Hội thảo có khoảng 20 báo cáo viên trình bày tham luận, tập trung vào 4 vấn đề chính: cập nhật tình hình Biển Đông, đánh giá lợi ích và vị trí của các bên tại khu vực này, đánh giá hiệu quả của các khuôn khổ và cơ chế về an ninh hàng hải hiện nay liên quan đến khu vực Biển Đông, đưa ra những chính sách nhằm tăng cường an ninh tại khu vực.

Điểm đáng chú ý là số người tham dự hội thảo lên đến hàng trăm người, tất cả những người tham dự đều lên tiếng phản đối những hành động cũng như chính sách, lập trường của Trung Quốc liên quan đến biển Đông. Một điểm đáng chú ý khác là có những thí dụ được đưa ra minh chứng cho những khó khăn trong quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, như việc Trung Quốc không phản đối việc chiến hạm Mỹ đi qua vùng lưỡi bò để vào Đà Nẵng nhưng lại phản đối việc ngư dân Việt Nam hay các tàu của VietnamPetro hoạt động ở vùng lưỡi bò.

Trước đó ngày 19/6 tờ báo Star News của Philippines đưa tin, tại Hội nghị lần thứ 21 các nước thành viên UNCLOS tổ chức từ 13 - 17/6 tại trụ sở của Liên Hợp Quốc, 6 nước gồm Philippines, Việt Nam, Indonesia, Malaysia, Lào và Singapore đã đạt được nhất trí kêu gọi thông qua phương thức hòa bình, căn cứ “Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển” để giải quyết tranh chấp Biển Đông. Phủ Tổng thống Philippines ngày 18/6 nói, Trung Quốc hứa tránh gây xung đột, do đó việc căn cứ nguyên tắc đa phương giải quyết tranh chấp một vùng biển nào đó ở Biển Đông sẽ khiến Trung Quốc lo ngại.

Trong khi đó  tờ Tia Sáng ngày 18/6 nêu quan điểm của Campuchia liên quan đến Biển Đông, Người phát ngôn Bộ Ngoại Giao Campuchia Koy Kuong tuyên bố Chính phủ Campuchia kêu gọi các bên có tranh chấp tại Biển Đông tìm ra biện pháp giải quyết bằng biện pháp hòa bình và các bên cần tôn trọng Hiệp định ASEAN và Trung Quốc năm 2002. Trung Quốc và Việt Nam cùng các bên tranh chấp tại Biển Đông đều là những người bạn tốt của Campuchia, do vậy Campuchia đề nghị các bên liên quan đến tranh chấp biên giới trong khu vực Biển Đông thực hiện theo đúng Thông cáo đã thống nhất giữa các nước liên quan đến Biển Đông để giải quyết bằng biện pháp hòa bình.

Trái với những lời kêu gọi của các nước nhằm giải quyết chanh chấp bằng biện pháp hòa bình những ngày gần đây Trung Quốc liên tục tổ chức tập trận đa dạng về hình thức. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng của Hong Kong dẫn các tờ báo tiếng Hoa là Nhật báo Giải phóng quân Nhân dân, tờ Tấm gương trụ sở ở Bắc Kinh và tờ Nhật báo Thanh niên cho hay những ngày gần đây, quân đội Trung Quốc đã tổ chức ít nhất 3 cuộc tập trận, trong đó có một cuộc dò phá mìn ngoài biển và một vụ bắn thử tên lửa.

Phân tích gia Vương Đông, Chủ tịch Hiệp hội Quân sự Quốc tế tại Macau, bình luận: “Tuy rằng các cuộc tập trận của Trung Quốc đều được giải thích là hoạt động thường kỳ và quy mô nhỏ, việc Trung Quốc tổ chức nhiều cuộc một cách công khai trong thời gian ngắn ngủi như thế cho thấy họ muốn gửi thông điệp rằng họ đang chuẩn bị sẵn sàng để đối phó sau các động thái của Philippines và Việt Nam đối với vấn đề tranh chấp chủ quyền”.

Trước những phản ứng mạnh mẽ của Trung quốc qua những sự kiện đã và đang diễn ra, Nhật Bản tỏ rõ quan tâm của mình đến việc đảm bảo môi trường an ninh tại khu vực này trước những vấn để nổi cộm trong khu vực đồng thời sự vươn tới hải dương một cách mạnh mẽ của Trung quốc. Theo đó ngày 17/6, tại hội đàm giữa Thủ tướng Nhật Bản Kan và Tổng Thống Indonesia Yudhoyono, hai bên nhất trí tăng cường hợp tác hơn nữa trong vấn đề chống cướp biển và bảo đảm an ninh ở eo biển Malacca và Biển Đông.

Biển Đông là tuyến giao thông hàng hải nối Trung Đông và Đông Bắc Á, có vai trò vô cùng quan trọng đối với Nhật Bản là quốc gia lập quốc bằng mậu dịch. Indonesia là nước giữ vai trò hạt nhân trong ASEAN và Nhật Bản tăng cường đối thoại và hợp tác hướng tới sự ổn định của khu vực có ý nghĩa lớn. Việc 2 nhà lãnh đạo thỏa thuận tăng cường quan hệ chiến lược là cần thiết để cùng ứng phó với Trung Quốc đang nhằm mục tiêu trở thành “cường quốc đại dương”. Trung Quốc đang gây khó khăn cho các nước như Việt Nam, Philippines xoay quanh vấn đề chủ quyền và lợi ích ở Biển Đông. Các nước ASEAN ngày càng cảm thấy bất an trước hành động của Trung Quốc. Người ta cũng lo ngại trước sự gia tăng hoạt động của hải quân Trung Quốc tại biển Nhật Bản. Thượng tuần tháng 6/2011, 6 chiếc tàu của Trung Quốc đã đi qua vùng biển kẹp giữa các đảo Sakijima và đảo chính Okinawa để đến diễn tập tại biển Tây Thái Bình Dương, ngoài khơi phía Đông Philippines. Diễn tập hải quân biển xa của Trung Quốc đang ngày càng mở rộng cả về qui mô và nội dung.

Nhật Bản đối lập với Trung Quốc xung quanh vấn đề quần đảo Senkaku và khai thác khí đốt ở Biển Đông, nên không thể bỏ qua những động thái gia tăng hoạt động của hải quân Trung Quốc. Chính phủ Nhật Bản cũng như chính phủ Indonesia phải xây dựng khuôn khổ đối thoại rộng, nhiều tầng nấc với các nước châu Á khác cũng đang nâng cao cảnh giác trước Trung Quốc. Việc làm sâu sắc thêm quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ cũng nhằm kiềm chế Trung Quốc. Cần tích cực sử dụng các cơ hội như diễn đàn ARF họp vào tháng 7 tới và hội nghị cấp cao Đông Á họp vào mùa thu này. Các nước cần liên kết hợp tác nhằm buộc Trung Quốc phải tự kiềm chế.

Trần Anh Tổng Hợp