Một Bắc Triều Tiên mà chúng ta biết cho tới nay đã kết thúc. Cho dù nó có bị tan rã trong vài tuần hay vài tháng tới hay không thì chế độ này sẽ không thể duy trì được sau cái chết đột ngột của ông Kim Châng In. Việc Mỹ sẽ có phản ứng như thế nào – và tất nhiên, điều còn quan trọng hơn nữa là phản ứng của Mỹ trước thái độ của Trung Quốc – sẽ xác định liệu khu vực này tiến tới ổn định hay lâm vào tình trạng xung đột. Cái chết của Kim Châng In đã đến vào thời điểm tồi tệ nhất đối với Bắc Triều Tiên. Tan vỡ về kinh tế, nạn đói và cô lập về chính trị, Vương quốc Ẩn dật này đang ở giữa chừng của giai đoạn chuyển giao quyền lực cho người con trai chưa đầy 30 tuổi Kim Châng Un chưa được trải qua thử thách. “Người kế tục vĩ đại”, như các cơ quan truyền thông Bắc Triều Tiên ca ngợi này, đang bị vây quanh bởi những bậc cao niên ốm yếu không kém gì cha anh ta và giới quân đội bực tức trước việc anh ta được phong quân hàm đại tướng hồi năm ngoái mà không hề trải qua một ngày phục vụ quân ngũ. Một chế độ như vậy đơn giản là không thể trụ vững được. Quá trình chuyển giao diễn ra đúng vào thời điểm Mỹ đang cố gắng khôi phục các cuộc đàm phán về vấn đề hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Các nỗ lực này hiện được thay thế bằng sự vội vã chuẩn bị cho các kế hoạch kiểm soát vũ khí hạt nhân bị thất thoát một khi chế độ này sụp đổ. 

Và đúng là Oasinhtơn vẫn bất lực. Bất kỳ sự chìa tay ra nào với ông Kim Châng Un hoặc những nhân vật cạnh tranh tiềm tàng nào khác của chế độ này đều sẽ gây ra những rắc rối xung quanh tiến trình chuyển giao, và tất nhiên sẽ bị Trung Quốc coi là mối đe doạ. Từ khi ông Kim Châng In bị đột quỵ năm 2008, Mỹ và Hàn Quốc đã nghiên cứu, vạch ra những kế hoạch tổng thể để đối phó với tình huống tương tự, song cả hai đều cho rằng họ sẽ có vài năm nếu không nói là một thập kỷ để làm việc này. Bởi vậy, động thái tốt nhất của Mỹ và Hàn Quốc hiện nay là chờ đợi và quan sát xem Trung Quốc hành động như thế nào. Một trong số các nguyên tắc then chốt trong chính sách đối ngoại của Bắc Kinh là duy trì sự chia rẽ trên bán đảo Triều Tiên, bởi vậy, tuyên bố của Trung Quốc về ủng hộ duy trì sự tiếp nối trong ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên không có gì là bất ngờ. Từ năm 2008, Trung Quốc đã tăng cường quan hệ chặt chẽ hơn với chế độ Bắc Triều Tiên, công khai ủng hộ các nhà lãnh đạo của chế độ này và đầu tư lớn vào khai thác các mỏ khoáng chất ở vùng biên giới giữa hai nước. Tuy nhiên, ngay cả khi Bắc Kinh gắn bó chặt chẽ hơn với nước cộng sản đàn em của mình, trong ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên vẫn xảy ra các cuộc tranh luận mạnh mẽ về việc liệu quốc gia này có phải chịu trách nhiệm trong chiến lược của Trung Quốc hay không. Ủng hộ một chế độ đóng kín song ổn định dưới thời Kim Châng In là chuyện đã qua, giờ đây Trung Quốc sẽ khó khăn hơn trong việc bảo lãnh cho một ban lãnh đạo chưa được thử thách. Đối với ông Tập Cận Bình, người dự kiến trở thành Chủ tịch Trung Quốc trong năm tới, quyết định trong chính sách đối ngoại đầu tiên sẽ là bỏ rơi Bắc Triều Tiên hay chấp nhận nó như một tỉnh của Trung Quốc. 

Tất cả các tín hiệu đều cho thấy Bắc Kinh sẽ theo đuổi đường lối thứ hai. Trung Quốc có thể sẽ sử dụng mọi biện pháp, sớm đưa ra lời mời nhà lãnh đạo Kim Châng Un thăm Bắc Kinh và đề xuất các khoản viện trợ cả gói mới kèm theo điều kiện yêu cầu ban lãnh đạo mới cam kết tiến hành các cải cách kinh tế. Trong khi một số người hy vọng cái chết của ông Kim Châng In sẽ dẫn tới thay đổi chế độ theo hướng dân chủ, Trung Quốc sẽ hành động mạnh mẽ để chống lại khả năng đó, đặc biệt là nếu các nỗ lực đó lại nhận được sự ủng hộ từ Hàn Quốc hoặc Mỹ. Do chỉ có Bắc Kinh “có tai mắt” ở Bắc Triều Tiên, nên Oasinhtơn và Xơun chỉ có thể hành động hạn chế trong các phản ứng của mình. Một kênh đối thoại rõ ràng giữa Mỹ, Trung Quốc và Hàn Quốc là cần thiết hơn bao giờ hết. Một kênh đối thoại như vậy hoàn toàn không tồn tại kể từ khi ông Kim Châng In bị đột quỵ năm 2008. Trung Quốc đã gạt bỏ mọi động thái chính thức cũng như không chính thức của Oasinhtơn đề xuất bí mật thảo luận về khả năng bất ổn định ở Bắc Triều Tiên. Trước đây, Trung Quốc lo ngại phương Tây sẽ giành nhiều lợi ích hơn họ, hiện nay, Trung Quốc cần có sự suy xét thực tế hơn để mở ra kênh đối thoại như vậy. Ba bên cần phải mở kênh thảo luận tất cả các mối lo ngại của mình về điều có thể xảy ra khi Bắc Triều Tiên sụp đổ - thất thoát vũ khí hạt nhân, làn sóng người tỵ nạn, các cuộc tấn công bằng pháo – và cách phản ứng như thế nào đối với từng trường hợp xảy ra. Với rất ít thông tin được biết về nội tình ban lãnh đạo của Vương quốc Ẩn dật này, tính toán sai lầm của bất kỳ bên nào trong phản ứng đối với các diễn biến ở Bắc Triều Tiên đều rất dễ gây ra các báo động quân sự trên bán đảo Triều Tiên. Không bên nào sẽ cảm thấy dễ dàng với tình huống như vậy. Đối với Trung Quốc, tình trạng không rõ ràng xung quanh ban lãnh đạo Bắc Triều Tiên diễn ra trong bối cảnh chính quyền của Tổng thống Obama thực hiện chính sách trở lại châu Á và khẳng định rằng khu vực này là ưu tiên chiến lược mới của Mỹ. Điều đó đã tạo ra sự bất an ở Bắc Kinh khiến khả năng tiến hành một cuộc đối thoại thực chất giữa Trung Quốc và Mỹ trở nên khó khăn hơn – và cũng bởi vậy càng cần thiết hơn. 

 Theo Deccanchronicle (21/12)

Mỹ Anh (gt)