Bộ trưởng Ngoại giao Campuchia Hor Namhong

Cần phải tìm ra lối thoát trong vấn đề Biển Đông, nếu không muốn những căng thẳng tại vùng biển này dâng cao dẫn tới đối đầu - một tình thế không có lợi cho tất cả các bên mà ASEAN không thể để xảy ra. Để giải quyết cuộc khủng hoảng này, các bên liên quan cần cam kết hợp tác với ý chí chính trị cao nhất.

Trước hết, nước giữ vai trò chủ tịch ASEAN phải tiếp tục nỗ lực thúc đẩy khối này ra một Thông cáo chung sớm nhất có thể, bởi nhiều quyết định quan trọng của toàn hiệp hội sẽ được nêu ra trong văn bản này. Ví dụ, việc bổ nhiệm Tổng thư ký ASEAN tiếp theo là ông Lê Lương Minh phải được nêu ra để các nhà lãnh đạo ASEAN chính thức thông qua tại hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 11 tới. Nếu việc này thất bại, ASEAN sẽ đối mặt với một cuộc khủng hoảng lãnh đạo. Những câu chữ đề cập tới vấn đề Biển Đông cần được tinh chỉnh để tất cả các quốc gia trong khu vực chấp thuận. Để làm được điều này, Campuchia, Việt Nam và Philíppin cần đối thoại trực tiếp và thống nhất về mặt câu chữ. Tuyên bố về 6 nguyên tắc trên Biển Đông có thể được dùng để bổ trợ hoặc đưa vào phụ lục của văn bản chính này.

Ngoại trưởng các nước ASEAN phải gửi lại các ghi chép của họ, giúp làm sáng tỏ những cuộc tranh luận quan trọng. Lợi ích chung của khối phải được đặt lên hàng đầu. Đây không phải lần đầu ASEAN gặp khó khăn trong vấn đề câu chữ. Vài thập kỷ trước, ASEAN đã thành công trong việc chọn câu chữ đề cập tới các xung đột giữa Palextin và Ixraen ở Trung Đông, giữa Ấn Độ và Pakixtan trong vấn đề Kashmir, giữa Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc trong vấn đề Bán đảo Triều Tiên, và cuối cùng là xung đột biên giới giữa Thái Lan và Campuchia xung quan ngôi đền Preah Vihear năm 2011. Bất kể tuyên bố cuối cùng nào mà ASEAN đưa ra đều được các nước lớn chấp thuận và điều chỉnh lập trường cho phù hợp.

Thứ hai, các thành viên ASEAN không có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông phải tích cực ủng hộ hơn. Inđônêxia hiện là thành viên duy nhất có khả năng làm trung gian hòa giải các tranh cãi trong nội bộ ASEAN, nhờ vào sáng kiến và các hoạt động ngoại giao con thoi của Ngoại trưởng Marty Natalegawa. Đây là nhiệm vụ mà Inđônêxia khó có thể thực hiện dưới thời Chính phủ Suharto. Những người tiền nhiệm của ông Marty Natalegawa như Mochtar Kusumaadja, sau đó là Ali Alatas và Hassan Wirayuda, dẫu có thâm niên và kỹ năng ngoại giao, song đều không thể tận dụng được tình thế cạnh tranh và căng thẳng như hiện nay. Là quốc gia đông dân nhất trong khối, chắc chắn vai trò ngày càng lớn cùng khả năng lãnh đạo tài tình của Inđônêxia sẽ có tác động lớn tới các các hoạt động chính trị của ASEAN trong tương lai. 

Thứ ba, tất cả các nước có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông cần nhất trí về một mô hình hợp tác, nhận thức đầy đủ rằng các tuyên bố chủ quyền chồng lấn xung quanh những đảo tranh chấp sẽ không thể giải quyết được trong tương lai gần. Điều cấp bách hiện nay là các nước có tuyên bố chủ quyền cần đồng thuận làm theo mô hình cùng phát triển của Thái Lan và Malaixia tại Vịnh Thái Lan, được áp dụng thành công từ năm 1979, với tỷ lệ lợi ích được chia đều 50-50. Năm 2008, dựa trên lời kêu gọi gác tranh chấp và đặt việc cùng phát triển lên hàng đầu của nhà lãnh đạo Đặng Tiểu Bình, Trung Quốc và Philíppin đã nhất trí cho phép các công ty dầu khí nhà nước tiến hành khảo sát địa chấn tại những vùng biển tranh chấp. Việt Nam đã quyết định tham gia thỏa thuận song phương sau đó vài tháng với sự ủng hộ của Philíppin và Trung Quốc. Tuy nhiên, thỏa thuận ba bên đã không mang lại kết quả như mong muốn để trở thành khuôn mẫu giải quyết tranh chấp. 

Thứ tư, ASEAN cần tiếp tục thảo luận vấn để Biển Đông như đã làm trước đây giữa các thành viên và với Trung Quốc, theo cơ chế ASEAN + 1. Nếu ASEAN quyết định né tránh vấn đề, hay sợ Trung Quốc nổi giận, điều đó sẽ làm giảm uy tín của hiệp hội nhiều hơn. Tại Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á sắp tới, các nhà lãnh đạo có thể đưa ra các vấn đề họ quan tâm, cho dù có hay không có sự chấp thuận của ASEAN. Trung Quốc và ASEAN cần nhìn lại việc họ đã đả thông bế tắc hồi tháng 4/1995 như thế nào khi mối quan hệ giữa họ xuống tới mức thấp nhất do xảy ra tranh chấp tại bãi đá ngầm Vành Khăn.

Khi tất cả các bên có tuyên bố chủ quyền và các bên đối thoại thể hiện sự ủng hộ mạnh mẽ việc tiếp tục tiến trình hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử của các bên tại Biển Đông (COC), họ không nên gây cản trở, đồng thời cho phép các quan chức cao cấp ASEAN và Trung Quốc tiếp tục làm việc với nhau về COC. Bắc Kinh cần khôi phục tinh thần sẵn sàng đàm phán với ASEAN về COC. Để bày tỏ thiện chí, Trung Quốc cũng nên làm rõ nguyên tắc cho ASEAN sử dụng 500 triệu USD trong quỹ hợp tác hàng hải được thành lập lập từ năm 2011, đặc biệt liên quan đến các dự án nghiên cứu và phát triển chung.

Cuối cùng, để tồn tại và chơi với những đối thủ lớn, ASEAN phải được chuẩn bị. Một trong số những chiến lược cần thực hiện là tăng cường khả năng của Ban Thư ký ASEAN. Hiện tại, ASEAN đang thiếu ngân sách hoạt động và còn khá yếu, nhất là trong các trụ cột chính trị-an ninh và văn hóa-xã hội. ASEAN mới chỉ vận hành tốt trong lĩnh vực hợp tác kinh tế và hội nhập. Sự thật là, trong khi các nhà lãnh đạo ASEAN bày tỏ ủng hộ những nỗ lực của Tổng Thư ký Surin Pitsuwan trong việc tăng cường sức mạnh của Ban Thư ký và các các bộ phận khác, nhưng họ chưa bao giờ nhất trí một cách đầy đủ về việc một Ban Thư ký lớn mạnh như thế nào là đủ để có thể gánh vác được sự ủy nhiệm của hiệp hội. Các quan chức cao cấp và các phái viên của các nước ASEAN tại trụ sở Ban Thư ký ở Giacácta đại diện cho tiếng nói và hành động của quốc gia họ. Tuy nhiên, ông Surin và các nhân viên của ông không phải như vậy. Nhiệm kỳ của Tổng thư ký Surin sẽ kết thúc vào tháng 12 và ông Lê Lương Minh sẽ đảm nhận chức vụ này vào tháng 1/2013.

Nếu không có phương hướng rõ ràng, vai trò trung tâm hay trung lập của ASEAN sẽ bị thách thức. Quyết định vào phút cuối cùng của Pháp, Mỹ và Anh trì hoãn việc ký Hiệp ước khu vực ASEAN phi vũ khí hạt nhân là một bằng chứng cho thấy mối liên kết ngày càng gia tăng giữa ASEAN và các cường quốc lớn và khả năng có thể ảnh hưởng tới tiến trình phát triển của ASEAN. Chỉ có Nga và TQ sẵn sàng ký. Điều khoản 11, mục 9 của Hiến chương ASEAN đã quy định cho mỗi thành viên ASEAN “cam kết tôn trọng trách nhiệm và nghĩa vụ của Tổng Thư ký ASEAN và các nhân viên, không tìm cách gây ảnh hưởng tác động vào những việc mà không thuộc trách nhiêm”. Cho đến nay không một nhà lãnh đạo ASEAN nào tham gia ký Hiến chương lại tuân thủ làm đúng như quy định.

Theo The Nation

Văn Anh (gt)