Ảnh: The Economist

Không ai nghi ngờ việc Trung Quốc đã gia nhập hàng ngũ các nước lớn: ý tưởng về một G2 với Mỹ được nêu ra, mặc dù vội vã. Ấn Độ thường được nhắc đến cùng với Trung Quốc vì nước này có dân số hơn 1 tỷ người, sự hứa hẹn về kinh tế, giá trị với tư cách là đối tác thương mại và các khả năng quân sự ngày càng phát triển. Tất cả 5 thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đều ủng hộ – tuy miễn cưỡng – tuyên bố của Ấn Độ muốn gia nhập với họ. Nhưng trong khi sự nổi lên của Trung Quốc là một điều đã định sẵn, Ấn Độ vẫn được dư luận rộng rãi coi như một nước gần như cường quốc chưa hẳn có thể hành động cho tương xứng.

Đó là một điều đáng tiếc, vì với tư cách là một nước lớn, Ấn Độ sẽ mang lại được nhiều điều. Mặc dù nghèo hơn và ít năng động về kinh tế hơn Trung Quốc, Ấn Độ có thừa sức mạnh mềm. Nước này cam kết với các thể chế dân chủ, sự cai trị của pháp luật và nhân quyền. Là một nạn nhân của bạo lực thánh chiến, nước này đi đầu trong cuộc chiến chống khủng bố. Nước này có một dân số khổng lồ và tài năng. Nước này có thể không muốn được phương Tây kết nạp nhưng chia sẻ nhiều giá trị phương Tây. Ấn Độ tự tin và giàu có về văn hóa. Nếu Ấn Độ có một ghế thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (mà nước này giành được bằng việc là nước đóng góp thường xuyên nhất cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc), thì nước này sẽ không bào chữa và bảo vệ một cách bản năng các chế độ tàn bạo. Không giống Trung Quốc và Nga, nước này hầu như không có bí mật cần che giấu. Với bờ biển rộng lớn và lực lượng hải quân đáng nể trọng của mình (được Hải quân Mỹ, mà nước này thường tổ chức tập trận cùng, đánh giá là đạt tiêu chuẩn của NATO), Ấn Độ có vị trí thuận lợi để đảm bảo an ninh trong một khu vực then chốt của cộng đồng toàn cầu.

Cường quốc khiêm nhường

Tuy nhiên tiềm năng khổng lồ của Ấn Độ trở thành một lực lượng duy trì sự ổn định và là người giữ vững hệ thống quốc tế dựa trên các nguyên tắc còn lâu mới trở thành hiện thực. Một nguyên nhân lớn là nước này thiếu nền văn hóa để theo đuổi một chính sách an ninh tích cực. Bất chấp một ngân sách quốc phòng đang gia tăng nhanh chóng, dự báo là lớn thứ 4 thế giới vào năm 2020, các chính trị gia và quan chức Ấn Độ hầu như không quan tâm đến chiến lược lớn. Ngành ngoại giao yếu kém một cách lố bịch – 1,2 tỷ người Ấn Độ được đại diện bởi số nhà ngoại giao ngang với Xinhgapo 5 triệu dân. Giới lãnh đạo các lực lượng vũ trang và tổ chức chính trị-hành chính hoạt động ở những thế giới khác. Bộ Quốc phòng thường xuyên thiếu sự tinh thông về quân sự.

Những yếu kém này phần nào phản ánh một khát khao thực tế muốn đặt phát triển kinh tế trong nước làm ưu tiên. Ấn Độ cũng đã khôn ngoan không để các tướng lĩnh tham gia hoạt động chính trị (một bài học đã bị phớt lờ đâu đó ở châu Á, nhất là bởi Pakixtan, với những kết quả thường đầy nguy hiểm). Nhưng tư tưởng Nehru cũng đóng một vai trò. Trong nước, Ấn Độ đã từ bỏ một cách khoan dung kinh tế học Fabian vào những năm 1990 (và thu được thành quả). Nhưng về mặt ngoại giao, 66 năm sau khi người Anh ra đi, nước này vẫn trung thành với những giáo điều hậu độc lập về chủ nghĩa bán hòa bình và “không liên kết”: không thể tin phương Tây.

Truyền thống kiềm chế chiến lược của Ấn Độ theo một số cách thức đã phục vụ tốt cho đất nước này. Hầu như không có điều gì để thể hiện cho một số cuộc chiến tranh có giới hạn với Pakixtan và một cuộc chiến với Trung Quốc, Ấn Độ có xu hướng phản ứng với những khiêu khích bằng sự thận trọng. Nước này có những tranh chấp lãnh thổ lâu đời với cả hai nước láng giềng lớn của mình, nhưng thường tìm cách không kích động họ. Ấn Độ không đi tìm kiếm rắc rối, và điều đó nói chung có lợi cho nước này.

Ấn Độ không thể thiếu

Nhưng sự thiếu vắng một văn hóa chiến lược cũng có cái giá của nó. Pakixtan nguy hiểm và bất ổn, sẵn sàng sử dụng vũ khí hạt nhân, bị xé thành từng mảnh bởi bạo lực thánh chiến và dễ tổn thương trước một bộ tư lệnh quân sự bị các sĩ quan cấp thấp cấp tiến đe dọa. Tuy nhiên Ấn Độ không suy tính một cách mạch lạc về cách thức đối phó. Chính phủ hy vọng rằng thương mại gia tăng sẽ cải thiện quan hệ, ngay cả khi quân đội lập kế hoạch cho một cuộc tấn công kiểu chớp nhoáng qua biên giới. Nước này cần phải hành động tích cực hơn trong việc chữa lành sự nhức nhối không dứt về Casơmia và ủng hộ chính phủ dân sự của Pakixtan. Chẳng hạn, ngay lúc này Pakixtan đang trải qua điều sẽ là sự chuyển giao đầu tiên của nước này từ một chính phủ dân sự được bầu lên sang chính phủ tiếp theo. Thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh, nên ủng hộ tiến trình này bằng cách sắp xếp để tới thăm nhà lãnh đạo mới của Pakixtan.

Trung Quốc, nước ngày càng sẵn sàng và có khả năng triển khai sức mạnh quân sự, kể cả ở Ấn Độ Dương, đặt ra mối đe dọa theo một kiểu khác. Không ai có thể chắc chắn Trung Quốc sẽ sử dụng sức mạnh quân sự và kinh tế của mình như thế nào để đẩy mạnh những lợi ích của riêng mình và, có lẽ, để đặt Ấn Độ vào thế nguy hiểm. Nhưng Ấn Độ, giống như các nước láng giềng lân cận khác của Trung Quốc, có mọi lý do để lo lắng. Nước này đặc biệt dễ bị tổn thương trước bất kỳ sự can thiệp nào vào các nguồn cung cấp năng lượng (Ấn Độ chiếm 17% dân số thế giới nhưng chỉ chiếm 0,8% trữ lượng dầu mỏ và khí đốt đã được biết đến).

Ấn Độ nên bắt đầu định hình số phận của riêng mình và vận mệnh của khu vực mình. Nước này cần phải thực hiện chiến lược nghiêm túc hơn và xây dựng một ngành ngoại giao phù hợp với một cường quốc – ít nhất lớn hơn gấp 3 lần. Nước này cần một Bộ Quốc phòng chuyên nghiệp hơn và một đội ngũ quốc phòng thống nhất có thể làm việc với giới lãnh đạo chính trị của đất nước. Nước này cần phải để các công ty tư nhân và nước ngoài tham gia ngành công nghiệp quốc phòng đang hấp hối do nhà nước điều hành của mình. Và nước này cần một lực lượng hải quân được tài trợ tốt có thể vừa trở thành một nhà bảo đảm an ninh hàng hải trên một số tuyến đường biển tấp nập nhất thế giới lẫn thể hiện sự sẵn sàng của Ấn Độ gánh vác những trách nhiệm của một nước lớn.

Tuy vậy, trên hết Ấn Độ cần phải từ bỏ triết lý lỗi thời của nước này là không liên kết. Kể từ thỏa thuận hạt nhân với Mỹ năm 2005, nước này đã phải hướng về phương Tây – nước này có xu hướng bỏ phiếu cho biện pháp của Mỹ tại Liên Hợp Quốc, nước này đã cắt giảm việc mua dầu mỏ của Iran, cộng tác với NATO ở Ápganixtan và phối hợp với phương Tây trong việc đối phó với các vấn đề của khu vực như sự đàn áp ở Xri Lanca và chuyển giao ở Mianma – nhưng đã làm vậy một cách rất bí mật. Việc làm cho sự chuyển đổi của Ấn Độ trở nên công khai hơn, bằng cách tham gia các liên minh an ninh do phương Tây ủng hộ, sẽ tốt cho khu vực, và thế giới. Điều đó sẽ thúc đẩy dân chủ ở châu Á và ràng buộc Trung Quốc vào các tiêu chuẩn quốc tế. Đó có thể không phải là lợi ích ngắn hạn của Ấn Độ, vì nó sẽ mạo hiểm gây nên mối thù địch với Trung Quốc. Nhưng nhìn vượt ra ngoài lợi ích bản thân ngắn hạn là một kiểu việc mà một cường quốc phải làm.

Việc Ấn Độ có thể trở thành một nước lớn không phải nghi ngờ. Câu hỏi thực sự là liệu nước này có muốn hay không.

Đón đọc phần tiếp theo "Là nước lớn, Ấn Độ cần nhận thức rõ về sức mạnh của mình"

Theo The Economist

Văn Cường (gt)