Bên cạnh đó, nỗ lực của Trung Quốc hướng tới uy lực quân sự lại có thể trở thành một thách thức lớn hơn. Trong lịch sử, Trung Quốc không phải là một cường quốc quân sự lớn của thế giới như Anh, Mỹ hay Nhật Bản. Nhưng điều này hiện đã thay đổi khi Trung Quốc đang trên đà phát triển. Sức mạnh của các cường quốc bậc trung có thể tăng nhanh chóng nếu họ có tiền, quyết tâm và kỹ năng kỹ thuật. Cả ba thứ này Trung Quốc đều đang có.

Hiện nay, cán cân quyền lực vẫn đang nghiêng về phía Mỹ, nhất là tại các vùng biển quốc tế. Mười tàu sân bay của Mỹ đang được triển khai ở các vùng biển quốc tế, gieo rắc nỗi sợ hãi cho những kẻ có ý định phá hoại trật tự quốc tế. Trong đó, mỗi tàu sân bay này lại được hộ tống bởi các tàu chiến lớn nên chúng có hỏa lực mạnh hơn nhiều các lực lượng vũ trang của hầu hết các quốc gia khác trên thế giới.

Vào cuối thế kỷ 20, Chính phủ Trung Quốc đã thấy rằng việc các loại vũ khí của Mỹ tùy ý di chuyển ở các vùng biển gần Trung Quốc là không có lợi cho ý định của Bắc Kinh trong việc thực thi các tuyên bố chủ quyền ở các khu vực tranh chấp với các nước láng giềng, trong đó có Nhật Bản và Việt Nam. Kết quả là Trung Quốc đang lặng lẽ phát triển hệ thống tên lửa đạn đạo đầu tiên của thế giới với tên gọi "Đông Phong-21D" (DF-21D), có khả năng đánh chìm các tàu sân bay ở cự ly hơn 1.500km. Hệ thống này khó bị đe dọa do được trang bị các bệ phóng di động với sự hỗ trợ của các đường hầm dưới lòng đất. Trung Quốc cũng đang phát triển công nghệ cho phép các quả tên lửa đổi hướng tự tìm đến mục tiêu khi các tàu sân bay tìm cách chuyển hướng.

DF-21D có thể mang cả đầu đạn hạt nhân lẫn thông thường, có khả năng tiếp cận mục tiêu ở xa trong vòng 12 phút, khiến đối phương khó có khả năng đánh chặn. Người Mỹ đang buộc phải nỗ lực tìm cách phát hiện hoặc tránh DF-21D. Thực tế là Trung Quốc có khá nhiều các hệ thống vũ khí chỉ trị giá 10 triệu USD nhưng có khả năng tấn công các tàu sân bay có trị giá 3-4 tỷ USD/chiếc của Mỹ và kiểu "trao đổi" này thực sự hời cho Trung Quốc. Sự tồn tại của loại DF-21D đang làm thay đổi cán cân quyền lực tại Thái Bình Dương nơi mà chính ông Obama coi đó là "chiến trường chính của hải quân" trong thế kỷ này. Nhưng rắc rối hơn là những tác động của chúng tới cán cân vũ khí hạt nhân mà Mỹ và Nga đang thận trọng duy trì. Việc phát triển và thử nghiệm DF-21D là trái với Hiệp ước về các vũ khí hạt nhân tầm trung (INF) được Tổng thống Mỹ Ronald Reagan và Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Mikhail Gorbachev ký năm 1987. Tuy nhiên, Trung Quốc đã không tham gia hiệp ước này và cũng không bị ràng buộc bởi bất kỳ hiệp ước quốc tế nào khi quyết định thiết kế những loại tên lửa có khả năng tiêu diệt tàu chiến Mỹ tại các vùng biển của họ.

Trong tương lai gần, Mỹ vẫn chiếm ưu thế quân sự so với Trung Quốc, và cho dù ngân sách quốc phòng của Trung Quốc có tăng lên đến 200 tỷ USD/năm thì cũng chỉ bằng 1/3 ngân sách quốc phòng của Mỹ. Nhưng thực tế cho thấy DF-21D là một vũ khí mang lại lợi thế cho Trung Quốc.

Một hiệp ước Mỹ-Trung, giống INF, có thể giúp tháo gỡ vấn đề này. Theo đó, Trung Quốc chắc chắn sẽ đưa ra một số điều khoản về triển khai tàu chiến Mỹ tại Biển Đông và biển Hoa Đông, có thể làm suy yếu khả năng hành động của Mỹ như một "trọng tài" giúp giải quyết các vấn đề giữa Trung Quốc và các nước láng giềng. Nhưng nếu DF-21D thực sự có khả năng đe dọa các tàu sân bay của Mỹ, và nếu Washington không tìm được cách vô hiệu hóa hệ thống tên lửa này, thì việc trở thành "trọng tài" ở các vùng biển châu Á sẽ trở thành một công việc nguy hiểm đối với Washington trong những năm tới.

Bài phân tích của Thượng nghị sĩ Colin Kenny, cựu Chủ tịch Ủy ban Quốc phòng và An ninh Quốc gia thuộc Thượng viện Canada đăng trên mạng tin Ipolitics.ca (Canada)

Duy Anh (gt)