Đề xuất giải quyết của tác giả đối với các vùng chồng lấn tại Biển Đông

Phiên điều trần ngày 5/2 của Trợ lý NT Mỹ Daniel Russel tại UBĐN Hạ viện nêu lại lời kêu gọi Trung Quốc làm rõ tuyên bố chủ quyền của mình trên biển Đông. Ông Russel cho rằng, theo luật biển quốc tế, tất cả tuyên bố chủ quyền trên biển phải xuất phát từ các đặc điểm của đất liền. Do vậy, tuyên bố chủ quyền nào trên biển Đông không xuất phát từ các đặc điểm của đất liền, giống như tuyên bố về “đường chín đoạn” của Trung Quốc, là hoàn toàn sai trái.

Câu hỏi đặt ra là liệu Trung Quốc có thể làm tuyên bố chủ quyền trên biển của mình phù hợp với luật biển quốc tế mà vẫn bảo vệ được những lợi ích chính đáng trên biển Đông hay không?

Câu trả lời là có thể và làm như vậy sẽ tạo tiền đề cho những thảo luận nghiêm túc về khai thác chung trong những vùng biển chồng lấn trong các tuyên bố chủ quyền. Có hai biện pháp để Trung Quốc thực hiện điều này:

Một là, Trung Quốc có thể giới hạn tuyên bố chủ quyền về vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chỉ xuất phát từ những đảo lớn như 12 đảo lớn nhất trên quần đảo Trường Sa và có thể áp dụng tương tự với các đảo lớn nhất trên quần đảo Hoàng Sa cùng với quần đảo Đông Sa (một nhóm 3 hòn đảo nằm ở phía đông bắc biển Đông, cách Hồng Kông 350 km, cách Đài Bắc 850 km, hiện do Đài Loan quản lý). Trung Quốc sẽ không gặp nhiều khó khăn khi tuyên bố chủ quyền đối với các đảo lớn. Không những thế, việc làm này có thể khiến các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc phù hợp hơn với luật biển quốc tế vì tuyên bố chủ quyền theo hướng sửa đổi như vậy hoàn toàn khác với tuyên bố ngầm được thể hiện trong bản đồ đường chín đoạn, vốn đã bị nhiều chuyên gia cho là không phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS).

Mặc dù theo tuyên bố chủ quyền được đề xuất như trên thì tổng số phần đất liền nằm trên các đảo lớn mà Trung Quốc có thể đòi hỏi chủ quyền chỉ khoảng 2 km2 nhưng Trung Quốc có thể lập luận rằng đó là “những hòn đảo” được đòi hỏi các quyền về EEZ và thềm lục địa của bản thân các đảo đó. Điều này phù hợp với UNCLOS vì trên tất cả các hòn đảo này đều có cây cối và một số còn có cả đường xá và các công trình xây dựng. Những hòn đảo này có thể được hưởng quyền ấn định EEZ dài 200 hải lý vì chúng khác với những đảo đá “không thể duy trì sự sống của con người và các hoạt động kinh tế” vốn chỉ được được quyền ấn định chiều rộng lãnh hải không quá 12 hải lý.

Có vẻ việc tuyên bố chủ quyền đối với những hòn đảo lớn và EEZ như trên sẽ khiến Trung Quốc bị “mất mát”. Tuy nhiên, trên thực tế hệ quả của tuyên bố chủ quyền theo cách mới là rất nhỏ. Lý do là vì các đảo lớn được liên kết theo nhóm nên Trung Quốc được quyền ấn định một vùng đặc quyền rất rộng lớn.

Bước tiếp theo là Trung Quốc có thể đưa ra một bản đồ thể hiện đòi hỏi chủ quyền về EEZ. Vùng này sẽ được ấn định bằng cách kéo dài 200 hải lý từ mép của các đảo lớn ra phía bên ngoài biển. Khi các bên tranh chấp trong ASEAN làm tương tự, Trung Quốc có thể giới hạn EEZ bằng cách áp dụng “đường trung tuyến” (khái niệm về đường trung tuyến -“equidistance line” hay “median line” -được nêu tại Điều 15 của UNCLOS về việc hoạch định ranh giới lãnh hải giữa các quốc gia có bờ biển kề nhau hoặc đối diện nhau. Đó là đường mà “mọi điểm nằm trên đó cách đều các điểm gần nhất của các đường cơ sở dùng để tính chiều rộng lãnh hải của mỗi quốc gia”). Trong trường hợp này, đó là đường nối các trung điểm của khoảng cách giữa những đảo mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền và phần đất liền của các nước khác.

Các tiền lệ quốc tế cho thấy rằng, khái niệm đường trung tuyến hầu hết luôn là xuất phát điểm cho việc phân định ranh giới giữa các đảo ngoài khơi và lãnh thổ đất liền. Một tuyên bố về EEZ mở rộng từ các đảo đến đường trung tuyến có thể được coi là có thiện chí và phù hợp với UNCLOS.

Tuy nhiên, làm như vậy có thể vẫn bị các nước khác phản đối theo hai cách: (1) họ sẽ không thừa nhận tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với các hòn đảo lớn; (2) họ sẽ lập luận rằng đường bờ biển trên đất liền mới là để căn cứ xác định vùng lãnh hải.

Mặc dù vậy, Trung Quốc rõ ràng vẫn có những lợi thế nếu làm theo đề xuất này. Trước hết, một tuyên bố mới như thế phù hợp với UNCLOS và Trung Quốc có thể không còn bị chỉ trích là không tuân thủ luật pháp quốc tế. Thứ hai, một đường trung tuyến có hiệu lực từ các đảo lớn nhất đến đường bờ biển trên đất liền có thể sẽ tạo ra một khu vực chồng lấn về tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông. Khi đó, Trung Quốc và bên tranh chấp phải có nghĩa vụ tham gia “các dàn xếp tạm thời có tính chất thực tiễn” như trong quy định của UNCLOS, chẳng hạn như các thỏa thuận cùng khai thác. Điều này mở ra khả năng cho các nước đàm phán và cùng tham gia khai thác tài nguyên. Hơn nữa, các bên liên quan có nghĩa vụ tuân thủ UNCLOS, theo đó không được thực hiện bất kỳ hành động đơn phương nào trong vùng chồng lấn gây cản trở cho việc đạt được một thỏa thuận cuối cùng về biên giới trên biển.

Nếu Trung Quốc chọn làm theo cách này thì các nước ASEAN liên quan đến tranh chấp trên biển Đông cũng có lợi vì khi đó Trung Quốc sẽ phải tuyên bố những vùng nào ở Biển Đông không thuộc vùng chồng lấn. Khu vực nằm giữa đường trung tuyến và đường bờ biển trên đất liền hay trên quần đảo mà một số nước ASEAN tuyên bố chủ quyền cũng thuộc EEZ của họ và do đó các nước này có quyền chủ quyền để thăm dò và khai thác thủy sản cùng nguồn tài nguyên hydrocarbon.

Nếu nhất trí cùng khai thác trong khu vực chồng lấn, chính phủ của các nước tham gia tranh chấp có thể biện minh với cử tri trong nước rằng họ không làm gì gây tổn hại đến tuyên bố chủ quyền của các đảo cũng như đến thỏa thuận cuối cùng về biên giới trên biển vì tuyên bố chủ quyền của các quốc gia khác cũng không được công nhận và các dàn xếp tạm thời cũng không phải là kết quả sẽ được ấn định trong thỏa thuận cuối cùng về phân định biên giới trên biển.

Tóm lại, nếu làm rõ phạm vi tuyên bố EEZ như đã nêu, Trung Quốc sẽ gửi một tín hiệu rõ ràng đến cộng đồng quốc tế rằng, nước này sẵn sàng theo đuổi lợi ích của mình trong khuôn khổ các quy tắc của luật pháp quốc tế. Điều này sẽ giúp khôi phục sự tin cậy lẫn nhau đồng thời khuyến khích các thỏa thuận cùng khai thác trong khu vực chồng lấn.

Robert Beckman -Giám đốc Trung tâm Luật Quốc tế, Trường Đại học Quốc gia Singapore và Clive Schofield-Giám đốc nghiên cứu tại Trung tâm Tài nguyên và An ninh biển thuộc Đại học Wollongong, Australia. Bài viết được đăng trên RSIS.

Trần Quang (gt)