Theo ông Usốp: “Cơ sở của vector hướng Đông của Nga đã được đề ra từ lâu. Các hành động hiện tại của Nga tại phía Đông không liên quan đến các sự kiện ở Ucraina. Nga đã có sự chuyển hướng từ giữa thập niên đầu của thế kỷ 21. Nó được thể hiện trong các văn kiện có tầm quan trọng quốc gia, trong chính sách năng lượng và trong chiến lược quốc gia của Nga.

Hiện tại, Nga cần phải đa dạng hóa chính sách đối ngoại của mình từ khu vực Châu Âu-Đại Tây Dương sang phía Đông. Sự kiện Ucraina đã tạo thêm động cơ cho xu hướng này. Các sự kiện quan trọng như Hội nghị Thượng đỉnh APEC đã diễn ra ở phía Đông cách đây không lâu. Đông Nam Á luôn có vị trí quan trọng trong chính sách đối ngoại của Nga, cùng với các mối quan hệ với Trung Quốc và Ấn Độ. Nga có các đối tác truyền thống tại đây, bao gồm Việt Nam. Nga đã và đang cố gắng phát triển quan hệ ngoại giao và kinh tế thân thiện với các nước này. Nga xem xét nhiều dự án kinh tế với Indonesia, Thái Lan và với cả 10 nước ASEAN, bao gồm Tiểu vùng Đông Nam Á, luôn là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Nga.

Đánh giá về ASEAN, ông cho rằng, ASEAN thực sự tồn tại như một sức mạnh kinh tế và địa chính trị. ASEAN được thành lập vì sự hội nhập trong các lĩnh vực kinh tế, chính trị và văn hóa như sự đối trọng với ảnh hưởng của các lực lượng bên ngoài, như Trung Quốc và Mỹ. Bây giờ tình hình đã thay đổi do sự gia tăng vai trò của Trung Quốc trong khu vực làm các nước Đông Nam Á e ngại.

Về mặt lịch sử, họ có mối quan hệ phức tạp, và sự xuất hiện của một người chơi có sức mạnh khác tất nhiên sẽ làm tăng mối quan ngại. Trung Quốc là một đối tác của ASEAN, nhưng Trung Quốc đang hành xử rất hung hăng vào thời điểm này. Mỹ đang cố tiến hành chính sách địa chính trị ngăn chặn đối với Trung Quốc, thu hút các quốc gia Đông Nam Á. Gần đây, vai trò của Mỹ đã tăng lên trong khu vực. Nga cũng luôn để mắt tới khu vực Đông Nam Á. Đông Nam Á  ở giữa Mỹ và Trung Quốc đang cố gắng tìm một lực lượng thứ ba để tạo cân bằng, và họ thấy Nga chính là lực lượng đó. Trong năm 2010, Nga đã tham gia cơ chế của Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á, là một trong những hội nghị Thượng đỉnh quan trọng nhất của ASEAN. Các nước này muốn sử dụng Nga như một người chơi thứ ba cho chính sách độc lập của họ. Tạm thời, vai trò của Nga trong khu vực đang yếu đi, vai trò của Mỹ tăng mạnh hơn. Ngoài ra, một số quốc gia trong khu vực Đông Nam Á tin rằng Nga đang tiến hành một chính sách thân Trung Quốc, đó là điều không đúng với thực tế.

Đối tác triển vọng nhất của Nga tại đây là Việt Nam. Nga có hai đối tác chiến lược trong khu vực là Trung Quốc và Việt Nam, đều có sự gần gũi về kinh tế và lịch sử, quan hệ chính trị rất tốt. Hiện quan hệ của Nga với Việt Nam phát triển rất mạnh. Giới tinh hoa của Việt Nam phần lớn đã học tại các trường của Liên Xô. Họ vẫn nhớ cuộc chiến tranh Việt Nam, khi đó Liên Xô đã tích cực giúp đỡ Việt Nam, điều này rất thuận lợi cho quan hệ với Nga. Việt Nam không thể là đồng minh về mặt chính trị với Nga do quan ngại về tình hình ở Ucraina, bởi vì họ cũng phụ thuộc rất nhiều vào Mỹ. Mỹ và EU là hai thị trường chủ yếu cho các sản phẩm của Việt Nam trong nền kinh tế định hướng xuất khẩu. Việt Nam không thể ủng hộ về mặt chính trị với Nga vì sự ủng hộ chính trị cho Mỹ trong cuộc tranh chấp với Trung Quốc. Tuy nhiên, các chuyến thăm Nga gần đây của các quan chức Việt Nam cho thấy, về nguyên tắc, Việt Nam đã sẵn sàng và muốn tiếp tục hợp tác với Nga. Việt Nam sẵn sàng là đối tác với Nga, nhưng Việt Nam sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt chống lại nước Nga.

Về căn cứ Cam Ranh trong quan hệ hợp tác quân sự Việt Nam -Nga, ông tin chắc là sẽ không có căn cứ quân sự nước ngoài trên lãnh thổ Việt Nam. Tuy nhiên, tàu thuyền nước ngoài có thể ra vào các vùng biển của Việt Nam. Nga không nên coi Việt Nam như một vị trí quân sự. Thời kỳ hợp tác với Liên Xô đã qua rồi, Nga nên coi Việt Nam như một thế lực thân thiện cần phải có, mà không chỉ cho Việt Nam, Nga cần có thêm Indonesia, Lào, Campuchia để cho việc hợp tác quân sự-kỹ thuật thành công. Mới đây, Nga đã đóng tàu ngầm thứ ba cho Việt Nam và có đến 80-90% vũ khí Việt Nam là các sản phẩm của Liên Xô và Nga.

Về quan hệ với Trung Quốc: Nga có được hợp đồng khí đốt tuyệt vời với Trung Quốc và nhiều hợp đồng kinh tế khác, quan hệ chính trị với Trung Quốc được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây và đạt đến một cấp độ mới. Nhiều người Trung Quốc hy vọng Nga sẽ có quan điểm thân Trung Quốc đối với vấn đề biển Đông, nơi có xung đột cơ bản về quyền lợi giữa Việt Nam và Trung Quốc. Tuy nhiên, Nga vẫn giữ chính sách trung lập trước đó về vấn đề này. Nga không đứng về phía Trung Quốc, nhưng cũng không đứng về phía Việt Nam. Có lẽ, sẽ thích hợp nếu Nga đưa ra được sáng kiến để giải quyết xung đột, ví dụ như phát triển các khu vực ngoài khơi ba bên tại Biển Đông. Ít nhất, điều này sẽ thể hiện ý chí chính trị của lãnh đạo Nga bằng cách nào đó giúp giải quyết cuộc xung đột. Đó sẽ là một sáng kiến tuyệt vời và một bước đi quan trọng.

Người Việt Nam luôn ủng hộ đầu tư của Nga, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng, vì Nga được công nhận là người khổng lồ về năng lượng. Các công ty của Nga đã có hợp đồng cung cấp dầu cho nhà máy lọc dầu đầu tiên của Việt Nam. Nga có những dự án tốt ở Việt Nam. Thú vị hơn là ít người nhớ rằng các nước trong khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, là nhà xuất khẩu vốn, đặc biệt là sang Nga. Có những dự án liên doanh để phát triển các mỏ dầu và khí đốt ở Nga, như các dự án dầu khí chung Nga-Việt. Các công ty Việt Nam và các công ty của các nước ASEAN khác đều muốn hoạt động trong lĩnh vực thị trường thực phẩm của Nga. Người Nga thường chọn Đông Nam Á, Việt Nam, Indonesia, Thái Lan là điểm đến du lịch. Tuy nhiên, những nước này cũng tích cực xuất khẩu vốn và có sản phẩm công nghệ cao.

Theo báo Pravda (Nga)

Thanh Bình (gt)