Manila không thể chịu nổi hậu quả nếu thua trong vụ kiện về lãnh thổ tại Biển Đông, nhưng thắng lợi sẽ khuấy động sự phẫn nộ về mặt kinh tế của Trung Quốc.

Cho đến tận khi những nước cờ ngoại giao bắt đầu lộ diện thì tỷ lệ cược cho quyết định của Philippines kiện yêu sách lãnh thổ gây tranh cãi của Trung Quốc ở Biển Đông ra tòa án Liên Hợp Quốc là chưa cao hơn. 4.000 trang tài liệu Manila đệ trình lên Tòa Trọng tài tại The Hague vào ngày 30/3/2014 về cơ bản lập luận rằng yêu sách của Trung Quốc - dựa trên “đường chín đoạn”, một bản đồ cho phép Bắc Kinh kiểm soát 90 phần trăm Biển Đông - là “phóng đại” và “bất hợp pháp”.

Bắc Kinh từ chối trả lời buộc tội, và lập luận rằng trừ phi nước này đồng ý tham gia, thì tòa trọng tài thậm chí không nên xem xét đến vụ kiện của Philippines. Những tranh cãi pháp lý xung quanh vụ kiện dự kiến còn kéo dài thêm ít nhất 2 năm nữa. Nhưng những gì bây giờ đã rõ ràng là Philippines sẽ không thể gánh nổi hậu quả nếu thua kiện.

Nếu tòa án quốc tế xử có lợi cho Trung Quốc, thì Philippines sẽ mất một nửa lãnh thổ biển của mình. Đường chín đoạn của Trung Quốc thực tế ăn vào toàn bộ vùng biển 200 hải lý phía tây từ đường bờ biển Malaysia. Điều này làm cho Philippines không có cơ hội khai thác dầu và khí tự nhiên tại khu vực có thể có nhiều trữ lượng cả hai. Tồi tệ hơn, vụ thua kiện của Philippines sẽ là tiền lệ làm suy yếu các yêu sách của Việt Nam, Malaysia và Brunei. Điều đó có thể mang đến cho Trung Quốc một đòn bẩy để dấn sâu hơn vào vùng biển chồng lấn biên giới của hai bên.

Thậm chí nếu vụ kiện kết thúc trong bế tắc, với việc Tòa Liên Hợp Quốc tuyên bố thiếu quyền tài phán, thì Manila cũng không nhận được mấy đồng cảm trong khu vực. Ngay cả Việt Nam - nước có nhiều lợi ích ở Biển Đông - cũng không muốn gây rắc rối với Trung Quốc bây giờ.

Philippines có thể tiếp tục thúc đẩy chương trình nghị sự một cách kỹ thuật trong đàm phán COC, đồng nghĩa với việc tránh xung đột tại Biển Đông. Tuy nhiên, Bắc Kinh đã có bài có lợi cho mình trong vấn đề này. Trung Quốc tuyên bố đồng ý với một COC, nhưng chỉ trong những khu vực ngoài đường chín đoạn, và đưa ra một dự thảo kêu gọi chấm dứt tập trận quân sự tại Biển Đông.

Ngay cả khi Manila thắng thế thì cũng không phải là không có hậu quả. Không khó để dự báo trước một cơn thịnh nộ về mặt kinh tế của Trung Quốc chống lại Philippines. Ngay hôm sau khi Philippines đệ trình hồ sơ ngày 30/3, thì đã xuất hiện thảo luận về biện pháp trừng phạt, ví dụ bỏ luật miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ Philippines vào Trung Quốc. Trung Quốc có thể đánh vào hơn 166.000 người Philippines đang làm người giúp việc tại Hồng Công, giảm số lượng hoặc hạn chế lượng kiều hối họ gửi về nhà, con số mà năm ngoái tăng lên 555 triệu USD so với 420 triệu năm 2012. Thực tế là lượng kiều hối người Philippines tại đại lục gửi về đã giảm từ 90 triệu USD năm 2012 xuống 80 triệu USD năm 2013, khi bắt đầu xuất hiện căng thẳng giữa hai nước xung quanh bại ngầm Scarborough. Kiều hối đóng góp đáng kể vào tiêu dùng nội địa, yếu tố làm nên câu chuyện phát triển của Philippines.

Trung Quốc có thể gây ra nhiều tổn thất hơn trong lĩnh vực khác là thương mại. Xuất khẩu hàng hóa của Philippines sang Trung Quốc năm 2013 đạt hơn 6,58 tỷ USD, khiến đại lục trở thành đối tác xuất khẩu lớn thứ ba, sau Nhật Bản và Mỹ của nước này. Ngoài ra, Philippines còn xuất khẩu 4,42 tỷ USD sang Hồng Công. Tính tổng lại thì con số này gần bằng xuất khẩu của Philippines sang Nhật Bản. Trừng phạt có thể thẳng thừng bằng cách cấm hoàn toàn hoặc tinh vi hơn thông qua hình thức kiểm tra y tế. Ví dụ, vào tháng 5/2012, Trung Quốc từ chối thông quan 1.500 công-te-nơ từ Philippines, và đống chuối Canvendish bên trong đã bị bỏ thối rữa tại cảng Đại Liên, Thượng Hải và Tân Cảng. Lời giải thích chính thức là do chuối có dấu hiệu nhiễm bệnh. Nhưng những người trồng chuối Philippines nghi ngờ đây là sự trả đũa cho sự kiện xảy ra một tháng trước đấy khi hải quân Philippines cố gắng bắt giữ 8 thủy thủ đoàn trên tàu cá Trung Quốc bị bắt vì khai thác san hô, sò khổng lồ và cá mập sống gần Bãi Scarborough đang tranh chấp. Về đầu tư trực tiếp nước ngoài, xung đột với Bắc Kinh sẽ đẩy Philippines ra khỏi lượng đầu tư nước ngoài xấp xỉ 90 tỷ USD của Trung Quốc trên thế giới, mà phần lớn là đổ vào Châu Á.

Tóm lại, thắng, thua hay hòa thì Manila cũng sẽ phải trả giá đắt vì đã thách thức pháp lý với Bắc Kinh. Cũng như vậy, Trung Quốc cũng không thể nghĩ sẽ thoát ra khỏi vụ này mà không bị trầy xước. Trung Quốc cũng có lợi ích kinh tế riêng của mình. Philippines nhập khẩu nhiều nguyên liệu thô từ Trung Quốc hơn bất kỳ nước nào trên thế giới: 8 tỷ USD năm 2013. Đây chỉ là muối bỏ bể so với bức tranh thương mại toàn cảnh của Trung Quốc, nhưng vẫn làm tổn hại đến các công ty của Trung Quốc nếu Philippines đáp trả bằng trừng phạt thương mại của riêng mình.

Tuy nhiên, điều quan trọng là Trung Quốc không muốn đẩy Manila ngả sâu hơn vào vòng tay Washington và thấy lại những năm tháng Mỹ đóng quân trên những căn cứ quân sự của Philippines. Và vẫn còn một đối thủ Châu Á khác của Trung Quốc, Nhật Bản, có thể xoa dịu những tổn thất kinh tế Bắc Kinh có thể reo rắc lên Philippines. Giống như Mỹ, Nhật Bản có thể cung cấp cho Philippines đủ trang bị quân sự để nước này bảo vệ tốt hơn biên giới. Nhật đã từng đề nghị cho Philippines tàu tuần tra trị giá 11 triệu USD mỗi chiếc.

Vụ kiện ở Tòa trọng tài ở The Hague rõ ràng là một vấn đề rối rắm giữa Philippines và Trung Quốc. Tuy nhiên, xét cho cùng thì nó có thể mang lại vài lợi ích cho phần còn lại của thế giới. Ít nhất nó sẽ buộc Bắc Kinh phải thể hiện, chứ không đơn thuần là tuyên truyền, cho thế giới thấy nước này muốn trở thành cường quốc kiểu gì. Trung Quốc có thể chơi theo luật không, ngay cả khi không có lợi cho mình? Hay là sẽ hăm dọa người khác theo cách của mình và phớt lờ luật lệ vì lợi ích riêng? Một bản án có lẽ không thể bắt Trung Quốc từ bỏ chiếm hữu trên thực tế của mình tại Biển Đông. Nhưng Trung Quốc phải nhận sự đáp trả cứng rắn trong tất cả thỏa thuận với các nước khác. Bước đầu là việc Trung Quốc đề xuất tự do hàng hải tại Ấn Độ Dương và Bắc Băng Dương sẽ vấp phải sự nghi ngờ lớn hơn. Các đối tác tại khu vực sẽ đắn đo khi hợp tác sâu hơn với người láng giềng khổng lồ không coi trọng luật pháp quốc tế đã được cộng đồng các quốc gia công nhận.

Trung Quốc phải chấp nhận rằng không phải mọi tranh chấp đều có thể giải quyết song phương, thế giới đã đặt ra hệ thống luật, được thi hành bởi các tòa án không giới hạn trong biên giới quốc gia, và những luật này là không thể bẻ cong được vì nó đảm bảo cho tất cả các quốc gia, không tính đến sức mạnh thế nào, đều có phần trong miếng bánh của thế giới.

Chỉ riêng điều này thôi đã làm cho bước đi mạnh mẽ và tốn kém của Philippines là đáng. 

Theo Straits Times

Trần Quang (gt)