Hai báo cáo gần đây của các cố vấn có ảnh hưởng đã làm nổi bật bản chất gây rối và phức tạp của các thách thức quốc phòng mới tại khu vực mà Úc phải đối phó từ sức mạnh quân sự đang gia tăng và hành vi quyết đoán tại vùng biển Châu Á của Trung Quốc. Các báo cáo đưa ra dự đoán một kết luận quan trọng trong Sách trắng Quốc phòng sắp xuất bản: Úc sẽ cần phải tăng cường và làm sâu sắc hơn quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Mỹ như là cách tốt nhất để bảo vệ lợi ích và tự do hành động của mình trong một có khu vực đầy biến động mà Trung Quốc là trung tâm.

Báo cáo thứ nhất “Liên minh ANZUS trong thời kỳ Châu Á đang nổi lên” của Trung tâm nghiên cứu chiến lược quốc phòng trường Đại học  Quốc phòng Úc (ANU) và Trung tâm CSIS của Washington đưa ra 4 kết luận quan trọng hình thành suy nghĩ chiến lược về quốc phòng cho Liên Đảng và Công đảng: (i) Úc có thể bị lôi kéo vào một cuộc xung đột hàng hải khu vực với đối tác thương mại lớn nhất của mình nếu Trung Quốc tìm cách kiểm soát Tây Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương nhiều hơn; (ii) địa lý cách ly của Úc không còn có đủ khả năng bảo vệ chống lại mối đe dọa quân sự đang nổi lên; (iii) thời kỳ ổn định khu vực được củng cố bởi vị thế siêu cường về quân sự của Mỹ sắp kết thúc; và (iv) Úc đang trở thành vị trí then chốt để Mỹ có kế hoạch duy trì sự hiện diện trong khu vực phòng thủ vững mạnh vì sự gần gũi của Úc với các vùng biển tranh chấp và những khu vực đồn trú của Úc có thể cung cấp cho Mỹ khả năng đối phó với hệ thống tên lửa mới của Trung Quốc.

Báo cáo thứ hai của Ross Babbage, chiến lược gia nổi tiếng Úc, do Trung tâm nghiên cứu Menzies xuất bản đã đưa ra chi tiết việc Bắc Kinh đã làm thế nào để cải thiện vị trí chiến lược của mình thông qua 20 năm xây dựng quân đội mà vốn không có dấu hiệu thuyên giảm. Trong thập kỷ qua, chi tiêu quốc phòng của Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, trong khi Mỹ đã tăng chi tiêu cho quốc phòng là 12%. Có lập luận rằng vị trí thống trị về kỹ thuật quân sự của Mỹ đang bị giảm trong nhiều lĩnh vực.

Là một quốc gia dân cư thưa thớt trên một đại lục rộng lớn, Úc chỉ đơn giản là không có dân cư hay nguồn lực để có thể tự bảo vệ mình chống lại mối đe dọa an ninh lớn, do vậy Úc cần liên minh với một thế lực quân sự mạnh để có thể được bảo vệ, tốt nhất là với một cường quốc cùng chia sẻ những giá trị và lợi ích của Úc. Trong lịch sử, sự lựa chọn bảo vệ của Úc là Anh và Mỹ - chia sẻ không chỉ các giá trị mà với hầu hết các lợi ích của Úc. Và hơn nữa, họ đã có thể gìn giữ hòa bình trong khu vực vì họ là cường quốc quân sự vượt trội trong thế kỷ 20, chặn đứng chủ nghĩa bành trướng của Nhật Bản trong hơn thập kỷ và đã kết thúc vào năm 1945. Nhưng sự vươn lên của Trung Quốc là một thế tiến thoái lưỡng nan chiến lược. Nếu đồng minh Mỹ đang suy giảm tương đối và một Trung Quốc cường quốc đang trỗi dậy, điều này có ý nghĩa như thế nào với đồng minh Mỹ và sự lựa chọn chiến lược của Úc?

Úc có nên ủng hộ cường quốc đang lên, hoặc ít nhất là trở nên tuân thủ hơn với toan tính chiến lược và kỳ vọng của Trung Quốc? Có lẽ điều này có nghĩa là chấp nhận việc quân sự hóa của Trung Quốc đối với các tranh chấp trên các quần đảo ở Biển Đông và bãi bỏ hoặc nới lỏng các mối quan hệ quốc phòng với Mỹ, mà theo thăm dò dư luận cho thấy điều này sẽ bị đại đa số người dân Úc phản đối.

Úc có nên độc lập hơn, như cựu Thủ tướng Malcolm Fraser lập luận, bằng cách thoát ra khỏi chiếc dù an ninh bảo vệ của nước Mỹ để tránh bị vướng vào cuộc chiến tranh của Mỹ? Vấn đề ở đây là sự độc lập này, giả sử có thể đạt được thì chi phí sẽ rất cao và một kết quả an ninh tồi tệ hơn nhiều so với việc Úc ở lại trong liên minh. Hoặc Úc nên gần gũi hơn với đồng minh lâu năm như là cách hiệu quả nhất để đảm bảo an ninh trong một thế giới thù địch và để phòng bị chống lại khả năng trỗi dậy của một Trung Quốc không hòa bình như cách suy nghĩ lạc quan.

Cả hai báo cáo đều ưu tiên rõ ràng cho lựa chọn thứ hai, thể hiện đây là quan điểm của các quan chức, nhà nghiên cứu chiến lược của Bộ Quốc phòng Úc, cụ thể ở 3 điểm sau: Thứ nhất, hợp tác quốc phòng Úc - Mỹ sẽ được tăng cường như việc Washington đã nâng vị thế của Úc trong các ưu tiên quốc phòng. Điều này có nghĩa là Mỹ sử dụng nhiều hơn, đầu tư nhiều hơn các căn cứ quốc phòng, các cơ sở đào tạo và các dịch vụ hậu cần tại Úc, đặc biệt là ở miền Bắc và miền tây Úc. Thứ hai, Lực lượng Quốc phòng Úc hợp tác với quân đội Mỹ, vốn đã rất chặt chẽ, sẽ được thúc đẩy lên mức độ cao hơn, hình thành lực lượng quân sự hợp nhất Úc - Mỹ. Thứ ba, hợp tác quốc phòng với khu vực sẽ tăng cường, tập trung vào Nhật Bản, Ấn Độ và các quốc gia biển của khu vực Đông Nam Á mà cùng chia sẻ mối quan tâm với Úc về môi trường an ninh đang xấu đi ở Biển Đông, cụ thể là Singapore, Việt Nam, Philippines, Malaysia và Indonesia. Phần lớn các hợp tác này sẽ được phối hợp với Mỹ và Nhật Bản là hai nước đang trong tiến trình hỗ trợ quốc phòng với Đông Nam Á.

Tăng cường hợp tác quốc phòng với Mỹ sẽ không phải là không có rủi ro. Một sự hiện diện quân sự lớn hơn của Mỹ có thể tăng sự giận dữ của Trung Quốc, đặc biệt nếu Úc cho phép sự hiện diện của tàu ngầm hạt nhân và tàu sân bay của Mỹ, sẽ làm cho Úc trở thành mục tiêu tiềm năng khi có một cuộc xung đột giữa hai siêu cường quốc. Nhưng nguy cơ này phải được cân đối với lợi ích chiến lược của sự hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ, với những thuận lợi đối với Úc, đáng chú ý là sự phòng thủ tốt hơn, chia sẻ thông tin tình báo, phối hợp hoạt động và tiếp cận với công nghệ quốc phòng tiên tiến.

Kết luận rằng liên minh với Mỹ sẽ trở nên sâu sắc hơn, không thể giảm đi và là quan trọng đối với Úc khi Trung Quốc ngày càng gia tăng thách thức đối với trật tự đã được thiết lập tại Châu Á và sự bất ổn địa chính trị trong khu vực đang leo thang.

Alan Dupont, giáo sư an ninh quốc tế Đại học New South Wales. Bài viết được đăng trên The Australian.

Văn Cường (gt)