Trung Quốc đã áp dụng cách tiếp cận "diễu võ dương oai hơn" ở Biển Đông, hành động để ngăn chặn ASEAN có một lập trường chung và loại trừ Mỹ ra khỏi cuộc tranh chấp chủ quyền ở khu vực này. Những nước trong khu vực như Việt Nam và Philíppin đã chống trả và tìm kiếm sự hợp tác lớn hơn với nhau cũng như sự ủng hộ của Mỹ. Một liên minh phản đối Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông dường như đang được củng cố. Điều trớ trêu là Đài Loan, một bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông lại đang tìm cách tránh đứng về phía nào.

Ngày 19/4, Bộ trưởng Ngoại giao Đài Loan Timothy Yang tuyên bố rằng các lính thủy đánh bộ tinh nhuệ và sẵn sàng cho chiến tranh hỗn hợp trên bộ và dưới nước hơn là lục quân sẽ huấn luyện cho các nhân viên bảo vệ bờ biển đồn trú ở Biển Đông. Rõ ràng Đài Loan không có kế hoạch tăng số nhân viên bảo vệ lên trên con số hiện tại là 105 người ở đảo Ba Bình thuộc quần đảo Trường Sa, hoặc nâng cấp các hệ thống vũ khí của mình. Sự thay đổi người huấn luyện nhân viên bảo vệ bờ biển rõ ràng là một sự leo thang ở mức độ vừa phải.

Tại sao lại như vậy? Cách tiếp cận của Đài Loan đối với vấn đề này chưa bao giờ dễ hiểu. Đài Loan chiếm đảo Ba Bình năm 1946 sau khi Nhật Bản rút khỏi khu vực này. Sự chiếm đóng này vẫn tiếp tục cho đến ngày nay (ngoài thời gian gián đoạn từ năm 1950-1956).

Tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông của Đài Loan được định hướng bởi những lợi ích quan trọng. Sự hiện diện của Đài Loan ở Trường Sa mang lại cho Đài Loan một mức độ hiểu biết chiến lược liên quan đến hạm đội tàu ngầm của Trung Quốc. Đài Loan cũng phụ thuộc vào nhập khẩu năng lượng, và khu vực Trường Sa được cho rằng có trữ lượng năng lượng lớn. Ngoài ra, Đài Loan có một ngành ngư nghiệp rất lớn và muốn tiếp cận các ngư trường của khu vực càng nhiều càng tốt. 

Đài Loan đã theo đuổi các lợi ích đó bằng cách tiếp cận thiện chí và quyết đoán. Một thập niên trước đây, Đài Loan đã thay thế các lính thủy đánh bộ đồn trú trên các hòn đảo chiếm đóng bằng nhân viên bảo vệ bờ biển trong một nỗ lực nhằm giảm bớt những căng thẳng và chi phí. Đài Loan cũng liên tiếp kêu gọi hợp tác phát triển những nguồn tài nguyên của khu vực. Tuy nhiên, Đài Loan đã gây ra phản ứng mạnh mẽ từ phía Việt Nam và Philíppin khi xây dựng một đường băng trên đảo Ba Bình và khi cựu Tổng thống Trần Thủy Biển đến thăm hòn đảo này sau đó.

Quan hệ của Đài Loan với Trung Quốc định hình sự can dự của họ ở một chừng mực lớn. Trung Quốc không coi Đài Loan là một bên tuyên bố chủ quyền đối địch. Hoàn toàn ngược lại: sự hiện diện quân sự liên tục và mang tính lịch sử của Đài Loan ở các đảo này được nhìn nhận như sự củng cố tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc, nước coi Đài Loan là một bộ phận của mình. Trung Quốc đã đe dọa chiến tranh với Đài Loan nếu Đài Loan thay đổi các đường biên giới chính thức của mình. Lập trường của Đài Loan đối với những tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông bị phức tạp bởi những lợi ích kinh tế và chính trị của Đài Loan ở Trung Quốc. 

Tuy nhiên, hai bên tất nhiên vẫn là những bên tuyên bố chủ quyền khác biệt với những lợi ích đôi lúc mâu thuẫn nhau, như trong việc tiếp cận các ngư trường. Trung Quốc cũng ngăn cản sự can dự của Đài Loan vào các cuộc thương lượng quốc tế về khu vực tranh chấp này. Điều quan trọng hơn, Đài Loan dựa vào Mỹ để đảm bảo an ninh trước Trung Quốc, và không chia sẻ mục tiêu của Trung Quốc là đẩy Mỹ ra khỏi Biển Đông hoặc hăm dọa các nước trong khu vực để buộc họ đầu hàng.

Chính sách Biển Đông của Đài Loan do đó là một chính sách cân bằng, tìm cách bảo vệ những lợi ích của Đài Loan ở đó, trong khi tiếp tục tránh gây thù địch với Trung Quốc hoặc Mỹ cùng những đồng minh của Oasinhtơn. Trung Quốc đang dịu giọng khi đối diện với phản ứng giận dữ của khu vực. Nhưng mâu thuẫn cơ bản giữa Trung Quốc và Mỹ vẫn còn, và Đài Loan sẽ không thể đứng giữa mãi mãi.

 

 Theo Eastasiaforum

Vũ Hiền (gt)