Châu Á đã và đang trải qua hàng thập kỉ phát triển kinh tế sâu sắc và nhiều năm hội nhập ngoại giao. Giờ đây các quốc gia trong khu vực đang vun đắp nền tảng này và tham gia nhiều hình thức hợp tác quân sự chưa từng có tiền lệ. Chúng đang bổ sung cho hệ thống liên minh "trục bánh xe và nan hoa" do Mỹ đứng đầu vốn tạo dấu ấn trong an ninh khu vực nhiều thập kỉ qua.

Mạng lưới quyền lực mới nổi này sẽ có tác động sâu sắc lên toàn bộ khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Nó cũng có thể ảnh hưởng đến chiến lược của Mỹ, bởi Oasinhtơn sẽ là bên được hưởng lợi nhiều nhất. Mạng lưới này chính là các thỏa thuận an ninh liên chính phủ, như mới đây giữa Xinhgapo và Việt Nam, Nhật Bản và Ôxtrâylia, Ấn Độ và Hàn Quốc. Đa dạng về quy mô, các thỏa thuận này đang thúc đẩy năng lực của các quốc gia châu Á trong nhiều hoạt động chung. Dù không phải là những hiệp ước quân sự song phương, song nó chắc chắn thể hiện sự hợp tác quân sự gần gũi hơn giữa các quốc gia quan trọng trong khu vực.

Diễn tập quân sự chung diễn ra ngày càng nhiều. Nhật Bản và Ấn Độ đã lần đầu tiên diễn tập chung trên biển vào năm 2012. Cùng năm đó, cũng diễn ra các hoạt động diễn tập thực địa giữa Ấn Độ và Xinhgapo, Ôxtrâylia và Hàn Quốc, Nhật Bản và Xinhgapo. Thương mại vũ khí giữa các nước châu Á cũng "nóng" hơn bao giờ hết. Thậm chí Nhật Bản, vốn lâu nay bị hạn chế xuất khẩu vũ khí, cũng đang cung cấp khí tài cho các nước trong khu vực.

Mặc dù một số mối quan hệ này diễn ra mà không có sự can dự của Trung Quốc và Mỹ, mối quan hệ Oasinhtơn-Bắc Kinh vẫn là động lực chính trong khu vực. Các nước châu Á đang đa dạng hóa quan hệ an ninh của mình để phòng ngừa khả năng sự trỗi dậy của Trung Quốc sẽ trở thành mối đe dọa và sự hiện diện của người Mỹ trong khu vực sẽ giảm bớt. Điều này đồng nghĩa với việc sự ổn định khu vực vẫn là chưa chắc chắn.

Dù tính liên thông ngày càng tăng trong khu vực có thể tạo ra sự kiềm chế, khiến các nước trở nên ngại ngần trong việc đưa ra những hành động gây hấn do phải tính toán đến thiệt hại trong những mối quan hệ của mình. Song, với một khu vực ngày càng quân sự hóa, nguy cơ bị chia rẽ thành những khối thù địch chạy đua vũ trang và tình trạng mất an ninh gia tăng là không thể loại trừ. Những mối quan hệ an ninh mạnh tại châu Á cũng có thể làm gia tăng sự cạnh tranh trong khu vực, đặc biệt nếu được cho là nhằm vào Trung Quốc.

Chính sách của Mỹ sẽ nhằm cung cấp một nền tảng như thế cho các nước châu Á để làm sâu sắc hơn quan hệ với các nước khác theo những cách sẽ hỗ trợ cho an ninh quốc gia của Mỹ, đổi lại sự gắn kết với một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và ổn định. Oasinhtơn có thể thúc đẩy tính gắn kết hoạt động quân sự hơn nữa, qua đó có thể mở rộng nhóm đối tác tiềm tàng. Với việc ngân sách quốc phòng bị cắt giảm, Mỹ sẽ hợp tác chặt chẽ với những đồng mình có năng lực cao và đối tác truyền thống, như Ôxtrâylia, Nhật Bản và Xinhgapo, để xây dựng năng lực cho các nước này cũng như những quốc gia thứ ba.

Dù vậy, các nhà hoạch định chính sách Mỹ cũng phải thận trọng với những mối đe dọa từ những đồng minh và đối tác thích phiêu lưu. Việc phối hợp liên minh sẽ trở nên đặc biệt quan trọng tại những nước mà Mỹ đang tìm cách mở rộng việc tiếp cận và hiện diện quân sự. Oasinhtơn cần phải làm rõ một cách kín đáo với đồng minh và đối tác về những cam kết và kỳ vọng của Mỹ trong khu vực và cần thúc đẩy các bên tránh những hành động đơn phương có thể đe dọa đến sự ổn định khu vưc.

Những thách thức này cho thấy sự cần thiết phải có sự can dự bền vững của Mỹ ở châu Á. Các nước đồng minh và đối tác trong khu vực vẫn quan ngại rằng những cam kết của Mỹ sẽ bị thu hẹp trong tương lai, có thể là do thiếu nguồn lực và ý chí chính trị hoặc bởi Oasinhtơn cho rằng sẽ tốt hơn cho lợi ích Mỹ nếu như thực hiện một chính sách "ưu đãi" hơn với Trung Quốc. Sự can dự được chăng hay chớ của Mỹ có thể thúc đẩy những chính sách an ninh nhằm bù đắp cho sự giảm bớt hiện diện của Oasinhtơn trong khu vực và hệ quả là sẽ xuất thiện những thỏa thuận tại châu Á mà không có Mỹ.

Tuy nhiên, một mạng lưới những mối quan hệ thù địch với lợi ích Mỹ, là hoàn toàn có thể tránh được. Dù vậy để đáp ứng mong muốn của các nước châu Á đối với những mối hệ quan hệ gắn kết hơn với nhau cũng như về sự hiện diện lớn hơn của Mỹ tại đây, Oasinhtơn sẽ phải nỗ lực nhiều hơn nhằm thực hiện cam kết tái cân bằng tại châu Á.

Patrick M. Cronin là Cố vấn và Giám đốc Cấp cao của Chương trình An ninh Châu Á Thái Bình Dương, Trung tâm An ninh Mỹ mới (CNAS). Richard Fontaine là Giám đốc CNAS; Ely Ratner là Phó giám đốc Chương trình Nghiên An ninh Châu Á Thái Bình Dương. Cả ba đều là đồng tác giả của The Emerging Asia Power Web: The Rise of Bilateral Intra-Asian Security Ties

Theo The Diplomat

Trần Quang (gt)