Mỹ tiếp tục đối mặt với những trở ngại trong chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương của mình. Nhà Trắng đã hủy chuyến thăm của Tổng thống Obama tới 4 nước Đông Nam Á với lý do gặp khó trong vấn đề “hậu cần” phát sinh từ việc đóng cửa một phần chính phủ liên bang.

Việc hủy chuyến thăm này cho thấy Washington tiếp tục gặp khó khăn trong việc thúc đẩy chính sách trở lại châu Á. Thứ nhất, chính sách này tiếp tục bị hạn chế do sự can dự quá sâu và vẫn đang tiếp diễn ở Trung Đông. Dù đã rút quân khỏi Iraq và Afghanistan, nỗ lực đàm phán bình thường hóa quan hệ với Iran, kiểm soát mối quan hệ với các đồng minh Israel, Thổ Nhĩ Kỳ và Saudi Arabia cùng nỗ lực xóa bỏ vũ khí hóa học của Syria cho thấy chính sách ngoại giao của Mỹ vẫn bị hút vào khu vực này.

Thứ hai, nỗ lực ngoại giao của Mỹ với châu Á thường xuyên bị tác động bởi các yếu tố đối nội. Tháng 3/2010, Obama đã hủy chuyến thăm tới Indonesia và Australia để tập trung vận động thông qua Luật Y tế tại Quốc hội. Trong tháng 6/2010, ông lại hủy tiếp các chuyến thăm đến hai nước này do sự kiện tràn dầu ở vịnh Mexico. Về cơ bản, các chuyến thăm của Tổng thống có vai trò đặc biệt quan trọng nhằm đạt được các mục tiêu chiến lược bao quát, trái ngược với các thỏa thuận về mặt kỹ thuật đạt được từ các cấp đàm phán thấp hơn.

Chuyến thăm của Obama là nhằm khẳng định tầm quan trọng rộng lớn của khu vực châu Á-Thái Bình Dương đối với an ninh, sự thịnh vượng của Mỹ nhưng 2 vấn đề này đã bị gạt ra ngoài chương trình nghị sự của người đứng đầu nước Mỹ. Thứ nhất, tại Philippines, Obama hy vọng sẽ hoàn tất một thỏa thuận cho phép bảo đảm sự linh hoạt lớn hơn cho quân đội Mỹ sử dụng các căn cứ quân sự tại Philippines để luân chuyển quân. Mỹ đã mất các căn cứ thường trực tại Philippines năm 1992 và từ 1999 đã hoạt động dựa trên một thỏa thuận cho phép tăng cường luân chuyển các lực lượng viếng thăm. Với môi trường an ninh đang thay đổi nhanh chóng ở khu vực, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng ở Biển Đông, Mỹ và Philippines đã tìm cách khôi phục liên minh quân sự. Chuyến thăm của Obama sẽ là nỗ lực thúc đẩy về mặt ngoại giao để đạt được mục đích này.

Thứ hai, tại Malaysia, Obama đáng lẽ sẽ có cơ hội trao đổi với Thủ tướng Najib Razak về các cuộc đàm phán đang diễn ra để ký được Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) vào cuối năm nay. Sự phản đối hiệp định này đang gia tăng trong những tháng gần đây tại Malaysia vì những vấn đề hóc búa như sở hữu trí tuệ, cải tổ doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn lao động và môi trường. Hơn nữa, cựu Thủ tướng Mahathir Mohamad đang dẫn đầu phong trào phản đối này, buộc ông Najib, người sẽ đối mặt với các cuộc bầu cử nội bộ đảng cuối tháng này, phải đảm bảo rằng chính phủ của ông sẽ phải thận trọng trong đàm phán nhằm giải quyết các mối quan ngại này.

Khi liên minh cầm quyền Malaysia phải chật vật đương đầu với phong trào phản đối gia tăng, triển vọng chấp nhận thêm những nhượng bộ với Mỹ trong đàm phán TPP về các vấn đề doanh nghiệp nhà nước, tiêu chuẩn lao động, môi trường sẽ trở nên khó khăn hơn. Nếu Obama tới Kuala Lumpur theo kế hoạch vào ngày 11/10 tới, ông có thể gặp phải các cuộc biểu tình tại Malaysia. Thế nhưng, chuyến thăm của ông lại thể hiện sự cam kết mạnh mẽ trong quan hệ của Mỹ với Malaysia khi ông là vị tổng thống đầu tiên tới thăm quốc gia Hồi giáo này trong hơn 40 năm qua. Malaysia cũng là quốc gia có vai trò quan trọng trong ASEAN liên quan đến Bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC). Nếu Mỹ có thể khuyến khích Malaysia giữ lập trường kiên định trong tranh chấp lãnh hải, điều đó sẽ giúp tăng cường sự thống nhất trong ASEAN về vấn đề này.

Trong khi đó, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đi trước một bước bằng chuyến thăm của mình tới Malaysia vào ngày 3-5/10. Từ năm 2009, Trung Quốc đã tìm cách nối lại quan hệ với Malaysia cả vì mục đích kinh tế lẫn do vị trí chiến lược của nước này tại ngã ba bán đảo Đông Nam Á. Trung Quốc không tham gia đàm phán TPP nhưng vẫn có thể chào mời những khoản đầu tư lớn vào Malaysia mà không cần bất cứ điều kiện đặc biệt nào. Trung Quốc cũng hy vọng sẽ khuyến khích Malaysia chia sẻ quan điểm của mình trong các cuộc đàm phán với phần còn lại của ASEAN về COC, làm tăng vị thế của cường quốc này và tiếp tục chia rẽ ASEAN trong vấn đề Biển Đông.

Khi cả Trung Quốc và Mỹ đang tìm cách ve vãn Malaysia, chuyến thăm của ông Tập Cận Bình rõ ràng đối nghịch hoàn toàn với sự vắng mặt của Obama dù việc chuyến thăm bị hủy không phá vỡ các chính sách của Mỹ với quốc gia Hồi giáo này trong dài hạn. Rõ ràng sự vắng mặt của Obama sẽ đem lại tín hiệu tiêu cực đối với Malaysia trong các cuộc đàm phán TPP. Nhưng sự lưỡng lự và tác động từ chính trị nội bộ của Malaysia cũng không thể ngăn cản việc đạt được thỏa thuận cuối cùng về hiệp định thương mại này giữa các thành viên. Malaysia hiện đã hội nhập đầy đủ vào nền kinh tế khu vực và toàn cầu, hiện cũng có vị thế cạnh tranh khá cao, đồng thời cũng đã có các hiệp định thương mại với hầu hết các đối tác TPP. Malaysia cũng muốn tiếp cận nhiều hơn tới các thị trường châu Mỹ nhằm đạt mục tiêu trở thành nền kinh tế phát triển.

Tại Philippines, chuyến thăm của Obama có thể sẽ giúp tạo ra động lực chính trị cho nỗ lực hồi phục sự hiện diện quân sự của Mỹ tại đây. Nhưng một lần nữa, những quan ngại an ninh của Philippines, đặc biệt là việc thiếu tiềm lực quân sự để đối phó với Trung Quốc trong tranh chấp đảo, đang khiến nước này muốn tăng cường sự hiện diện quân sự của Mỹ và Chính quyền của Tổng thống Benigno Aquino cũng đang có được sự ủng hộ của dân chúng để đạt được thỏa thuận này với Mỹ. Nhưng sự trì hoãn liên tục có thể làm suy yếu lòng tin vào cam kết của Mỹ ở khu vực này, trong bối cảnh các nước ASEAN đang do dự khi quyết định có đáng phải đứng lên chống lại Trung Quốc hay không khi khu vực cần duy trì mối quan hệ kinh tế mạnh mẽ với cường quốc này.

Khi chính sách hướng Đông của Mỹ còn đang tập tễnh, điều đặc biệt quan trọng khi các đồng minh như Nhật Bản, Australia trở thành các nhà tiên phong trong chính sách khu vực và nỗ lực làm sâu sắc việc can dự với ASEAN. Nhật Bản đang đặc biệt nỗ lực làm hồi sinh chủ nghĩa dân tộc, bao gồm không chỉ mở rộng tham gia các hiệp định thương mại quốc tế như TPP mà còn đưa các chính sách an ninh, kinh tế ngoại giao trực tiếp vươn tới Đông Nam Á. Thủ tướng Shinzo Abe không chỉ đưa ra chương trình nghị sự ngoại giao với mỗi thành viên ASEAN mà còn dự định chủ trì hội nghị thượng đỉnh ASEAN tại Tokyo vào cuối năm nay. Với Nhật Bản, mục tiêu xây dựng lại uy tín quốc gia được thực hiện thông qua việc làm mới các mối quan hệ hiện tại, dựa chủ yếu vào viện trợ và đầu tư, đồng thời đối phó với những bất trắc và mối lo ngại do sự trỗi dậy của Trung Quốc. Điều này đòi hỏi phải tìm kiếm sự ủng hộ của khu vực trong việc bình thường hóa vai trò quân sự của Nhật Bản vì mục đích kiến tạo hòa bình khu vực và thế giới.

Nói tóm lại, việc hủy chuyến thăm của Obama cho thấy Mỹ vẫn thiếu khả năng triển khai thành công chính sách trở lại châu Á-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, chính sách này sẽ vẫn tiếp tục được thực hiện vì nó được đưa ra xuất phát không chỉ từ lợi ích của người Mỹ mà còn của chính các quốc gia Đông Nam Á, khu vực luôn trông đợi vào sức mạnh kinh tế và quân sự của Mỹ để cân bằng quyền lực ở khu vực. Với sức mạnh quốc gia của mình, Nhật Bản cũng có tiềm năng giúp tăng cường sự can dự Mỹ-ASEAN khi cường quốc này đang tìm cách thoát khỏi tình trạng kinh tế trì trệ. Sự trợ giúp của Nhật Bản không chỉ vì lợi ích của Mỹ mà còn vì chính nhu cầu về động lực tăng trưởng và an ninh nhằm xây dựng các mối liên kết bền vững với khu vực Đông Nam Á.

Theo Stratfor

Văn Cường (gt)