ở trong phạm vi Trung Quốc. Động thái này chắc chắn sẽ ảnh hưởng hơn nữa tới quan hệ quốc tế của nước này.

Về vấn đề gián điệp mạng, cho dù là các vụ án quy tội cho Trung Quốc hoặc ví dụ về một số ít người bàn luận về các vụ tấn công mạng của Mỹ đối với Trung Quốc là bởi vì hiện chưa có luật pháp quốc tế về tấn công mạng, đồng thời cũng chưa có tổ chức giải quyết các vấn đề liên quan. Do vậy, chính phủ hai nước khi giải quyết vấn đề này có thể càng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, vấn đề cấp bách nhất đe dọa quan hệ hai nước là tình hình Biển Đông. Rất may, Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982 không chỉ quy định cụ thể làm thế nào để giải quyết tranh chấp chủ quyền biển, mà còn thành lập cơ quan trọng tài để có thể thực hiện quy định một cách công bằng. Năm 2013, Philippines khởi kiện Trung Quốc lên tòa án trọng tài quốc tế do Bắc Kinh tự ý vạch ra cái gọi là “đường chín đoạn” ở Biển Đông, đồng thời yêu cầu làm sáng tỏ các định nghĩa bãi đá ngầm, đảo, hòn đảo. Trọng tài cam kết sẽ làm sáng tỏ các dự án bồi lấp có mục đích quân sự của Trung Quốc có chính đáng hay không và những hành động này sẽ gây ra hậu quả pháp lý nào.

Tác giả Jerome A. Cohen cho rằng, đáng tiếc cho đến nay, Trung Quốc từ chối tuân theo ủy ban trọng tài độc lập, mà lại thông qua tuyên truyền chính trị và lịch sử để thanh minh cho hành động của mình. Những chuyên gia công bằng của ủy ban trên sẽ đưa ra phán quyết về vụ kiện này vào mùa đông năm nay. Nếu phán quyết không có lợi cho Trung Quốc, và nhiều khả năng Bắc Kinh sẽ coi thường quyết định này, đồng nghĩa với việc ngang nhiên vi phạm nghĩa vụ được quy định trong công ước của Liên hợp quốc. Trong khi đó, Chính phủ Trung Quốc từng tích cực tham gia đàm phán UNCLOS suốt thời gian dài và đã phê chuẩn nội dung công ước này.

Theo ông Hứa Thông Mỹ - chuyên gia Luật học nổi tiếng của Singapore, người từng tham gia soạn thảo UNCLOS, việc Trung Quốc kiên quyết từ chối thông qua trình tự trọng tài quốc tế, phán quyết hoặc bên thứ ba để giải quyết một cách hòa bình tranh chấp lãnh hải và lãnh thổ đã cho thấy nước này muốn đối đầu với các quốc gia châu Á và thế giới.

Điều cần nhấn mạnh là việc thông qua bên thứ ba để hóa giải tranh chấp không thể thay thế đàm phán, song có thể đơn giản hóa vấn đề, hối thúc các nhà ngoại giao, những người đã từng thất bại trong các đàm phán trước đó phá vỡ thông lệ và cùng đưa ra phương án giải quyết gấp rút. Những nguy cơ ở Biển Đông hiện nay có ảnh hưởng rất lớn, vượt xa vấn đề chủ quyền trước mắt. Nếu Trung Quốc và Mỹ, nước chưa kí kết UNCLOS, không thể đạt được nhận thức chung về quy định giải quyết tranh chấp một cách hòa bình và thực hiện quy chế này, viễn cảnh quan hệ hai nước cũng như cộng đồng quốc tế sẽ vô cùng rối ren. Vấn đề này sẽ là một trong những nội dung quan trọng trong chuyến công du Washington vào tháng 9 tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình.

Lê Sơn