Trên cương vị Chủ tịch ASEAN 2015, Malaysia sẽ phải đối mặt với vấn đề giải quyết tranh chấp trên Biển Đông giữa một số quốc gia thành viên với Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, lập trường của Malaysia cần phải được đánh giá toàn diện hơn. 

Malaysia đã chính thức đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2015, trong bối cảnh khối 10 quốc gia thành viên này dự kiến thiết lập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vốn được nhiều trông đợi. Trước tình hình suy thoái kinh tế toàn cầu tiếp diễn, có thể hiểu được việc đang có nhiều sự quan tâm đối với AEC, vốn được xem là một động lực khác để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khu vực dưới sự lèo lái của Malaysia trên cương vị đầu tàu của ASEAN. 

Tuy nhiên, tranh chấp chủ quyền lãnh thổ và lãnh hải trên Biển Đông, dù dường như lắng xuống từ cuối năm ngoái, tiếp tục là một thách thức tiềm ẩn đối với tất cả các bên liên quan. Việc Malaysia, trên cả cương vị một bên có tuyên bố chủ quyền cũng như cương vị Chủ tịch ASEAN, việc xử lý tranh chấp trên Biển Đông như thế nào với ba quốc gia ASEAN khác có tuyên bố chủ quyền cũng như với Trung Quốc sẽ có ý nghĩa quan trọng đối với hòa bình và an ninh khu vực. 

Gần đây, một số nhà nghiên cứu đã coi cách xử lý tranh chấp trên Biển Đông với Trung Quốc của Malaysia là một dạng "bảo hiểm rủi ro", cân bằng giữa lợi ích quốc gia trong việc duy trì quan hệ kinh tế chặt chẽ với Bắc Kinh và lợi ích của "khu vực". Dù việc coi cách tiếp cận của Malaysia là "bảo hiểm rủi ro" có thể phần nào chính xác, song vẫn cần phải có cái nhìn toàn diện hơn về vai trò quốc tế của Malaysia. 

Từ hàng trăm năm qua, Malaysia đã là một trung tâm thương mại sôi động trong khu vực. Điều này đặc biệt đúng khi Malaysia tiến hành công nghiệp hóa nhanh chóng trong nửa thế kỷ qua, với sự hỗ trợ quan trọng của đầu tư nước ngoài. Tâm lý phổ biến ở Malaysia, đặc biệt là giới cầm quyền, vì thế hướng tới các lĩnh vực kinh tế như thương mại và đầu tư, thay vì quan tâm quá mức đến những vấn đề ý thức hệ hay dân tộc. 

Từ vài năm qua, kim ngạch thương mại của Malaysia với Trung Quốc là rất lớn, vượt quá con số 100 tỷ USD mỗi năm, biến Trung Quốc thành đối tác thương mại lớn nhất của Malaysia và Malaysia là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc tại Đông Nam Á. Mối quan hệ kinh tế song phương này vì thế có thể phủ bóng lên các tranh chấp ở Biển Đông, vấn đề không cho thấy có giải pháp tức thời hay thậm chí trong trung hạn. 

Việc Malaysia không áp dụng phương pháp tiếp cận mang tính đối đầu hơn của Việt Nam và Philippines trong tranh chấp ở Biển Đông, vì thế không làm người ta mấy ngạc nhiên. Việt Nam không may đã trải qua nhiều cuộc xung đột vũ trang kéo dài trên con đường xây dựng đất nước, và thái độ mang tính dân tộc chủ nghĩa của Hà Nội phần nào có thể hiểu được. Philippines vì nhiều lý do rõ ràng khó có thể phát triển kinh tế quy mô lớn như Malaysia. 

Nhưng ngay cả khi thuật ngữ "bảo hiểm rủi ro" được dùng để mô tả cách thức xử lý tranh chấp trên Biển Đông của Malaysia, thì nó ít nhất cũng cần được hiểu trong bối cảnh lớn hơn. Không chỉ duy trì quan hệ thương mại mạnh mẽ với Trung Quốc, Malaysia, không như nhiều nước láng giềng Đông Nam Á, cũng hoan nghênh Mỹ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong các vấn đề an ninh khu vực. Tập trận chung (bao gồm cả diễn tập trong hoặc gần vùng biển tranh chấp) và nỗ lực chống khủng bố, tiếp tục là nền tảng cho hợp tác an ninh Mỹ-Malaysia. 

Lập trường thân Mỹ của Malaysia, ít nhất là ở khía cạnh an ninh, do đó không mấy khác biệt với lập trường mà Việt Nam hay Philippines đã thể hiện. Dù vậy, cũng cần lưu ý rằng Malaysia và Trung Quốc được cho là sẽ tổ chức tập trận chung lần đầu tiên vào cuối năm nay. 

Tuy nhiên, chắc chắn Malaysia sẽ không bỏ qua sự đoàn kết của khu vực khi giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Malaysia vẫn cam kết và đang chủ động thúc đẩy các giải pháp mang tính toàn khu vực cho cuộc tranh chấp này. Malaysia cũng không phản đối lựa chọn giải quyết vấn đề Biển Đông một cách song phương với các bên tranh chấp. 

Từ trước tới nay, Malaysia đều thể hiện sự linh hoạt trong cách thức xử lý tranh chấp như đàm phán trực tiếp, hòa giải, cùng phát triển hay để tòa án quốc tế phân xử. Hầu hết các biện pháp này đã được Kuala Lumpur thực hiện thành công trong việc giải quyết tranh chấp với các nước láng giềng Thái Lan, Indonesia và Singapore . 

Đối với cuộc tranh chấp ở Biển Đông, Malaysia dường như ưu tiên hướng đến việc thông qua Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) cho các bên tuyên bố chủ quyền. COC được cho là sẽ tạo ra một khuôn khổ cho việc xử lý, nếu không muốn nói là giải quyết tranh chấp trên Biển Đông. Là Chủ tịch ASEAN, Malaysia có khả năng đặt ưu tiên cao cho việc thông qua COC. 

Theo RSIS

Trần Quang (gt)