Trong cuộc hội đàm song phương giữa Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda và người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo hôm 13/5, hai bên đã chỉ trích lẫn nhau xung quanh vấn đề tranh chấp chủ quyền tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Tại đây, Thủ tướng Ôn Gia Bảo đã tiếp tục khẳng định Senkaku/Điếu Ngư là lãnh thổ thuộc Trung Quốc và đề nghị Tôkiô tôn trọng “lợi ích cốt lõi” và “mối quan tâm lớn nhất” của Trung Quốc là vấn đề người Duy Ngô Nhĩ và quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. 

Theo bài phân tích trên báo “Sankei”, “lợi ích cốt lõi” được hiểu là những lợi ích quốc gia trên mặt an ninh mà Trung Quốc sẽ không bao giờ nhượng bộ. Do vậy, việc một nguyên thủ Trung Quốc đặt vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong cùng bối cảnh nhắc tới “lợi ích cốt lõi” là động thái cực kỳ quan trọng và cần chú ý đối với Nhật Bản.  

Trong bối cảnh tàu thuyền Trung Quốc liên tục có các hành vi tại khu vực gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư, việc nhận thức rằng vấn đề này đã bước vào một giai đoạn mới là điều rất quan trọng và việc lần đầu tiên Thủ tướng Noda chỉ trích Trung Quốc trong cuộc hội đàm cấp cao cho thấy ý nghĩa lớn trong việc chuyển đổi chính sách của đảng Dân chủ Nhật Bản (DPJ). Ở chiều ngược lại, tuyên bố của Thủ tướng Ôn Gia Bảo rõ ràng đã thể hiện ý đồ của Trung Quốc đối với quần đảo này, nước đang nỗ lực mở rộng quyền lợi hải dương. Để hỗ trợ cho tuyên bố này, giới truyền thông chính thức của Trung Quốc như Tân Hoa Xã hay Đài truyền hình trung ương đã sử dụng các thủ thuật nhằm khơi dậy tinh thần chống Nhật khi cố tình đặt hai vấn đề song song với nhau trong bối cảnh nhắc đến “lợi ích cốt lõi” và “mối quan tâm lớn nhất” của Trung Quốc.  

Việc mập mờ công bố vấn đề Senkaku/Điếu Ngư trong các vấn đề nằm trong danh mục “lợi ích cốt lõi” xảy ra trong bối cảnh quan hệ hai nước đang xấu đi sau khi Nhật Bản đặt tên cho các hòn đảo không người ở tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và mới đây nhất là việc Thị trưởng Tôkiô Shintaro Ishihara tuyên bố kế hoạch mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay tư nhân. Sau những động thái này, dư luận trong nước ủng hộ các kế hoạch này ngày càng tăng cao và khiến Trung Quốc cảm thấy bất an. Ngược lại, tình hình Trung Quốc hiện đang diễn ra những vấn đề hết sức nhạy cảm và có nguy cơ gây bất ổn như cuộc đấu tranh quyền lực ngầm sau vụ Bạc Hi Lai hay rắc rối với Mỹ xung quanh vụ Trần Quang Thành. Do vậy, Trung Quốc dường như muốn sử dụng vấn đề tranh cãi tại Senkaku/Điếu Ngư để làm giảm dư luận chỉ trích trong nước trong bối cảnh cần tập trung sự ổn định để chuẩn bị cho Đại hội 18 sắp diễn ra. Và đỉnh điểm của sự căng thẳng trong quan hệ hai nước là việc Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã từ chối có cuộc gặp với Thủ tướng Noda bất chấp đề nghị từ phía Tôkiô.  

Trong bối cảnh này, Nhật Bản cần kiên quyết thực hiện những hành động cụ thể với Trung Quốc như yêu cầu Bắc Kinh nối lại đàm phán về việc khai thác chung trên biển Hoa Đông hay tiếp tục thảo luận vấn đề Senkaku/Điếu Ngư trong phiên thảo luận an ninh trên biển Hoa Đông cấp chuyên viên hai nước trong ngày 15/5 tại Chiết Giang. Thủ tướng Noda cũng cần trực tiếp yêu cầu người đồng cấp Ôn Gia Bảo trao cho Nhật Bản viên thuyền trưởng trong vụ va chạm năm 2010 để xử lý theo luật định Nhật Bản. 

Và quan trọng hơn cả là Tôkiô cần cho thấy những quyết tâm trong việc bảo vệ chủ quyền quốc gia như nhanh chóng thông qua dự thảo luật sửa đổi về chức năng hoạt động của lực lượng bảo vệ bờ biển nhằm nâng cao quyền hạn bảo vệ và tuần tra của lực lượng này trên biển. Đồng thời, Nhật Bản cũng cần sớm đẩy mạnh năng lực phòng vệ chủ động tại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư như việc triển khai lực lượng đồn trú hay lắp đặt các thiết bị cảnh báo sớm để tăng cường sự quản lý vững chắc tại khu vực tranh chấp này. 

Theo Sankei

Văn Cường (gt)