Philippines, một trong những quốc gia yếu nhất ở khu vực về quân sự và kinh tế, đã đệ đơn kiện Trung Quốc, một trong số những cường quốc mạnh nhất, ra Tòa án Trọng tài quốc tế vào năm 2013. Philippines luôn phản đối việc Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với khu vực rộng lớn trên Biển Đông. Bên cạnh đó, Manila cũng luôn theo đuổi những quy tắc cụ thể và cơ chế giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). Tuy nhiên, Trung Quốc đã thể hiện sự coi thường. Sẽ là sai lầm khi coi hành động nêu trên của Philippines như một phép thử về khả năng đấu tranh trong điều kiện không cân bằng về thế và lực. Trong khi bảo lưu quyết định tìm kiếm phán xét của trọng tài quốc tế, mới đây Đại sứ Philippines tại Mỹ đã miêu tả: "luật quốc tế là phương tiện quan trọng để điều chỉnh sự cân bằng". Nhưng đó chỉ là một sự miêu tả mang đầy tính cường điệu. 

Cũng là sai lầm khi coi các quy tắc luật pháp và các cơ chế giải quyết xung đột như những công cụ thô sơ có khả năng ngăn chặn các bên liên quan đưa ra lập trường cứng rắn. Đôi khi điều đó đúng, song trường hợp này đã đẩy các bên liên quan phải khẳng định rõ hơn lập trường của họ, đồng thời cũng để họ tôi luyện đấu tranh một cách khôn khéo. Những động thái mới đây và phản ứng của các nhân tố chính, dù là nước nhỏ hay nước lớn, đều thể hiện rằng tất cả các nước này đều muốn tận dụng những lý lẽ pháp lý và các cơ chế giải quyết xung đột để thực hiện chiến lược của họ đối với tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và biển. Bằng việc kiện Trung Quốc ra Tòa án Trọng tài quốc tế La Hay (Hà Lan) về tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông, Philippines đã phản đối "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc. 

Từ trước tới nay, Trung Quốc luôn mập mờ về "Đường 9 đoạn" này nên vụ kiện của Philippines đã làm nhiều người tin rằng Bắc Kinh yêu sách chủ quyền đối với hầu hết Biển Đông. UNCLOS cho phép các bên đề nghị giải quyết tranh chấp mang tính bắt buộc thông qua Tòa án Trọng tài thường trực. Mục tiêu cao nhất của vụ xét xử này là nhằm giải quyết một trong những tranh chấp lớn nhất trên Biển Đông, dù rằng Tòa án Trọng tài đôi khi không thể giải quyết vấn đề chủ quyền đối với tranh chấp các đảo và điều đó sẽ dẫn tới việc tòa sẽ phán quyết không đủ thẩm quyền hoặc giải quyết một phần trong số nhiều khiếu nại mang tính xung đột pháp lý. Trung Quốc trước đó đã tẩy chay vụ kiện, cho rằng Tòa trọng Tài thường trực không đủ thẩm quyền, đồng thời đưa ra nhiều lý do khác nhau, trong đó có việc nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã rõ ràng lựa chọn biện pháp giải quyết tranh chấp đối với những vấn đề liên quan đến biên giới trên biển từ khi nước này ký kết UNCLOS. 

Nói cách khác, Trung Quốc luôn từ chối những hình thức xét xử chính thức và có tính chất ràng buộc pháp lý về tranh chấp lãnh hải. Đến nay, Trung Quốc thậm chí từ chối đệ trình hồ sơ chính thức lên Tòa án Trọng tài này, và tìm cách không xuất hiện để điều trần trước tòa. Điều đó không có gì là lạ đối với một đương sự, hiện đang lợi dụng tình trạng nhập nhằng để bành trướng trên Biển Đông, có nhiều nguy cơ bị thua hơn là thắng kiện. Trung Quốc không mong muốn giải quyết tranh chấp thông qua Tòa án Trọng tài, mà chỉ theo đuổi việc vận dụng sức mạnh kinh tế và quân sự để giải quyết xung đột trên biển. 

Mặc dù vậy, có thể còn những bất đồng quan điểm trong nội bộ chính phủ Trung Quốc khi cho rằng Trung Quốc có lợi thế hơn khi bác bỏ vụ kiện bằng việc gây sức ép bảo vệ những lý lẽ pháp lý của Bắc Kinh một cách chính thức và trực tiếp tại Tòa án La Hay. Trong khi thể hiện lập trường cứng rắn phản đối vụ kiện của Philippines, tháng 12/2014, Trung Quốc đã công bố lập trường pháp lý chính thức của họ dưới dạng một văn bản vắn tắt và không chính thức đệ trình lên Tòa án Trọng tài. Bất kể lý lẽ trình bày trong văn bản nêu trên có ý nghĩa quan trọng đối với các thẩm phán của Tòa án Trọng tài hay không, nhưng việc tuyên truyền rộng rãi văn bản này góp phần làm dịu bớt hình ảnh Trung Quốc là "một kẻ chuyên uy hiếp", dựng lên bức tranh: Trung Quốc tuân thủ luật pháp quốc tế chứ không tán thành việc Philippines kêu gọi xét xử bắt buộc. 

Philippines cũng muốn Việt Nam chính thức tham gia vụ kiện nêu trên. Tuy nhiên, tháng 12/2014 Việt Nam đã lựa chọn một bước đi thận trọng. Không thiên vị bên nào trong vụ kiện, Việt Nam đã gửi một tuyên bố tới Tòa án Trọng tài thường trực để phản đối một số quan điểm của Trung Quốc ở Biển Đông. Tuyên bố nêu trên của Việt Nam được cho là gồm: sự ủng hộ quyền phán xét của Tòa án Trọng tài đối với vụ kiện của Philippines, đề nghị Tòa này xem xét thích đáng những lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong vấn đề liên quan, đồng thời bác bỏ "Đường 9 đoạn" của Trung Quốc. Trong khi không can dự trực tiếp vào vụ kiện Trung Quốc, Việt Nam vẫn ủng hộ láng giềng Philippines và Việt Nam tiếp tục làm sáng tỏ lập trường của mình, có thể nhằm chuẩn bị cho một vụ kiện trong tương lai, đồng thời phát đi một thông điệp rằng các nước nhỏ hơn ở khu vực không bị lay chuyển bởi những mưu đồ xâm lược của Trung Quốc dưới vỏ bọc "pháp lý và không đe dọa". 

Tháng 12/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã công bố một văn bản thể hiện lập trường của chính phủ Mỹ. Về lý thuyết, văn bản này phản ánh quan ngại đối với những yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Chính phủ Mỹ muốn thực hiện một biện pháp pháp lý mang tính khôn khéo nhằm cân bằng một số mục tiêu. Mỹ đã tránh thể hiện lập trường cứng rắn đối với những tuyên bố chủ quyền cụ thể tại Biển Đông, song cũng phát đi tín hiệu ủng hộ chung chung đối với lập trường của Philippines về luật biển. Bản thân Mỹ cũng thấy khó xử khi một mặt ủng hộ nguyên tắc giải quyết tranh chấp ở Biển Đông thông qua cơ chế pháp lý quốc tế, nhưng mặt khác lại từ chối chấp nhận phê chuẩn UNCLOS. Để khắc phục điều này, Mỹ đã công bố những quan điểm của mình mà không hướng tới một đối tượng cụ thể nào. Văn bản thể hiện quan điểm của Mỹ, được công bố dưới dạng một nghiên cứu mới nhất trong số hàng loạt những nghiên cứu về biên giới biển, có dụng ý dành cho độc giả ở khu vực và toàn cầu. Chính phủ Mỹ rõ ràng biết rằng văn bản này có khả năng gây ảnh hưởng một cách không chính thức đối với các thẩm phán ở La Hay, những người hiện đang nghiên cứu kỹ lưỡng tính hợp pháp của "Đường 9 đoạn". Cũng giống như văn bản vắn tắt mà Trung Quốc đệ trình lên Tòa án Trọng tài, văn bản thể hiện quan điểm của Mỹ về vấn đề Biển Đông đang được lưu hành rộng rãi bên trong các bộ ngoại giao và thu hút đáng kể sự quan tâm của dư luận. 

Điều có vẻ khôi hài là các văn bản thể hiện lập trường nêu trên của Trung Quốc và Mỹ đang thu hút rất nhiều sự chú ý, trong khi Trung Quốc luôn bị phê phán "bội ước" UNCLOS, còn Mỹ luôn bị chỉ trích vì từ chối phê chuẩn UNCLOS. Mặc dù vậy, điều đó cũng là hợp lý vì họ là những kẻ mạnh. Những hành động pháp lý và những biện pháp đối phó của Philippines, Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam cho thấy các thủ tục chính thức theo UNCLOS không thay thế được nghệ thuật ứng xử trong quan hệ quốc tế.

Bài viết của Giáo sư Matthew C. Waxman thuộc Đại học Luật Columbia (Mỹ) đăng trên trạng mạng của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS)

Thuỳ Anh (gt)