Về vấn đề này, Người phát ngôn Văn phòng vấn đề Đài Loan Trung Quốc Dương Nghị ngày 15/6 bày tỏ, việc bảo vệ chủ quyền các đảo ở Biển Đông và vùng biển phụ cận là “trách nhiệm chung của đồng bào hai bờ”. Báo chí Đài Loan đưa tin, Hải quân và Cục Tuần tra bảo vệ bờ biển Đài Loan cuối tháng 6 sẽ tổ chức tàu chiến lớp “Tấn công”, “Trung hòa” và tàu tuần tra biển cỡ lớn xuống Biển Đông thực hiện “thao diễn biển xanh” theo hình thức vận chuyển tiếp tế đến đảo “Thái Bình” và thực hiện tuần tra trên biển.

Tờ “Nhật báo Trung ương” của Đài Loan ngày 16/6 dẫn ý kiến của học giả Vương Cao Thành cho biết, hai bờ đã có một số tiếp xúc dân gian về việc cùng khai thác dầu khí ở Biển Đông. Tờ “Đại công báo” Hồng Công cho biết, tháng 3/1988, tàu chiến của Đại lục đã vào neo đậu ở đảo “Thái Bình” 1 tuần để tiếp lương thực và nước ngọt. Phía quân đội Đài Loan bày tỏ, nếu xảy ra chiến tranh thì Đài Loan sẽ trợ giúp Đại lục.

Ủy viên Hiệp hội cắt giảm vũ khí hạt nhân và giải trừ quân bị Trung Quốc Từ Quang Dụ ngày 16/6 nói với “Thời báo Hoàn cầu” rằng, khả năng hai bờ hợp tác về quốc phòng là rất nhỏ, nhưng khả năng ngầm phối hợp là có, áp dụng phương thức bí mật để tạo ra tình huống hợp tác ngẫu nhiên. Ví dụ, hai bên đều cử tàu chiến, tăng cường phòng ngự bảo vệ đảo, trong cùng một thời điểm nào đó sẽ có hành động tương tự hoặc áp dụng hành động nào đó đối với 1 đối thủ. Điều này đã có tiền lệ trong lịch sử.

Chuyên gia về vấn đề quốc tế của Trung Quốc cho rằng, gần đây Việt Nam đã “làm nóng” vấn đề Biển Đông nhằm thu hút sự chú ý của cộng đồng quốc tế và Mỹ, gây sức ép đối với Trung Quốc. Có học giả Trung Quốc nhận định, Việt Nam có ý đồ thiết lập cơ chế mới ở khu vực để bảo đảm lợi ích của họ. Nhằm làm cho vấn đề Biển Đông trở thành điểm nóng trên thế giới, Việt Nam lợi dụng việc Mỹ muốn tìm kiếm quyền lãnh đạo ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đồng thời nhằm lúc Mỹ và Philippines tiến hành diễn tập quân sự đã gắn các vấn đề khác với cuộc diễn tập quân sự đó, lợi dụng Mỹ để gây sức ép đối với Trung Quốc. Tuần tới Mỹ sẽ tổ chức Hội thảo lần đầu tiên về vấn đề Biển Đông, do đó Việt Nam có ý đồ gây sự trước Hội nghị này, làm nóng vấn đề để nó trở thành một chủ đề được quan tâm ở Hội nghị nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của Mỹ.

“Nhật báo dân chúng” Đài Loan ngày 13/6 dẫn ý kiến của thành viên Đảng Quốc dân Trung Quốc Lâm Du Phương cho rằng, Philippines, Việt Nam và Trung Quốc liên tiếp tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, tình hình sau này sẽ ngày càng xấu đi, đến một mức độ nào đó các nước sẽ phải tìm kiếm phương thức giải quyết và sẽ liên quan đến các nước cờ đàm phán, lực lượng quân sự. Mặc dù lính hải quân lục chiến của Đài Loan năm 2011 bắt đầu thay thế quân của Cục Tuần tra biển đã thể hiện chính sự coi trọng vấn đề chủ quyền Đài Loan, nhưng Đài Loan cần có các hành động lớn hơn, nâng cao khả năng tác chiến và không thể mềm yếu về ngoại giao.

Thời báo Hoàn cầu ngày 16/6 tiến hành điều tra trên mạng về môi trường xung quanh Trung Quốc, có hơn 20.000 tham gia, trong đó 92% cho rằng môi trường xung quanh Trung Quốc đang xấu đi, 69% cho rằng năm 2010 - 2011 là thời điểm môi trường xung quanh Trung Quốc xấu nhất.

Học giả về vấn đề quốc tế Trung Quốc Mã Chấn Cương nói, việc tỷ lệ người cho rằng môi trường xung quanh Trung Quốc xấu đi cao như vậy có thể do cảm giác thực tế đối với những phiền phức hiện nay.

Học giả Viện quan hệ quốc tế Đại học Nhân dân Trung Quốc Thời Ân Hồng cho rằng, nếu nhận xét môi trường xung quanh Trung Quốc hiện nay nên dùng từ “phức tạp” thì phù hợp hơn từ “xấu đi”. Quan trọng là so sánh thế nào, môi trường xung quanh Trung Quốc hiện nay không thể so sánh với 50, 60 năm trước. Biện pháp mà Trung Quốc sử dụng để đối phó với môi trường xung quanh xấu đi vào những năm 60 thế kỷ trước chỉ là “chuẩn bị chiến tranh, chuẩn bị đón khủng hoảng”, dường như đã đến bước đường cùng, mãi đến khi Ních-xơn thăm Trung Quốc mới thấy “ánh dương”. Còn bây giờ trong thùng đồ nghề của Trung Quốc có rất nhiều công cụ, “biện pháp chuẩn bị chiến tranh, biện pháp quân sự, biện pháp ngoại giao đều có thể điều chỉnh sử dụng”. Môi trường xung quanh Trung Quốc tốt nhất là vào đầu thập niên 80 thế kỷ trước, lúc đó Trung Quốc mới cải cách mở cửa, các mặt tích cực trong quan hệ Trung - Mỹ nổi bật, quan hệ Trung - Nhật cũng rất tốt, ngoại giao thương mại và ngoại giao hòa bình của Trung Quốc đối với Đông Nam Á cũng được khởi động và triển khai thuận lợi, vấn đề Triều Tiên không nổi lên. Đối với môi trường xung quanh Trung Quốc hiện nay ngày càng phức tạp. Ông Thời Ân Hồng cho rằng, một là việc Trung Quốc trỗi dậy đã khiến Mỹ đẩy nhanh thực hiện ngoại giao và chiến lược phòng ngừa, lo ngại của các nước xung quanh cũng tăng lên, hai lực lượng đó liên kết với nhau, những năm gần đây Mỹ cố gắng tạo dựng một chủ đề: “mối đe dọa từ Trung Quốc” là tồn tại; hai là, so với 5 năm trước, ngoại giao láng giềng của Trung Quốc không sâu sắc bằng, kiên nhẫn chiến lược giảm, sự thay đổi đó kết hợp với việc Nhật Bảnvà một số nước Đông Nam Á có thái độ mạnh mẽ hơn đối với đảo Điếu Ngư và Biển Đông. Ngoài ra, vấn đề hạt nhân Triều Tiên “lúc nóng lúc lạnh”, Trung - Ấn cũng tồn tại một số vấn đề. Tuy nhiên, sức ép, vấn đề và biện pháp giải quyết mà Trung Quốc đang phải đối mặt đều không giống như trước đây.

Trần Anh (Tổng Hợp)