Nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc thường được mô tả giống như cuộc chiến giữa một bên là phái Đoàn Thanh niên của cựu Tổng Bí thư Hồ Cẩm Đào với một bên là liên minh gồm phái Thượng Hải của cựu Tổng Bí thư Giang Trạch Dân và phái Thái tử của đương kim Tổng Bí thư Tập Cận Bình. 

Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng ông Hồ Cẩm Đào đã tạo ra được một sự liên kết quyền lực mới, giúp ông rời khỏi chính trường nhưng vẫn đảm bảo được di sản chính trị của mình.

Nếu quan sát cận cảnh hơn toàn bộ tiến trình kế nhiệm vừa qua trong Đảng Cộng sản Trung Quốc có thể nhận thấy tại Đại hội 18, liên minh mới Tập Cận Bình-Hồ Cẩm Đào đã trỗi dậy.

Trong số 7 thành viên của Ban Thường vụ Bộ Chính trị mới chỉ có một người thuộc phái Đoàn Thanh niên, 3 người thuộc phái Thái tử và 3 người là đồng minh của ông Giang Trạch Dân. Ấn tượng về chiến thắng của ông Giang Trạch Dân càng được củng cố khi trong Ban Thường vụ không có mặt 2 thành viên thuộc phái Đoàn Thanh niên là Lý Nguyên Triều, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng và Uông Dương, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Đông. Một số nhà quan sát cho rằng việc ông Hồ Cẩm Đào thôi chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương là dấu hiệu chứng tỏ ông thất bại về chính trị.

Tuy nhiên, nhiều người không đồng tình với ý kiến này vì cho rằng việc ông Hồ Cẩm Đào chuyển giao chức Chủ tịch Quân ủy Trung ương sớm chứng tỏ ông đã liên minh với người kế nhiệm Tập Cận Bình - người mà ông tin tưởng có thể bảo vệ di sản chính trị của mình. Theo họ, việc làm này của ông Hồ Cẩm Đào là một động thái tích cực, nhằm củng cố quyền lực của ông Tập Cận Bình, để từ đó buộc ông Giang Trạch Dân phải ngừng tham gia các hoạt động chính trị. Có tin cho biết ông Giang Trạch Dân đã đóng cửa Văn phòng Chủ tịch danh dự của ông tại trụ sở Quân ủy Trung ương chỉ vài ngày trước Đại hội 18.

Sự liên kết chính trị Tập Cận Bình-Hồ Cẩm Đào được thể hiện trong vụ bê bối Bạc Hi Lai hồi đầu năm. Ông Tập Cận Bình đã được giao nhiệm vụ xử lý cựu Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, điều này cho thấy ông Hồ Cẩm Đào rất tin tưởng ông Tập Cận Bình. Và trên thực tế, ông Tập Cận Bình đã xử lý triệt để vụ việc này trong vòng 8 tháng. Một minh chứng nữa cho sự nổi lên của liên minh Tập-Hồ là bài phát biểu đầu tiên của ông Tập Cận Bình trước Bộ Chính trị khi lên nắm quyền. Trong bài phát biểu này, ông Tập Cận Bình đã ca ngợi "khái niệm phát triển khoa học" của ông Hồ Cẩm Đào, trong khi không đề cập gì đến thuyết "ba đại diện" của ông Giang Trạch Dân.

Do vậy, khi xem xét lại ban lãnh đạo mới của Đảng Cộng sản Trung Quốc, người ta có thể gọi đây là một thắng lợi của liên minh Tập-Hồ. Ban Thường vụ Bộ Chính trị có thể vẫn khá cân sức giữa khối Tập-Hồ và Giang Trạch Dân, nhưng đa phần trong Bộ Chính trị gồm 25 thành viên là những đồng minh của Tập Cận Bình và Giang Trạch Dân. Trong số đó, các đồng minh này có thể đảm nhiệm 3/4 chức Phó Thủ tướng, cũng như 4/5 chức vụ quyền lực nhất trong đảng, trong đó có Ban Tổ chức Trung ương, Ban tuyên giáo và Văn phòng Trung ương Đảng. Khi 5 thành viên thuộc Ban Thường trực Bộ Chính trị sẽ về hưu do hạn chế tuổi tại đại hội đảng sắp tới vào năm 2017, các đồng minh của Tập Cận Bình và Hồ Cẩm Đào sẽ thay thế họ. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là thực tế rằng Hồ Cẩm Đào cũng đưa người của mình là Hồ Xuân Hoa - được cho là có khả năng kế nhiệm ông Tập Cận Bình vào năm 2022 - vào Bộ Chính trị. Hồ Xuân Hoa là thành viên trẻ nhất của Bộ Chính trị mới.

Điều này có nghĩa rằng quá trình củng cố quyền lực chính trị suôn sẻ của ông Tập Cận Bình dường như sẽ dẫn đến việc Trung Quốc sẽ có quan điểm ôn hòa hơn trong các vấn đề quốc tế. Do vậy, Tập Cận Bình sẽ rảnh tay hơn để theo đuổi chính sách của mình, ít phải cân nhắc hơn đến cái giá chính trị trong nước và ít gặp sự chống đối mạnh hơn của quân đội cũng như những người theo đường lối cứng rắn. Đồng thời, so với hai người tiền nhiệm, Tập Cận Bình cũng ít khả năng phải sử dụng các biện pháp quân sự để củng cố uy tín yêu nước của mình. 

 

Theo mạng tin Diễn đàn Đông Á 

Thuỳ Anh (gt)