14.jpg

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump không phải là chính trị gia duy nhất nắm giữ quyền lực thông qua phương tiện truyền thông xã hội. Trong khi buổi sáng ông Trump thường đăng bình luận của mình trên trang "Twitter" chỉ trích các đối thủ, tổ chức và những tư tưởng mà ông không đồng ý, thì Thủ tướng Campuchia Hun Sen sử dụng "Facebook" như một công cụ để thực hiện chính sách, tuyên truyền cho đảng Nhân dân Campuchia (CPP) cầm quyền của ông và bỏ tù những nghị sĩ đối lập. Campuchia và Mỹ có thể là những nước hoàn toàn khác nhau, nhưng nhìn vào trang "Facebook" của ông Hun Sen, sức mạnh mà nó tác động đối với chính phủ và những vụ bê bối “tin tức giả” gần đây ở Campuchia là những bài học quý giá cho công chúng Mỹ khi nước này chuẩn bị có “Tổng tư lệnh Twitterer” đầu tiên.

Việc ông Hun Sen sử dụng "Facebook", bắt đầu từ năm 2013, là một quyết định mang tính chiến thuật để thu hút sự ủng hộ của cử tri trẻ tuổi khi các cuộc bầu cử đang đến gần. Thủ tướng Hun Sen hiện nay thường xuyên đăng tải hình ảnh con cháu, ảnh chụp với nông dân hay thành viên gia đình Hoàng gia lên "Facebook" - tất cả mọi cố gắng nhằm thể hiện sự “thân thiện, trẻ trung” trước các cử tri trẻ.

Đáng lo ngại hơn nữa, ông Hun Sen đang sử dụng "Facebook" như một công cụ chính trị để kiểm soát đất nước và đàn áp đối thủ của ông. Ông Hun Sen không còn giới hạn trong các bài phát biểu dài phát sóng trên Đài truyền hình gia đình do gia đình ông sở hữu. "Facebook" đã cung cấp cho ông Hun Sen một kênh truyền tải mong muốn của ông và một công cụ mới để buộc tội các lực lượng đối lập có hành vi sai trái. Tài khoản "Facebook" của ông Hunsen hiện có 6,5 triệu người theo dõi, không chỉ giới trẻ mà còn nhiều quan chức chính trị trung thành với CPP cầm quyền. Thông qua "Facebook", ông Hun Sen đã tìm thấy cách liên lạc trực tiếp với các quan chức chính phủ sẵn sàng ban hành mọi tuyên bố của ông.

"Facebook" cũng được các đối thủ của ông Hun Sen sử dụng. Thủ lĩnh đảng Cứu nguy Dân tộc (CNRP) Sam Rainsy sử dụng "Facebook" có 3,5 triệu người theo dõi, chủ yếu để chỉ trích thủ tướng và các chính sách của đảng cầm quyền. Ông Sam Rainsy hiện sống lưu vong ở nước ngoài. Tháng 12/2016, ông Sam Rainsy và 2 thành viên trong nhóm "Facebook" của ông đã bị kết án vắng mặt với tội danh tuyên truyền “một câu chuyện sai sự thật” trên "Facebook".

Tại Campuchia, tin tức giả mạo hoạt động theo một hướng luôn ủng hộ đảng cầm quyền. Trong khi đó, hiệp ước được cho là “giả” đăng trên "Facebook" khiến 4 thành viên đối lập lĩnh án tù. Một sự kiện làm giả tin tức khác hồi cuối tháng 12/2016 được đảng cầm quyền dàn dựng nhưng không bị xử lý. "Facebook" ở Campuchia không tạo ra sự minh bạch mà còn là "vũ khí" lợi hại để “tiêu diệt” đối thủ. "Facebook" đã trở thành một công cụ đơn giản thông qua đó quyền lực độc đoán cai trị.

Ông Trump có thể hành động theo cách tương tự như ông Hun Sen đã làm. Ông Trump đang lựa chọn những "kẻ nịnh nọt" vào Nội các. Ông có thể sẽ thực hiện những tuyên bố tranh cử như truy tố bà Hillary Clinton. Việc sử dụng các tòa án để trừng phạt các đối thủ của ông Trump là mối đe dọa đáng kể đối với nước Mỹ. Những tin tức giả mạo, mà trong chiến dịch tranh cử của ông Trump đã phát triển mạnh, có thể được biến thành “bằng chứng” chống lại những đối thủ của ông, giống như ở Campuchia. Công chúng Mỹ phải chống lại sự hội tụ của truyền thông xã hội và quyền lực nhà nước. Thiếu tính minh bạch, tuyên truyền cho bộ máy cầm quyền và áp bức các đối thủ thông qua phương tiện truyền thông xã hội là hành động độc đoán của thế kỷ 21.

Theo “Diễn đàn Đông Á” (ngày 19/1)

Hương Trà (gt)