Theo Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS), các bức ảnh chụp từ vệ tinh gần đây cho thấy Trung Quốc có thể đang lắp đặt một hệ thống radar hiện đại trên Đá Châu Viên, một trong 7 hòn đảo nhân tạo mà Trung Quốc vừa mới xây dựng tại quần đảo Trường Sa. Nếu thông tin này là đúng thì đây sẽ là điều gây không ít quan ngại bởi hệ thống radar tân tiến này có thể sẽ giúp Trung Quốc gia tăng đáng kể khả năng giám sát – hoặc thậm chí là kiểm soát – toàn bộ tuyến đường biển chiến lược này. 

Trong một bức thư điện tử gửi cho tờ “Washington Post”, ông Polling viết: “Nếu đây là radar HF, thì nó sẽ giúp Trung Quốc tăng cường đáng kể khả năng giám sát tàu bè và máy bay hoạt động tại khu vực Biển Đông. Đá Châu Viên là nơi phù hợp để triển khai hệ thống radar này bởi nó là hòn đảo nhân tạo nằm ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, đồng nghĩa với việc đây là địa điểm hợp lý nhất nếu người ta muốn nhận được các tín hiệu radar cảnh báo sớm về hoạt động của các tàu bè và máy bay tới từ Eo biển Malacca hoặc các khu vực khác ở phía Nam như Singapore… Đây là điều hết sức quan trọng đối với chiến lược chống tiếp cận khu vực của Trung Quốc, ngăn không cho Mỹ ‘tự tung tự tác’ ở Biển Đông, chẳng hạn như đưa quân và tăng cường sự hiện diện tại Biển Đông trong trường hợp khủng hoảng bùng phát tại Đông Bắc Á”. Eo biển Malacca, nằm giữa Malaysia và Indonesia, là một trong những tuyến đường biển trọng yếu trên thế giới, trong khi Biển Đông là nơi 1/3 hàng hóa thương mại của thế giới và phần lớn dầu mỏ của châu Á được vận chuyển qua đây. 

Trung Quốc đã xây dựng 7 hòn đảo nhân tạo tại Biển Đông và hiện đang trong quá trình hoàn tất 3 đường băng lớn trên các đảo này. Mỹ tỏ ý lo ngại về tình trạng quân sự hóa ngày càng gia tăng tại Biển Đông và Ngoại trưởng Mỹ John Kerry hồi tuần trước đã bày tỏ sự “quan ngại nghiêm trọng” trước các bức ảnh chụp từ vệ tinh cho thấy Trung Quốc triển khai các khẩu đội tên lửa đất đối không tại đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Bắc Kinh khẳng định chương trình xây dựng tại Biển Đông chỉ để phục vụ mục đích dân sự và các cơ sở hạ tầng này là để tự vệ và ở mức có giới hạn nhằm bảo vệ chủ quyền lãnh thổ. Trung Quốc cũng chỉ ra rằng nhiều quốc gia khác cũng có những hoạt động cải tạo và xây dựng đường băng tương tự trước đây, dù thực tế chưa có quốc gia nào xây dựng quy mô như Trung Quốc. Ông Poling vạch rõ ý đồ xây dựng của Trung Quốc: “Người ta không cần tới một đường băng dài tới 3.000m để phục vụ các máy bay dân sự và người ta cũng không cần một hệ thống radar tần số cao như vậy để theo dõi các hoạt động thương mại. Radar vốn đã là một loại thiết bị đa dụng, song cũng giống như các cơ sở hạ tầng ‘đa dụng” khác ở Trường Sa, mục đích sử dụng chính của chúng là cho các hoạt động quân sự”.

Về phần mình, Trung Quốc liên tục nhấn mạnh những ngọn hải đăng mà nước này xây dựng tại hai trong số các hòn đảo nhân tạo là để hỗ trợ công tác tìm kiếm và cứu nạn cũng như việc dự báo thời tiết…, đồng thời khẳng định đây là những bằng chứng chứng minh mục đích dân sự của các hoạt động xây dựng của nước này trong khu vực. Một trong số các ngọn hải đăng mới là tại Đá Châu Viên. Ngày 22/2, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Ánh đã lên tiếng chỉ trích Mỹ thêu dệt các thông tin giật gân về vấn đề Biển Đông và “kích động căng thẳng”. Trong một cuộc họp báo, bà nhấn mạnh: “Các hòn đảo ở Biển Đông thuộc về Trung Quốc từ thời cổ đại. Trung Quốc có quyền bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, bảo vệ quyền lợi trên biển và các lợi ích của mình. Các hoạt động xây dựng của Trung Quốc tại các đảo và rạn san hô liên quan chủ yếu là vì mục đích dân sự, nhằm cung cấp các dịch vụ và hàng hóa cho cộng đồng quốc tế. Việc Trung Quốc triển khai các vũ khí phòng thủ với số lượng có giới hạn trên lãnh thổ của mình là hành động tự vệ chính đáng của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào theo luật pháp quốc tế. Đây không phải là hoạt động quân sự hóa. Đây là những hoạt động hết sức tự nhiên, hợp pháp và hợp lý. Mỹ cần nhìn nhận vấn đề một cách đúng đắn, thay vì đưa ra các thông tin giật gân sai lệch”. 

Trong nhiều bức ảnh khác mà CSIS cung cấp cho “Washington Post”, người ta cũng thấy nhiều hệ thống radar đang được triển khai tại các hòn đảo khác tại khu vực quần đảo Trường Sa, nơi Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam cùng tuyên bố chủ quyền toàn bộ hay một phần. 

Simon Denyer là trưởng đại diện của tờ Washington Post tại Trung Quốc. Ông cũng từng làm trưởng đại diện cho Washington Post tại tại Ấn Độ, trưởng đại diện cho tờ Reuters tại Washington, Ấn Độ và Pakistan. Bài viết được đăng trên The Washington Post.

Văn Cường (gt)