Biển Đông lâu nay không phải là khu vực bình lặng. Lợi ích của Trung Quốc ở Biển Đông không phải là lợi ích cốt lõi, mà thuộc lợi ích quốc gia quan trọng. Nếu lợi ích quốc gia chỉ có 2 loại: lợi ích cốt lõi và lợi ích thông thường, thì Biển Đông không thể là lợi ích thông thường, việc coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi là có lý. Nhưng như vậy sẽ hạ thấp giá trị của lợi ích cốt lõi và không có lợi đối với việc bảo vệ lợi ích cốt lõi.

 

Xét theo mức độ quan trọng, lợi ích quốc gia được xếp theo thứ tự: lợi ích cốt lõi, lợi ích quan trọng, lợi ích thông thường và lợi ích thứ yếu. Lợi ích cốt lõi là lợi ích liên quan đến sự tồn vong của quốc gia, như an ninh của phần lớn nhân dân, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ và chế độ chính trị. Lợi ích quan trọng là lợi ích mặc dù không ảnh hưởng đến sự tồn vong của quốc gia, nhưng ảnh hưởng và có lợi ích rất lớn đối với quốc gia, như việc bảo vệ cuộc sống của nhân dân, cân bằng chiến lược quốc tế có lợi, gìn giữ uy tín của đất nước...

 

Đối với Trung Quốc, lợi ích cốt lõi liên quan đến sự tồn vong của đất nước, không thể nhượng bộ, đàm phán và trao đổi, như kiên trì đường lối phát triển hòa bình, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ. Đó cũng là nguyên nhân chủ yếu để Trung Quốc coi việc ngăn chặn thế lực “Đài độc lập”, “Tây Tạng độc lập” và “Tân Cương độc lập” là lợi ích cốt lõi quốc gia. Biển Đông rất quan trọng đối với Trung Quốc, có lợi ích rất lớn về giao thông trên biển, tài nguyên nghề cá, tài nguyên đáy biển, không thuộc lợi ích thông thường và lợi ích thứ yếu, nhưng những lợi ích này cũng chưa đến mức ảnh hưởng đến sự tồn vong của đất nước nên cũng không phải là lợi ích cốt lõi quốc gia. Từ đó có thể thấy, Biển Đông thuộc lợi ích quan trọng của quốc gia.

 

Đáng chú ý, chính giới Trung Quốc chưa từng công khai tuyên bố Biển Đông thuộc lợi ích cốt lõi quốc gia của Trung Quốc. Báo chí thường dẫn nguồn từ hãng tin Kyodo, Nhật Bản. Kể từ sau khi Trung Quốc và ASEAN ký kết “Tuyên bố chung về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông” năm 2002, gần đây Trung Quốc lại bắt đầu tiến hành đàm phán với các nước ASEAN. Điều đó cho thấy, Trung Quốc không coi vấn đề Biển Đông là lợi ích cốt lõi quốc gia “không thể nhượng bộ, đàm phán và trao đổi”.

 

Biển Đông kiên trì chủ trương đàm phán trong khuôn khổ song phương. Các nước ASEAN liên quan lại lo ngại đàm phán song phương với Trung Quốc sẽ bị thiệt, do đó kiên trì “nguyên tắc năm 1994”, tức là “từ nay về sau trong đối ngoại sẽ lấy danh nghĩa tập thể chứ không lấy danh nghĩa song phương để đàm phán”. Gần đây, những nước này lại có ý đồ lôi kéo nước lớn ngoài khu vực vào cân bằng với Trung Quốc. Không nên lo ngại về điều đó, bởi vì việc Trung - Nga, Trung - Triều, Trung - Việt, Trung- Myanmar hoàn thành toàn bộ hoặc một phần đàm phán phân định biên giới đã chứng mình điều đó.

 

Trên thực tế, hơn 20 năm qua, Trung Quốc  luôn xử lý vấn đề Biển Đông theo nguyên tắc duy trì quan hệ hữu nghị với các nước ASEAN, giữ kiềm chế trong việc khai thác tài nguyên dầu khí, không tiến hành thăm dò một cách không khoan nhượng (việc thiếu kỹ thuật thăm dò dầu khí biển sâu, chưa nắm rõ trữ lượng chỉ là thứ yếu). Điều này bị cho rằng, Trung Quốc coi vấn đề khai thác dầu khí ở khu vực Trường Sa là lợi ích thông thường hoặc lợi ích thứ yếu. Hiện nay, Việt Nam, Philippin, Malaysia, Brunei mỗi năm khai thác khoảng 50 triệu tấn dầu ở vùng biển Trường Sa (tính cả một phần khai thác ngoài “đường lưỡi bò”). Trong khi đó, Trung Quốc chưa khai thác được giọt dầu nào ở Trường Sa.

 

Tình trạng trên không thể kéo dài mãi được. Vấn đề Biển Đông là lợi ích quan trọng quốc gia, không phải là lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Trong khi cùng các nước ASEAN thảo luận về bộ quy tắc ứng xử mang tính ràng buộc hơn, Trung Quốc cần đẩy nhanh tiến trình hợp tác khai thác dầu khí ở vùng Biển Đông, khi cần thiết cần áp dụng phương thức “lấy đấu tranh để mưu cầu hợp tác”. Trong khi đàm phán với các nước ASEAN liên quan, cần trao đổi phương thức và con đường hợp tác khai thác tài nguyên dầu khí ở vùng biển Trườn Sa. Nếu các nước liên quan không hưởng ứng, Trung Quốc cần kiên quyết chọn một số khu vực nào đó ở vùng biển Biển Đông đơn phương tiến hành gọi thầu và khai thác nhằm ép các nước ASEAN liên quan thay đổi cách làm “đơn phương” như hiện nay.

 

Nguồn: Global Times

 

Hoàng Trung (gt)

 

(Đề nghị chỉ được dẫn đường link mọi thông tin, bài viết  trên www.nghiencuubiendong.vn, không cắt đăng lại khi chưa có sự đồng ý của Ban Biên tập Website)