Không có thông báo chi tiết nào được đưa ra sau cuộc gặp ngắn tại Nhà Trắng giữa ông Obama và ông Abbott ngày 12/6, nhưng chắc chắn rằng những thỏa thuận trên đánh dấu nấc thang mới về sự can dự của chính phủ Australia vào "chính sách xoay trục" của Mỹ sang châu Á để đối đầu với Trung Quốc. Ông Abbott đã nhấn mạnh cam kết của chính phủ Australia với những kế hoạch chiến tranh của Mỹ như Australia có thể cử máy bay chiến đấu, tàu chiến và máy bay vận chuyển để hỗ trợ các cuộc không kích và tấn công bằng máy bay không người lái của Mỹ. Phát biểu sau khi gặp với ông Abbott, ông Obama cho biết ngoài việc tăng cường triển khai lính thủy đánh bộ Mỹ tại Darwin lên 2.500 binh sĩ vào năm 2017, hai nước đã đạt thêm một loạt thỏa thuận xung quanh việc bố trí lực lượng, sẽ tăng cường sự hợp tác quân sự song phương và cho phép Mỹ vươn ra khắp khu vực rất quan trọng này của thế giới.

Những dàn xếp, được thảo luận kín sau khi ông Obama chính thức tuyên bố sự chuyển trục chiến lược tại Quốc hội Australia năm 2011, đã hoàn tất. Có tin cho biết Hiệp định Bố trí lực lượng Mỹ-Australia sẽ cung cấp một cơ chế mở cho những hoạt động quân sự rộng hơn của Mỹ tại Australia. Theo các báo cáo, Mỹ xác định Australia là một địa bàn quan trọng cho các hoạt động chống lại Trung Quốc. Các thỏa thuận trên chắc chắn bao gồm việc nâng cấp các căn cứ để tạo thuận lợi cho các hoạt động của không quân Mỹ từ phía Bắc Australia. Các hạm đội Mỹ sẽ sử dụng căn cứ hải quân Stirling gần thành phố Perth ở Tây Australia và triển khai máy bay do thám, máy bay không người lái trên quần đảo Cocos tại Ấn Độ Dương. Căn cứ Stirling rất quan trọng đối với các hoạt động của tàu ngầm nguyên tử Mỹ, và Australia sẽ là bàn đạp cho các cuộc tấn công hải quân và không quân Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương và Đại Tây Dương.

Một thông tin chung của Nhà Trắng về cuộc gặp Obama-Abbott cho biết hai bên "hợp tác để xác định những đóng góp tiềm tàng của Australia đối với lá chắn tên lửa đạn đạo tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương", được thiết kế để vô hiệu hóa khả năng phản ứng của Trung Quốc trước một cuộc tấn công hạt nhân của Mỹ. Sự cộng tác này đã được đề cập trong Sách Trắng Quốc phòng năm 2013 của chính phủ Công đảng. Theo viện nghiên cứu Lowy, sự cộng tác này sẽ được đẩy mạnh hơn nữa dưới thời chính phủ của ông Abbott.

Theo "Nhật báo Phố Wall", Australia đang xây dựng một hạm đội tàu chiến mới, được trang bị để bắn hạ tên lửa của kẻ thù, như một phần của kế hoạch tăng cường sức mạnh quân sự đầy tham vọng, bao gồm việc đầu tư vào những máy bay chiến đấu tàng hình mới, tên lửa hành trình, tàu sân bay đổ bộ và tàu ngầm. Các kế hoạch nâng cấp này sẽ tiêu tốn 85 tỷ USD trong một thập kỷ. Ông Obama đã cảm ơn ông Abbott vì đã tăng ngân sách quốc phòng của Australia, điều đó cho thấy Canberra có thể đã đồng ý chi trả chi phí xây dựng các căn cứ quân sự mới ở miền Bắc Australia - một vấn đề tồn đọng từ năm 2011.

Ông Abbott và ông Obama tránh đề cập cụ thể đến Trung Quốc, nhưng thông tin của Nhà Trắng đã lên án "việc sử dụng những đe dọa, ép buộc hay vũ lực để thúc đẩy các tuyên bố chủ quyền tại Biển Hoa Đông và Biển Đông". Washington đang tích cực điều tra những xung đột lãnh thổ của các đồng minh khu vực với Trung Quốc, làm cớ cho sự đối đầu với Trung Quốc. Khi ông Abbott đang ở Mỹ, chính phủ Australia cũng thúc đẩy các mối quan hệ quân sự với Nhật Bản.

Tại Washington, ông Abbott đã gia hạn nhiệm kỳ cho Đại sứ Australia tại Mỹ là Kim Beazley, cựu Bộ trưởng Quốc phòng và lãnh tụ Công đảng luôn bảo vệ liên minh với Mỹ. Điều đó làm nổi bật sự ủng hộ của các đảng tại Canberra đối với chủ nghĩa quân phiệt Mỹ. Trên đường từ Mỹ về Australia, ông Abbott đã dừng chân tại Hawaii để thăm Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, nơi các sĩ quan cao cấp Australia đang được tham gia, nhấn mạnh hơn nữa sự hội nhập của Canberra vào bộ máy chiến tranh của Mỹ. 

Theo "Nghiên cứu toàn cầu" (ngày 16/6)

Anh Thư (gt)