Indonesia và một số đối tác ASEAN đã đạt được tiến bộ về dân chủ và kinh tế ấn tượng trong thập kỷ qua. ASEAN ngày nay đã trở thành thực thể quan trọng đối với sự ổn định chính trị khu vực và thế giới, bao gồm cả vấn đề Biển Đông. Liên minh châu Âu (EU) đã hỗ trợ ASEAN đối mặt với các thách thức kép trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và giải quyết các vấn đề an ninh. Ngày 23/7, ngoại trưởng 28 nước thành viên EU và 10 nước thành viên ASEAN hội tụ tại Brussels để thảo luận về mối quan hệ đối tác EU-ASEAN, đưa ra các giải pháp tốt nhất cho các thách thức trên. 

Đại sứ Olof Skoog cho rằng việc thành lập EU và ASEAN là hai sáng kiến lớn của thế giới để thúc đẩy hội nhập khu vực. Hai bên đã hợp tác cùng nhau thúc đẩy hòa bình và an ninh trong và ngoài khu vực suốt gần bốn thập kỷ qua. Mỗi năm có 10 triệu khách du lịch qua lại hai khu vực là minh chứng rõ ràng về mức độ quan hệ đối tác EU-ASEAN, cơ sở hợp tác phát triển, tạo điều kiện thúc đẩy thương mại và du lịch. Kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng lên hàng năm kể từ năm 2009, và EU hiện là nhà đầu tư lớn nhất vào ASEAN. Quan hệ thương mại và đầu tư thành công chỉ là một khía cạnh của quan hệ đối tác toàn diện, hai năm trước hai bên đã quyết định đưa quan hệ hợp tác EU-ASEAN lên tầm cao mới với tham vọng lớn hơn. EU nhận thấy hội nhập khu vực là giải pháp hợp lý cho những thách thức ngày càng phức tạp trong thế giới ngày càng phụ thuộc lẫn nhau. EU cũng nhận ra những khó khăn trong việc thúc đẩy quá trình hội nhập của ASEAN nên coi trọng việc chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình hợp tác giữa hai khối, cùng nhau đương đầu với những thách thức như biến đổi khí hậu, an ninh hàng hải, dựa vào nhau để duy trì xã hội hòa bình và thịnh vượng. Trong những nỗ lực này, Indonesia là một đối tác quan trọng của EU. Indonesia ngày càng phát triển ấn tượng từ kinh tế cho đến chính trị-xã hội, trở thành nền dân chủ lớn thứ ba trên thế giới, đóng vai trò tích cực trong việc thúc đẩy ổn định và nhân quyền trong khu vực. Hiệp định đối tác hợp tác mới giữa EU và Indonesia được thông qua vào tháng 5 vừa qua sẽ tạo khuôn khổ mới cho quan hệ giữa hai bên. 

Tác giả nói rằng Hội nghị Ngoại trưởng EU và ASEAN nhóm họp tại Brussels lần này tập trung vào ba ưu tiên. Thứ nhất là thúc đẩy kết nối nhằm tăng cường mối liên hệ giữa hai khu vực. EU muốn đầu tư nhiều hơn vào lĩnh vực giao thông vận tải, giáo dục và truyền thông, thúc đẩy trao đổi kinh nghiệm, hoạt động du lịch, kinh doanh. Thứ hai là vấn đề hàng hải, an toàn và an ninh hàng hải - một điều kiện tiên quyết cho một ASEAN ổn định và thịnh vượng bởi có tới 90% khối lượng hàng hóa của EU được vận chuyển bằng đường biển. EU cho rằng các tranh chấp chủ quyền nên được giải quyết với tinh thần hòa bình, hợp tác và tôn trọng luật pháp quốc tế bao gồm Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). EU ủng hộ nỗ lực để đạt được một Bộ quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông (COC) có tính ràng buộc pháp lý giữa ASEAN và Trung Quốc. EU và ASEAN có rất nhiều kinh nghiệm để chia sẻ, từ quản lý cảng biển đến các nguồn tài nguyên. EU đã tạo ra một tập hợp các chính sách có thể truyền cảm hứng cho các nước ASEAN đang phải đối mặt với các thách thức. Thứ ba là xóa đói giảm nghèo, duy trì nền kinh tế năng động của khu vực. EU đã quyết định tăng gấp đôi viện trợ phát triển cho các nước ASEAN. 
Tác giả kết luận rằng quan hệ đối tác EU-ASEAN vững mạnh là chiến lược quan trọng đối với cả hai bên. Hội nghị Ngoại trưởng EU-ASEAN tại Brussels điểm lại các thành tựu hợp tác giữa hai khu vực, khẳng định rằng tăng cường mối quan hệ đối tác giữa hai bên sẽ mang lại kết quả tốt đẹp cho thế hệ tương lai.

Bài viết của Đại sứ EU tại ASEAN Olof Skoog,  đăng trên Báo “Bưu điện Jakarta

Thuỳ Anh (gt)