Tuyên bố trên được đưa ra chỉ vài ngày sau khi Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ M. Mullen kết thúc chuyến thăm Trung Quốc. Khi rời Bắc Kinh đến Xơun, Đô đốc Mullen thừa nhận rằng có sự bất đồng nghiêm trọng giữa giới quân sự Mỹ và Trung Quốc. Oasinhtơn khó chịu trước sự phát triển của Trung Quốc như "diều gặp gió". Trong khi đó, Nhật Bản vẫn coi Mỹ như một công cụ mạnh để kiềm chế Trung Quốc.

Chuyên gia Viktor Pavlyatenko từ Trung tâm Nghiên cứu Nhật Bản thuộc Viện Viễn Đông (của Nga) nhận xét: “Đối với Nhật-Mỹ, những phát ngôn này là cách để gây áp lực với Trung Quốc, để Bắc Kinh hiểu rằng cần cư xử đúng mức trong khu vực. Nhật Bản và Mỹ tuyên bố rằng nếu Trung Quốc không thay đổi lối hành xử, thì hai nước này sẽ buộc phải đi tới một hành động chung nào đó. Nếu các cuộc tập trận giữa Nhật Bản và Mỹ được tổ chức, thì các sự việc này thực sự sẽ làm tăng áp lực đối với Trung Quốc". 

Viktor Pavlyatenko cho rằng dù thế nào thì Oasinhtơn vẫn dùng quan hệ liên minh quân sự với Nhật Bản để củng cố vị thế đang chao đảo của mình trong khu vực trọng yếu này. Viktor Pavlyatenko nói: “Mỹ phải tăng cường thắt chặt liên minh với Nhật Bản. Tại khu vực này, vị thế và ảnh hưởng của Mỹ đã bị mất mát khá rõ. Và chính Trung Quốc đã chiếm lấy tất cả những gì Mỹ bị mất. Người Mỹ đang cố gắng phát triển các mối quan hệ quân sự với ASEAN, thế nhưng Hiệp hội này cũng có quan hệ với Trung Quốc. Do đó, đồng minh trung thành nhất của Mỹ vẫn là Nhật Bản”.

Nhật Bản cũng đang cố gắng tìm cách dàn xếp những bất đồng nảy sinh với Mỹ khi đảng Dân chủ lên cầm quyền, cụ thể là những tuyên bố muốn độc lập nhiều hơn với Mỹ, muốn Mỹ điều chuyển các căn cứ quân sự của nước này ra khỏi Okinawa và rút một bộ phận quân đội Mỹ về Hawaii. Những tuyên bố như vậy đã gây ra rạn nứt đáng kể trong liên minh quân sự Nhật-Mỹ.

Theo The Voice of Russia ngày 18/7

Hương trà (gt)