Trang tin Đa Chiều cho rằng lệnh cấm đánh bắt cá sẽ tạo bước chuyển cho sự kiện đối đầu Trung Quốc, Philíppin tại Biển Đông. Từ 12 giờ ngày 16/5, lệnh cấm đánh bắt cá do Trung Quốc áp đặt đối với đại bộ phận Biển Đông, gồm cả một số khu vực tranh chấp như đảo Scarborough bắt đầu có hiệu lực và sẽ kéo dài tới 12 giờ ngày 1/8. Theo trang tin "Đa chiều", tuy Bắc Kinh tuyên bố lệnh cấm đánh bắt cá là nhằm bảo vệ tài nguyên biển, nhưng trong bối cảnh căng thẳng Trung Quốc và Philíppin gia tăng sau sự kiện đối đầu tại đảo Scarborough, lệnh cấm đánh bắt cá lần này có ý nghĩa tuyên bố chủ quyền mạnh mẽ. Và rõ ràng, từ khi sự kiện đối đầu tại đảo Scarborough diễn ra tới nay, Bắc Kinh có ý mượn Philíppin để lập uy tại Biển Đông, đề ra tiêu chuẩn giải quyết tranh chấp Biển Đông từ nay về sau.

 

Theo "Đa chiều", hành động của Trung Quốc một là nhằm tạo cho hai bên cái cớ có thể giúp hòa hoãn tình hình căng thẳng hiện nay. Hai là có thể dọn sạch "chiến trường", tránh để ngư dân và tàu cá của Trung Quốc bị cuốn vào một cuộc chiến tranh có thể xảy ra. Nếu thực sự tình hình bị đẩy tới mức “không thể chịu đựng được nữa”, Trung Quốc có thể “vung tay” làm một trận lớn. Vì thế, sau khi Trung Quốc đưa ra một loạt biện pháp nhằm vào Philíppin trong các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao, dư luận, thậm chí cả quân sự, hôm nay chắc chắn sẽ trở thành bước chuyển cho sự kiện đối đầu Trung Quốc và Philíppin tại đảo Scarborough.

 

Trả lời phỏng vấn báo điện tử "Liên hợp Buổi sáng" (Xinhgapo), một chuyên gia quân sự Trung Quốc cũng cho rằng lệnh cấm đánh bắt cá trên thực tế là một biện pháp thực hiện chủ quyền. Chỉ cần tàu cá hai bên tạm thời không đi vào khu vực biển thuộc đảo Scarborough, không làm gia tăng hơn nữa mâu thuẫn giữa hai nước, Trung Quốc và Philíppin sẽ có cơ hội ngồi vào bàn đàm phán hòa bình. Theo chuyên gia này, đối với Trung Quốc, lệnh cấm đánh bắt cá có thể trở thành một lý do để nước này tiến hành xua đuổi tàu cá của Philíppin, nhưng đây là một biện pháp mềm dẻo, chí ít còn tốt hơn việc trực tiếp cử tàu ngư chính, dùng dao dùng súng xua đuổi tàu cá của Philíppin. Việc này cũng có thể trở thành nấc thang đi xuống giúp tình hình căng thẳng tại đảo Scarborough trở nên lắng dịu.

 

Tuy nhiên, do thừa nhận lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc đồng nghĩa với việc thừa nhận chủ quyền của Trung Quốc đối với đảo Scarborough, cho nên, theo chuyên gia trên, việc yêu cầu Philíppin tuân thủ lệnh cấm đánh bắt cá kỳ thực không đơn giản. Trên thực tế, sau khi Trung Quốc đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá, Ngoại trưởng Philíppin Albert del Rosario đã tuyên bố “không thừa nhận” và kiến nghị ngư dân Philíppin “tiếp tục đánh bắt cá trên địa bàn của mình”. Nhưng về phần mình, Tổng thống Philíppin Aquino lại biểu thị sự hoan nghênh đối với lệnh cấm đánh bắt cá của Trung Quốc và kiến nghị để bảo vệ nguồn tài nguyên biển đang bị khô kiệt, Philíppin cũng có thể đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá. Chuyên gia trên cho rằng việc Philíppin đưa ra lệnh cấm đánh bắt cá là một kế sách uyển chuyển.

 

Hiện nay, khách quan mà nói, các biện pháp mang tính thực chất của Trung Quốc đã cho thấy hiệu quả, phía Philíppin cũng biểu thị mong muốn kết thúc tình hình căng thẳng hiện nay ở đảo Scarborough. Tuy nhiên, theo "Đa chiều", dù trong ngắn hạn sự kiện đối đầu Trung Quốc và Philíppin tại đảo Scarborough sẽ giảm nhiệt, nhưng điều đó không có nghĩa Philíppin sẽ “bó tay”. Trong tương lai, cuộc đấu tranh giữa Trung Quốc và Philíppin trong vấn đề Biển Đông sẽ còn tiếp tục, hơn nữa có thể sẽ quyết liệt hơn. Vì vậy, Trung Quốc cần phải nắm chắc ưu thế chủ động giành được hiện nay về mặt ngoại giao, đề ra quy hoạch trung hạn và dài hạn cho việc giải quyết vấn đề đảo Scarborough, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh ngoại giao sau này. 

 

Nhằm tìm kiếm một mẫu số chung cho giải quyết vấn đề tranh chấp Biển Đông về lau dài, ngày 15/5, “Thời báo Hoàn cầu” đăng bài xã luận trong đó cho rằng có nhiều học giả Trung Quốc đánh giá nếu Philíppin có thể duy trì hiện trạng tại đảo Scarborough, các quốc gia xung quanh Biển Đông khác sẽ lần lượt bắt chước. Điều này sẽ gây bất lợi cho Trung Quốc trong việc giải quyết vấn đề Biển Đông.

 

Một số học giả chỉ ra rằng trong xử lý vấn đề đảo Scarborough, Trung Quốc cần tạo ra một khuôn mẫu hoặc tiêu chuẩn vững chắc, để sau này có thể đối chiếu giải quyết vấn đề Biển Đông. Cụ thể, một là Trung Quốc phải xây dựng cơ chế phản ứng nhanh, khi các quốc gia xung quanh Biển Đông xâm nhập lãnh hải hoặc Vùng Đặc quyền Kinh tế của Trung Quốc, lực lượng chấp pháp của Trung Quốc cần nhanh chóng đến hiện trường trong thời gian sớm nhất, áp dụng phương thức xua đuổi cảnh cáo, yêu cầu đội tàu tác nghiệp hoặc tàu vũ trang của nước ngoài rời khỏi khu vực này. Một số học giả Trung Quốc cũng kiến nghị chủ trương Chính phủ Trung Quốc cần nhanh chóng thành lập lực lượng cảnh sát biển thuộc quân đội, nhằm tăng cường công tác thực hiện bảo vệ quyền lợi biển của Trung Quốc.

 

Hai là, trong trường hợp biện pháp cảnh cáo không có hiệu quả, có thể áp dụng sách lược đánh đòn phủ đầu, vì tàu thuyền nước ngoài dừng lại phi pháp trong vùng biển Trung Quốc trong thời gian dài sẽ không có lợi cho việc xây dựng hình ảnh nước lớn của Trung Quốc, cũng không có lợi cho hòa bình, ổn định của khu vực này.

 

Ba là, bất cứ lúc nào cũng mở cánh cửa cho đàm phán ngoại giao, nhưng nếu các nước xung quanh đóng cánh cửa đàm phán ngoại giao, như vậy Trung Quốc cần buộc các nước này phải trả giá đắt cho hành động trên.

 

Bài viết cho rằng trong giải quyết vấn đề Biển Đông, Trung Quốc cần kiên trì nguyên tắc chủ quyền thuộc về ta, quyền chủ đảo thuộc về ta, quyết không cho phép mặc cả, trả giá trong vấn đề chủ quyền, càng không cho phép các nước tùy tiện thách thức trong phạm vi chủ quyền của Trung Quốc. Trung Quốc là một nước lớn đang trỗi dậy, phải nắm chắc quyền xây dựng tiêu chuẩn trong giải quyết vấn đề Biển Đông, quyết không cho phép các nước xung quanh Biển Đông gây rắc rối, chủ động thiết lập chương trình nghị sự, dẫn dắt bước đi của Trung Quốc.

 

Bài xã luận cho rằng hiện nay, vấn đề chủ quyền không cho phép đàm phán, đây là giới hạn thấp nhất trong ngoại giao của Trung Quốc. Nếu Philíppin cố tình làm bậy, Trung Quốc cần áp dụng một số biện pháp cứng rắn trục xuất khỏi khu vực này. Mục tiêu quan trọng hàng đầu về chính trị, quân sự, ngoại giao của Trung Quốc hiện nay là loại bỏ sự tồn tại về thương mại và quân sự của Philíppin tại vùng biển phụ cận của đảo Scarborough. Nếu không làm được điều này, mọi biện pháp mà Trung Quốc áp dụng tại khu vực đảo Scarborough đều trở nên vô nghĩa. 

Văn Cường (gt)