Theo nhận định gần đây của Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS), Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình có tầm nhìn địa chiến lược rộng khắp thế giới, đặc biệt thúc đẩy những mối liên kết sâu rộng với khu vực Mỹ Latinh. Vì vậy, có thể coi việc Trung Quốc tăng cường can dự vào Cộng đồng các nước Mỹ Latinh và Caribe (CELAC) là một động lực mới để hình thành "con đường tơ lụa" xuyên Thái Bình Dương.

Thời gian gần đây, giới truyền thông quốc tế đề cập nhiều đến nỗ lực đẩy mạnh hợp tác Á-Âu mà Trung Quốc đang ráo riết theo đuổi. Với cam kết đầu tư 40 tỷ USD vào dự án "Con đường Tơ lụa" mới, Trung Quốc đã thổi bùng lên niềm hy vọng về những hành lang kinh tế chiến lược kết nối nước này với toàn bộ vùng phía Tây rộng lớn. Song song với đó, các nhà chiến lược ở Bắc Kinh còn xác định nhiều điểm kết nối để hình thành "Con đường Tơ lụa" trên biển, đưa nước này đến gần hơn với khu vực Đông Nam Á, vùng Ấn Độ Dương, châu Phi, Trung Đông và cả châu Âu. Tuy nhiên, tầm nhìn địa chiến lược của Chủ tịch Tập Cận Bình không chỉ thuần túy dừng lại ở "Con đường Tơ lụa" trên bộ, trên biển hướng sang phía Tây.

Đầu tháng 1/2015 vừa qua, hội nghị cấp bộ trưởng lần đầu tiên của Diễn đàn Trung Quốc-CELAC đã diễn ra ở Bắc Kinh. Tại hội nghị do Bộ trưởng Ngoại giao nước chủ nhà Vương Nghị và người đồng cấp Costa Rica Manuel Gonzalez Sanz cùng chủ trì, Trung Quốc đã thể hiện rõ ý định tăng cường hợp tác ngoại giao song song với chiến dịch gây cảm tình ở khu vực Mỹ Latinh. Theo kế hoạch, trong 5 năm tới, Trung Quốc sẽ mời 1.000 nhà lãnh đạo chính trị từ các quốc gia thành viên CELAC đến thăm. Bên cạnh đó, Trung Quốc còn dành hàng nghìn suất học bổng do chính phủ tài trợ và mở nhiều khóa học tiếng Trung ở cả cấp tiểu học lẫn trung học cơ sở trên khắp khu vực Mỹ Latinh.

CELAC được hình thành từ tháng 12/2011 tại Venezuela với 33 thành viên. Hội nghị thượng đỉnh sắp tới của CELAC sẽ diễn ra ở Chile vào năm 2018. Từ nay đến thời điểm đó, Trung Quốc hy vọng sẽ tăng mạnh kim ngạch thương mại xuyên Thái Bình Dương với mục tiêu đạt khoảng 500 tỷ USD, và mức đầu tư khoảng 250 tỷ USD. Khi triển khai chiến lược "Một vành đai, một con đường" nhằm hình thành "Con đường Tơ lụa" mới xuyên lục địa Á-Âu, Trung Quốc đã áp dụng nhiều sáng kiến khác nhau. Tương tự, đối với CELAC, Trung Quốc cũng đặt trọng tâm vào các dự án cơ sở hạ tầng.

Một vài năm qua, kênh đào Panama nối Thái Bình Dương với Đại Tây Dương đã nằm dưới quyền quản lý của một công ty Trung Quốc. Gần đây, năm 2014, tỷ phú Trung Quốc Vương Tĩnh - Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Công ty Đầu tư Phát triển Kênh đào HK Nicaragua (HKND Group) - đã châm ngòi cho tranh cãi trên phạm vi toàn cầu khi ông này nhận được hợp đồng xây dựng kênh đào Nicaragua. Việc gắn các thị trường đang phát triển vào nền kinh tế Trung Quốc được xác định là phương tiện quan trọng để hiện thực hóa "Giấc mơ Trung Hoa" của ông Tập Cận Bình.

Khắc phục hậu quả cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Trung Quốc đã phải "bơm" tín dụng vào thị trường nội địa thông qua hàng loạt dự án cơ sở hạ tầng lớn trên khắp đất nước. Tuy nhiên, vào thời điểm hiện nay, tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Trung Quốc có dấu hiệu chững lại. Vì vậy, hoạt động xuất khẩu của doanh nghiệp nước này sang các thị trường đang phát triển, dù ở xa xôi như Mỹ Latinh, vẫn đủ tạo ra động lực mới cho tăng trưởng GDP. Nhờ có "đầu cầu" CELAC, giờ đây, các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc có thể chuyển hướng mạnh sang khu vực Nam Mỹ.

Từ lâu, Trung Quốc đã tìm cách tăng cường sự hiện diện trong lĩnh vực khai khoáng ở Mỹ Latinh. Thực tế này góp phần thúc đẩy những dự án lớn mà Trung Quốc triển khai trên toàn khu vực. Ngay sau hội nghị với CELAC ở Bắc Kinh, Bộ trưởng Từ Thiệu Sử - Chủ nhiệm Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc - khẳng định rằng mục tiêu mà Trung Quốc hướng tới là các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, năng lượng và khai thác tài nguyên ở Mỹ Latinh. Trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới giảm mạnh, nguồn vốn đầu tư từ Trung Quốc được coi là "liều thuốc quý" đối với các nước Mỹ Latinh.

Tuy nhiên, không chỉ có cơ hội, Trung Quốc sẽ đối mặt với cả nguy cơ và rủi ro khi tăng cường can dự vào một số nền kinh tế đang gặp khó khăn. Tại hội nghị bộ trưởng đầu tháng 1/2015, ông Vương Nghị nhấn mạnh rằng hợp tác giữa Trung Quốc với CELAC là "rộng mở và toàn diện" trên cơ sở những điểm tương đồng. Thời gian qua, Chính phủ Trung Quốc vẫn lên tiếng phủ nhận những ý kiến so sánh chiến lược "Con đường Tơ lụa" mới với kế hoạch Marshall mà Mỹ triển khai tại Tây Âu hồi thập niên 1950. Tuy nhiên, nỗ lực tăng cường ảnh hưởng địa kinh tế của Trung Quốc ở Mỹ Latinh và những mục tiêu xuyên Thái Bình Dương của ông Tập Cận Bình sẽ đặt ra nhiều vấn đề cần phải tranh luận.

Theo “IISS

Viết Tuấn (gt)