1_9_2(1).jpg

 

 

Trải qua 50 năm hình thành và phát triển với số thành viên hiện tại là 10 quốc gia, ASEAN đã gặt hái được những thành công đáng kể về kinh tế, xã hội và được đánh giá là một trong những tổ chức thành công bậc nhất trên thế giới. Tuy nhiên, trong giai đoạn hiện nay trước hàng loạt những thách thức của thế giới cũng như khu vực đòi hỏi ASEAN phải có sự cải tổ, sẵn sàng thích ứng với tình hình mới để tiếp tục duy trì đà phát triển của mình.

ASEAN sẽ tổ chức kỷ niệm sinh nhật lần thứ 50 của mình trong năm nay như một cột mốc quan trọng của khu vực sau 5 thập kỷ thành công trong phát triển kinh tế cũng như các mặt của đời sống xã hội. Trong năm nay, Philippines được vinh dự là Chủ tịch luân phiên và tổ chức nhiều sự kiện quan trọng liên quan đến lễ kỷ niệm này.

Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã công bố chủ đề của năm nay đó là "Hợp tác để thay đổi, hòa nhập với thế giới" đồng thời cam kết thúc đẩy ASEAN với hơn 630 triệu dân thuộc 10 quốc gia thành viên với các điều kiện kinh tế xã hội khác nhau trở thành một mô hình lý tưởng đảm bảo những lợi ích cốt lõi cho người dân của mình.

Trong lễ bàn giao chức Chủ tịch ASEAN từ Lào tại Hội nghị cấp cao ASEAN vào ngày 8/9/2016 vừa qua, Tổng thống Philippines cam kết sẽ làm hết sức mình để thúc đẩy ASEAN theo đuổi các sáng kiến và tăng cường hợp tác với các đối tác toàn cầu trong khi vẫn đảm bảo vai trò trung tâm, thống nhất và đoàn kết trong ASEAN.

Lễ kỷ niệm 50 năm ra đời ASEAN có thể trở thành điểm khởi đầu để chuẩn bị cho những thách thức mới ở phía trước trong khu vực. Là Chủ tịch và là một trong những thành viên sáng lập ASEAN, Philippines có nhiệm vụ rất lớn trong việc đảm bảo ổn định về chính trị, kinh tế trong nước trong bối cảnh tình hình trong nước cũng như khu vực đang có nhiều biến động. Những thách thức này cần phải được chủ động đối phó và giải quyết một cách hiệu quả.

Chúng ta có thể thấy rằng hoạt động thương mại trong ASEAN đã bị trì trệ trong vòng vài năm trở lại đây, mặc dù việc loại bỏ các hàng rào thuế quan đã tạo được một điểm quan trọng trong chương trình nghị sự. Tuy nhiên, nhiều biện pháp chưa được thực hiện và các vấn đề mới phát sinh hiện đặt ra nhiều thách thức cho năm thứ hai sau khi thành lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) năm 2015.

Việc có nhiều quốc gia hiện nay đang coi trọng việc bảo hộ kinh tế trong nước, không ủng hộ toàn cầu hóa trong bối cảnh kinh tế thế giới đang gặp nhiều khó khăn cũng là những trở ngại lớn cho nỗ lực hội nhập khu vực và có thể phá vỡ chuỗi cung ứng toàn cầu.

Một điều đáng chú ý nữa là vai trò của các nước lớn trong ASEAN, trong đó có Indonesia trong việc tuân thủ các cam kết hiện có hoặc tăng cường cam kết đối với các hiệp định thương mại tự do của ASEAN và ASEAN + 1. Sự thiếu vắng của một cơ chế giải quyết tranh chấp phù hợp để giải quyết các vấn đề phức tạp làm cho vấn đề tồi tệ hơn. Cách thức giải quyết những vấn đề này là phải dựa trên tinh thần đoàn kết chứ không phải bằng biện pháp pháp lý đơn thuần.

ASEAN hiện phải đối mặt với những thách thức kinh tế lớn, chẳng hạn như sự chi phối về kinh tế ngày càng lớn của Trung Quốc, vấn đề bảo hộ thương mại và những chính sách khó lường của Mỹ dưới thời Tổng thống Trump, vấn đề Brexit và sự ổn định của châu Âu cũng như một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu có thể xảy ra trong giai đoạn hiện nay.

Có tính đến một cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu và những thách thức trong khu vực, ASEAN mới có thể đạt được một mức độ cao hơn trong hội nhập để tiếp tục duy trì đà phát triển của mình, trong đó năm nay với vai trò là Chủ tịch ASEAN, Philippines sẽ có rất nhiều việc phải làm để cụ thể hóa các kế hoạch hành động của ASEAN.

Để đạt được mục tiêu này, Chính phủ Philippines đã đề ra 9 ưu tiên phải đạt được trong năm nay trong đó có việc hoàn tất Hiệp định thương mại và dịch vụ ASEAN, đánh giá tính hiệu quả của AEC cũng như môi trường kinh doanh trong ASEAN. Với tổng sản phẩm quốc nội đạt 2,6 nghìn tỷ USD, AEC là nền kinh tế lớn thứ bảy trên thế giới. Với dân số khoảng 630 triệu người, đứng thứ ba châu Á sau Trung Quốc và Ấn Độ, hiện nay ASEAN đang tích cực hỗ trợ cho sự phát triển của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, coi sự phát triển của các doanh nghiệp này là động lực chính cho sự tăng trưởng toàn diện trong khu vực.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp vừa và nhỏ của ASEAN hiện vẫn còn hoạt động ở trong nước và khu vực là chủ yếu, điều đó làm hạn chế khả năng của họ và làm cho họ khó khăn trong việc cạnh tranh quốc tế do kinh phí và nguồn lực hạn chế, bao bì mẫu mã chưa đẹp, hệ thống mạng lưới tiếp thị chưa phát triển cao.

Câu hỏi đặt ra là liệu những vấn đề này có thể khắc phục và giải quyết. Sự nghi ngờ đối với thành công của các doanh nghiệp loại này vẫn còn lớn. Ngoài ra, có những lo ngại ngày càng lớn về những tác động của kinh tế toàn cầu cũng như khu vực tới sự phát triển của nền kinh tế ASEAN. Điều đó đòi hỏi tất cả các quốc gia thành viên phải không ngừng nỗ lực, các chính phủ cần phải linh hoạt, đoàn kết hỗ trợ nhau để cùng phát triển. Trách nhiệm hội nhập kinh tế thế giới và khu vực không chỉ là của một số quốc gia thành viên mà là nhiệm vụ chung của cả ASEAN, các nước thành viên cần phải cùng nhau chia sẻ gánh nặng, hỗ trợ và thúc đẩy hội nhập, đồng thời tích cực giải quyết những vấn đề phức tạp về an ninh, chính trị ở trong nước để hướng tới phát triển.

Một điều quan trọng nữa đối với tất cả các quốc gia thành viên ASEAN là phải tiếp tục tìm kiếm những giải pháp hiệu quả để phòng ngừa, ngăn chặn những vấn đề phức tạp về an ninh của khối, ngăn chặn các cuộc khủng hoảng có thể xảy ra; tiến hành tốt công tác dự báo và biện pháp đối phó với những thách thức về kinh tế, an ninh quốc tế và khu vực. Nếu những biện pháp này được thực hiện một cách nhất quán, đồng thuận và đoàn kết trong ASEAN thì tổ chức này sẽ tiếp tục đà phát triển và sẽ tiến lên một tầm cao mới trong tương lai.

TheoBưu điện Jakarta

Hùng Sơn (gt)