Khi các học giả chính sách và các nhà quân sự phát đi cảnh báo về sự suy yếu của Mỹ và ủng hộ chi tiêu quốc phòng tăng lên là do lo ngại về kẻ thù đáng sợ đó chính là Trung Quốc.

Hãy lấy ví dụ về James Jay Carafano, một quân nhân đã về hưu và là một học giả chính sách của tổ chức theo cánh hữu Heritage Foundation đưa ra khả năng về “một cuộc chiến tranh hạt nhân Mỹ-Trung”. Ông lập luận trên tờ The National Interest rằng việc duy trì hòa bình giữa Trung Quốc và Mỹ “đòi hỏi phải tái đầu tư đáng kể vào các lực lượng vũ trang của Mỹ”. Ông nói rằng điều này là cần thiết để xoa dịu những mối nghi ngờ và bất an của các đồng minh của Mỹ. Ông lập luận rằng Washington “phải khép lại bất cứ lỗ hổng nào về sức mạnh quân sự mà người Trung Quốc cho là có thể khai thác được”.

Có rất nhiều lỗ hổng cần khép lại.

Carafano xác định “các mục tiêu chủ yếu” của Mỹ trong khu vực này là “duy trì quyền tự do đối với các khu vực chung (bầu trời, vùng biển, vũ trụ và không gian mạng) và hạn chế khả năng xảy ra xung đột khu vực trên quy mô lớn”. Chắc chắn đây là các lợi ích của Mỹ. Nhưng liệu đó có phải là các trách nhiệm của Mỹ không? Và chính xác thì hai nguyên tắc chung này trên thực tế có nghĩa là gì khi áp dụng vào khu vực châu Á-Thái Bình Dương?

Kết quả cho thấy rằng một cuộc xung đột quy mô lớn tại châu Á-Thái Bình Dương lại khó hình dung hơn nhiều so với những gì mà phe diều hâu Trung Quốc giống như Carafano tưởng tượng.

Mở cửa đối với kinh doanh

Vấn đề nằm ở những tiểu tiết.

Chẳng hạn, hãy lấy ví dụ về khả năng có thể trong tương lai của Trung Quốc đối với việc chi phối các vùng biển bao gồm: biển Hoa Đông, eo biển Đài Loan và biển Biển Đông. Số liệu thường được viện dẫn là 40% thương mại thế giới (được cho là trị giá 5.300 tỷ USD) lưu thông qua Biển Đông. Cộng thêm biển Hoa Đông và eo biển Đài Loan thì tổng cộng phải nhiều hơn 50%.
Liệu một quân đội Trung Quốc với khả năng cao hơn có thể làm gián đoạn hoạt động thương mại đó hay không? Dĩ nhiên là họ có thể. Bất cứ nước nào cũng có làm gián đoạn các tuyến đường biển bằng các đội tuần tra và thủy lôi chống hạm. Nhưng hầu như toàn bộ hàng hải dân sự đang được nói đến ở đây đều là thương mại đến và đi từ Trung Quốc. Thật khó để hình dung trong hoàn cảnh nào Chính phủ Trung Quốc lại muốn làm gián đoạn tuyến đường thương mại đó.

Cũng như vậy đối với vùng trời trên các biển gần Trung Quốc. Hầu như toàn bộ hàng không dân sự bay qua đó đều bao gồm các chuyến bay đến và đi từ Trung Quốc.

Vũ trụ và không gian mạng là các lĩnh vực chung khó kiểm soát hơn. Nhưng việc quân sự hóa lĩnh vực vũ trụ một cách hiệu quả từ lâu vốn là một câu chuyện theo kiểu bộ phim Chiến tranh giữa các vì sao, và không gian mạng của Trung Quốc về cơ bản là một khu vườn có tường rào bao quanh. Các tin tặc theo chủ nghĩa vô chính phủ gây đe dọa đối với mạng Internet thì cũng giống như đe dọa mà quân đội Trung Quốc gây ra. Dẫu tất cả các lĩnh vực an ninh mạng Internet cần được nâng cấp, thì những điều này lại không cần thực sự cần thiết khi xem xét một đe dọa cụ thể từ Trung Quốc.

Rắc rối trong khu vực?

Về phần xung đột khu vực thì sao? Quân đội đang lớn mạnh của Trung Quốc dĩ nhiên có vẻ như là một mối đe dọa trong khu vực. Nhưng mối đe dọa đối với ai? Một lần nữa ở đây những tiểu tiết lại gây trở ngại cho câu chuyện về mối đe dọa Trung Quốc.
Về phía Đông, Chính phủ Nhật Bản đang phản ứng trước sự bành trướng của Trung Quốc bằng việc tăng chi tiêu quốc phòng của chính nước này lên các mức kỷ lục mới, đề xuất thay đổi hiến pháp theo chủ nghĩa hòa bình của họ nhằm cho phép họ linh hoạt lớn hơn về quân sự, và tái thúc đẩy việc giải quyết tranh chấp quần đảo Kuril với Nga vốn đã diễn ra từ lâu. Nếu Thủ tướng Shinzo Abe thành công trong việc đạt được hòa bình với Nga, điều đó sẽ biến Trung Quốc và nước đồng minh Triều Tiên trở thành trọng tâm duy nhất cho tất cả các khả năng quân sự của Nhật Bản. Nhật Bản là một nước giàu có, tiên tiến về công nghệ với dân số 127 triệu người. Họ có thể tự lo liệu cho bản thân mình.

Vì những lý do rất khác biệt, Trung Quốc hầu như không gây ra mối đe dọa nào đối với Hàn Quốc. Trung Quốc ngày càng xem Triều Tiên là một gánh nặng nhiều hơn là một trụ cột tiền tuyến để tấn công xuống phía Nam. Và Trung Quốc gần đây đang tìm cách tranh thủ đầu tư công nghệ của Hàn Quốc nhằm giảm sự phụ thuộc của nước này vào Nhật Bản.

Các quan hệ chính trị xuyên eo biển Đài Loan chắc chắn bị chi phối bởi những câu hỏi về vị thế của Đài Loan. Mỗi cuộc bầu cử tại Đài Loan đều khuấy lên lời xì xào bàn tán và những nỗi sợ hãi về sự xâm lược của Trung Quốc. Nhưng không nước nào trên thế giới tiến hành một cuộc tấn công đổ bộ trên quy mô lớn kể từ các cuộc đổ bộ của Mỹ tại Incheon, Hàn Quốc vào năm 1950. Trong hơn nửa thế kỷ, ngay cả những cuộc phiêu lưu của Mỹ ở nước ngoài cũng chỉ có quy mô nhỏ (Grenada) hay được tiến hành từ các căn cứ trên bộ (Iraq).

Quân đội Trung Quốc sẽ không bao giờ có đủ khả năng để xâm chiếm Đài Loan trước sự kháng cự có vũ trang – không phải bây giờ, không phải sau này, không bao giờ. Điều đó đơn giản là không thể được thực hiện trong bối cảnh quân sự đương đại khi một tên lửa hành trình có thể nhấm chìm một tàu vận tải chở hàng nghìn binh lính. Thật sự sẽ là vô nghĩa khi lo lắng về điều gì mà thực tế không thể xảy ra.

Còn Philippines? Tại sao Trung Quốc muốn xâm lược Philippines? Việt Nam, Lào, Myanmar thì sao? Cũng như vậy cả thôi. Trung Quốc dính líu vào quá nhiều tranh chấp biên giới nhỏ với các láng giềng của nước này, nhưng không tranh chấp nào trong đó liên quan đến những lợi ích cốt lõi về lãnh thổ hay những tuyên bố pháp lý được đưa ra một cách thận trọng mà Trung Quốc (hay hầu hết các láng giềng của nước này, đối với vấn đề tranh chấp) đã thúc đẩy trước đây. Tất cả số đó đều là các xung đột bị đóng băng và dường như khó có thể làm tan được.

Một số học giả quan ngại về sự hiện diện đang tăng lên của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương. Ấn Độ có thể không đối địch với Trung Quốc với tư cách là một nước lớn, nhưng ngay cả Ấn Độ cũng nên thể hiện khả năng kiềm chế khả năng phô trương sức mạnh của Trung Quốc tới khu vực Ấn Độ Dương – và Ấn Độ có mọi lý do để làm như vậy.

Tóm lại, thật khó để hình dung những kịch bản cụ thể đối với cuộc xung đột khu vực lớn do Trung Quốc châm ngòi.

Những xung đột về tài nguyên

Đúng là có nhiều điểm nóng tạo nên xung đột nhỏ: quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, nhiều bãi cát ngầm và đá ngầm ở Biển Đông, vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) được mở rộng của Trung Quốc và nổi bật nhất là việc Trung Quốc xây dựng một đảo hoàn toàn mới ở giữa đại dương, có lẽ là nhằm thiết lập cơ sở để củng cố các tuyên bố chủ quyền trên biển của nước này. Kết quả của những tranh chấp này có thể xác định ai có quyền khoan tìm dầu ở ngoài khơi trong nhiều thập niên tới. Nhưng chúng không dính líu đến các lợi ích quốc gia chính đối với bất cứ nước nào có liên quan, ít hơn cả là Mỹ.

Vì vậy mặc dù có khả năng Trung Quốc sẽ dính líu vào một đụng độ nhỏ trên không hay trên biển với một hay nhiều các láng giềng trên biển của nước này, tuy nhiên chắc chắn là Trung Quốc sẽ không can dự vào một cuộc xung đột khu vực lớn với bất cứ nước nào trong số đó. Chưa từng nước nào lại sử dụng đến biện pháp chiến tranh chỉ vì hai chiếc máy bay va chạm giữa không trung. Và ở khía cạnh lịch sử, các nước thậm chí không gây chiến ngay cả khi xảy ra việc cố ý bắn hạ các máy bay dân sự, chứ chưa nói đến các tai nạn quân sự.

Nước Nga hiện nay là một đất nước tưởng chừng bất ổn, có thể đột ngột rơi vào tình trạng hỗn loạn vào bất cứ lúc nào như trong một cuộc đảo chính quân sự bất thành, cái chết đột ngột của Vladimir Putin, trong một cuộc cách mạng “sắc màu” trong tương lai… Như học giả người Nga Artyom Lukin giải thích, khu vực Viễn Đông Nga có nhiều tài nguyên thiên nhiên mà Trung Quốc thèm muốn và dân số vùng này chỉ là 6 triệu người. Trong tình hình hỗn loạn, khu vực này có thể là một mục tiêu hấp dẫn, nhưng ban lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc có đủ lý trí để không phải chịu rủi ro về chiến tranh hạt nhân.

Một mối đe dọa tưởng tượng

Vậy tại sao phải thổi phồng thách thức từ Trung Quốc?

Hãy cứ để Trung Quốc hiện đại hóa quân đội. Các láng giềng của Trung Quốc cũng sẽ củng cố sức mạnh mạnh khi phản ứng trước bất cứ mối đe dọa, có thể thấy thông qua việc mua bán các vũ khí đắt tiền của Mỹ. Ban lãnh đạo của Trung Quốc (ở gần trận chiến này hơn so với ban lãnh đạo của Mỹ) có lẽ hiểu rõ điều này. Nếu ngân sách quân sự của Trung Quốc đang tăng lên, có thể đó là vì Trung Quốc đang phát triển, không phải vì Trung Quốc có bất cứ kế hoạch xâm lược cụ thể nào.

Cho đến này không có dấu hiệu nào cho thấy sự mở rộng quân sự của Trung Quốc đe dọa đến Mỹ. Hoàn toàn ngược lại: điều đó có thể ủng hộ sự can dự lớn hơn của Trung Quốc vào việc gìn giữ hòa bình quốc tế, và có thể tạo ra sự chia sẻ gánh nặng thích đáng hơn giữa các đồng minh châu Á của Mỹ.

Khi thách thức Trung Quốc tan vỡ, mối đe dọa Trung Quốc có khuynh hướng biến mất. Không những không xác định được bất cứ lý do căn bản trên thực tế nào cho trận chiến, bài báo của Carafano dường như nhằm gõ trống khua chiêng để lôi kéo sự quan tâm đến bản đánh giá quốc phòng 2015 của Heritage Foundation, vốn đưa ra một sự ủng hộ dài 313 trang cho chi tiêu quân sự nhiều hơn.
Chính Carafano cũng phải thừa nhận rằng “không hề có bằng chứng cho thấy Bắc Kinh có bất cứ sự quan tâm nào đến việc can dự vào cuộc xung đột vũ trang với Washington”. Nếu điều đó xảy ra, tại sao phải vũ trang để chặn trước mối đe dọa đó? Cùng chung sống hòa bình là một chiến lược ít tốn kém và ít khiêu khích hơn nhiều./.

Bài viết của tác giả Salvatore Babones, chuyên gia nghiên cứu xã hội học trường Đại Học  Sydney đăng trên trang mạng Foreign Policy in Focus

Thùy Anh (gt)