Tháng trước, tàu Cowpens của Mỹ đã suýt đụng độ với một tàu hộ tống tàu sân bay của Mỹ trong bối cảnh lực lượng hải quân hai nước triển khai ở Biển Đông. Tàu Trung Quốc đã cắt ngang đường tàu Mỹ, hai tàu đã suýt đâm vào nhau trong gang tấc.

Phó TTh Biden và Lầu Năm góc mạnh mẽ phản đối hành động “khiêu khích” này và kêu gọi Trung Quốc thực hiện các quy trình liên lạc và cơ chế phòng chống khủng hoảng có hiệu quả để giúp tránh hiểu nhầm và gia tăng căng thẳng trong tương lai. Phản ứng của Trung Quốc đối với các đề nghị này rất mơ hồ.

Những vụ việc đụng độ như vậy giữa hai nước trên biển cũng như trên không ngày càng trở nên thường xuyên hơn trong bối cảnh quân đội Trung Quốc triển khai lực lượng ra bên ngoài biên giới ngày càng nhiều, va chạm với các hoạt động tuần tra và triển khai của quân đội Mỹ. Tuy nhiên Trung Quốc không sẵn sàng tham gia vào các thỏa thuận xác định quy tắc hành xử cho các vụ việc như thế này. Trung Quốc cũng đồng thời cũng không muốn thiết lập cơ chế liên lạc khủng hoảng trong trường hợp xảy ra hiểu nhầm giữa các thuyền trưởng các tàu của hai bên. Tại sao?

Có thể do một vài lý do. Trước hết là sự tự tin; Trung Quốc xem các lực lượng hải quân và không quân Mỹ là chuẩn mực vàng về năng lực quân sự và kinh nghiệm tác chiến. Trung Quốc muốn tránh phơi bày những điểm yếu cố hữu của lực lượng quân sự Trung Quốc, đặc biệt là trong trường hợp khủng hoảng.

Tiếp đến là sự khác biệt về mục tiêu cuối cùng. Trung Quốc cho rằng các cơ chế này sẽ là “đai an toàn” để Mỹ đẩy mạnh hoạt động. Trung Quốc muốn Mỹ kiềm chế không có những hoạt động gần với biên giới Trung Quốc và giảm dần việc triển khai lực lượng, chứ không muốn Mỹ có cảm giác được đảm bảo là các sự cố có thể được giải quyết hòa bình sau đó.

Ngoài ra là cách diễn giải khác nhau giữa các bên về chủ quyền. Trung Quốc lo ngại là một thỏa thuận tác chiến nhỏ cũng có thể làm giảm bớt tính chính đáng của đòi hỏi chủ quyền đường 9 đoạn của Trung Quốc. Cho đến gần đây vẫn có sự căng thẳng giữa bên đảng và bên quân đội về quy tắc can dự của PLA. Hiện nay dường như có sự phối hợp chặt chẽ hơn dưới thời Tập Cận Bình.

Các yếu tố toàn cầu cũng có vai trò trong vấn đề này. Mô hình vận hành như Mỹ đề xuất là một đặc thù của thời kỳ chiến tranh lạnh. Về mặt ngoại giao công chúng, Trung Quốc muốn tránh việc Mỹ có cảm nhận là Trung Quốc là một đối thủ toàn cầu giống như Liên Xô trước kia.

Cuối cùng, Trung Quốc và Mỹ theo đuổi các cách thức răn đe khác nhau. Mỹ thường triển khai một cách hùng hậu sức mạnh quân sự ra bên ngoài nhằm thị uy các đối tượng và đối thủ cạnh tranh. Với Trung Quốc, răn đe không phải thông qua việc thể hiện sức mạnh ra bên ngoài mà là qua việc tạo ra sự không chắc chắn trong nhận thức của các nước khác. Theo logic đó, càng ít có sự gần gũi và hiểu biết về lực lượng quân giải phóng nhân dân, răn đe càng có giá trị.

Như vậy Trung Quốc và Mỹ có văn hóa chiến lược khác nhau với những mục tiêu khác nhau liên quan đến các vụ đụng đầu tác chiến, việc tìm ra một hình mẫu có thể chấp nhận được là một thách thức. Tuy nhiên hai bên cần phải làm điều đó: sự ổn định toàn cầu phụ thuộc vào việc tránh xảy ra đụng độ giữa hai bên.

Bài viết của cựu Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á và Thái Bình Dương Kurt Campbell đăng trên Finacial Times.

Văn Cường (gt)