Vào tháng 11/2014, khi Indonesia tỏ ý sẽ tham gia sáng lập AIIB nhằm thay thế cho Ngân hàng Thế giới (WB), quốc gia và là nền kinh tế lớn nhất thuộc Hiệp hội Các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) này đã cùng với phần còn lại của Đông Nam Á phát đi tín hiệu rõ ràng rằng chủ nghĩa thực dụng đã vượt qua chính trị khi cần vốn để phát triển hạ tầng khu vực.

Các nước ASEAN sẽ nhận được rất ít nếu ủng hộ chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama trong việc phản đối AIIB. Thông báo mới nhất cho thấy các nước sáng lập AIIB đã chiếm hơn 1/4 dân số thế giới, trong đó có 16/20 nền kinh tế lớn nhất, ngoại trừ Mỹ, Nhật Bản, Mexico và Canada. Điều này có thể thay đổi khi những nước đó tìm được cách giữ thể diện để gia nhập sau này. Theo ước tính của ADB, châu Á sẽ đối mặt với khoảng trống 8.000 tỷ USD vốn đầu tư hạ tầng trong thập kỉ tới.

AIIB có thể giúp lấp đầy khoảng trống này trong khi cũng thiết lập một thể chế đa phương và một quỹ để hiện thực hóa tầm nhìn của Bắc Kinh về “Con đường Tơ lụa mới” và “Con đường Tơ lụa trên biển mới”. Những sáng kiến hạ tầng lớn đó sẽ kết nối Trung Quốc tốt hơn với những thị trường và nguồn lực ở trong và ngoài châu Á, và hợp đồng có thể được trao cho các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc. Đây chính là sự nghi ngờ về ý đồ thực sự của Bắc Kinh. 

Rõ ràng là tất cả các quốc gia đang phát triển ở châu Á sẽ hưởng lợi từ việc được tiếp cận nguồn vốn bổ sung để xây dựng cảng biển, đường sắt, cầu, cảng hàng không và đường sá cũng như thay thế hạ tầng cũ. Khi cuộc tranh luận về thành viên sáng lập đã kết thúc, câu hỏi hiện tại là làm thế nào để ASEAN, với tư cách cổ đông sáng lập, có thể giúp định hình AIIB trong bối cảnh họ tìm cách hưởng lợi từ việc bổ sung ảnh hưởng của châu Á đối với cấu trúc tài chính toàn cầu.

Trước tiên, cần phải tập trung vào con người. Điều này bao gồm việc kiên trì tuyển dụng và thúc đẩy nhân sự dựa trên tài năng, chứ không phải quốc tịch. Khả năng kiểm toán và tính minh bạch cũng rất quan trọng. Điều này đặc biệt đúng nếu Trung Quốc tìm cách đưa ra danh sách nhân sự và ban lãnh đạo của ngân hàng mới. Khi soạn thảo chính sách nhân sự của AIIB, đại diện của ASEAN trong Ban Giám đốc AIIB sẽ cần học hỏi, theo sát và khi thích hợp, cải thiện những gì Nhật Bản, châu Âu và Mỹ đã làm ở những tổ chức tài chính đa phương khác.

Theo ông Chin, trong thời gian làm việc ở Ban Giám đốc ADB, một ủy ban thường vụ mới đã được thành lập để giám sát nhân sự của thể chế này. Quyết định trên được đưa ra sau các cuộc thảo luận kéo dài với Nhật Bản. Do vậy, AIIB sẽ phải tìm kiếm chuyên gia trong nhiều lĩnh vực khác nhau, từ tác động môi trường và tái định cư (những vấn đề điển hình trong các dự án hạ tầng quy mô lớn) đến nguồn nhân lực đẳng cấp thế giới và một bộ phận giám sát có tiếng nói mạnh mẽ thể hiện tính nghiêm túc của ngân hàng mới nhằm giải quyết những vấn đề vượt ngoài việc cho vay. Cơ chế kiểm toán đối với mọi nhân viên của thể chế mới cũng cần phải mạnh mẽ và hiệu quả. Sự minh bạch cần phải bắt đầu ở tầng cao nhất, gồm những biện pháp ngăn chặn tham nhũng và tránh xung đột lợi ích.

Thứ hai, tập trung vào kết quả. Ban lãnh đạo AIIB sẽ phải tránh hệ thống quan liêu quá mức mà có thời điểm đã làm đình trệ nhiều dự án ở ADB và WB, kể cả tại Đông Nam Á. Họ cần học hỏi từ một loạt dự án ít thành công hơn do những tổ chức tài chính quốc tế khác cấp vốn. Điều này là dễ hiểu. Về vấn đề này, đại diện Đông Nam Á ở AIIB cần phải cân bằng giữa mong muốn có "nhiều tiền hơn, nhanh hơn" của mình với quan ngại về những người dân và cộng đồng bị ảnh hưởng. 

Những thước đo, như các khoản vay của thể chế mới là bao nhiêu, lớn thế nào và nhanh chóng giải ngân ra sao, phải được bổ sung một hệ thống đánh giá nghiêm khắc kết quả của hoạt động cho vay nếu Đông Nam Á ủng hỗ các sáng kiến của AIIB. Một bộ phận đánh giá độc lập thực sự báo cáo trực tiếp lên Ban Giám đốc AIIB, chứ không phải qua bộ phận quản lý ngân hàng, sẽ có ý nghĩa sống còn. Một quá trình thực thi để buộc các khách vay và AIIB có trách nhiệm tránh vi phạm các tiêu chuẩn của tổ chức cũng có ý nghĩa quan trọng để đảm bảo uy tín lâu dài cho thể chế.

Thứ ba, tập trung vào các biện pháp bảo vệ. Tại ADB, đã có một cam kết chung rằng không để cá nhân nào bị thiệt hại bởi những dự án do ngân hàng tài trợ. Người dân được bồi thường nếu nhà cửa hoặc sinh kế bị mất, dù không có gì đảm bảo rằng đời sống những cá nhân đó sẽ tốt hơn. Đây là mục tiêu cao cả và khó khăn đối với bất kỳ tổ chức cho vay đa phương nào, dù có hội đồng giám sát và hệ thống quản trị tốt nhất. Đây là một lý do phải có những biện pháp bảo vệ và đánh giá chính sách định kỳ mà các cổ đông Đông Nam Á sẽ cần để xây dựng AIIB.

Trung Quốc có thể sẽ tìm cách thúc đẩy một "cách thức châu Á" trong thể chế cho vay đa phương mới nhất này. Với những người dân Đông Nam Á có thể hưởng lợi nhờ, hoặc bị tổn hại bởi các dự án hạ tầng lớn do AIIB cấp vốn, nhu cầu vẫn là rất lớn. Theo ADB, chỉ riêng 10 nước ASEAN đã cần khoảng 100 tỷ USD đầu tư hạ tầng mỗi năm. Song cùng với đó là thách thức. Bất kể là trong ban lãnh đạo WB, ADB hay AIIB, đại diện Đông Nam Á đều cần phải “chiến đấu” để đảm bảo có được sự cân bằng: xây dựng hạ tầng và phát triển kinh tế trong khi vẫn tôn trọng cá nhân, doanh nghiệp và cộng đồng.

Curtis S. Chin, cựu Đại diện của Mỹ tại Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB). Bài viết được đăng trên Straits Times.

Văn Cường (gt)