Chiến lược “tái cân bằng” hay chính sách “xoay trục” sang Châu Á của Mỹ đang dần trở nên sáng tỏ. Cuộc khủng hoảng ở Ucraina và sự nổi lên của Nhà nước Hồi giáo ở Iraq và Syria (ISIS) đã làm nổi bật những thách thức đặt ra cho các nhà hoạch định chính sách của Mỹ trong lúc tìm cách thay đổi các ưu tiên chính sách để đối phó với sự trỗi dậy của Châu Á, đặc biệt là Trung Quốc.

Tại Đối thoại Shangri-La (Singapore, tháng 6/2012) Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta cho biết, sau khi rút quân khỏi Afghanistan và Iraq và cắt giảm các lực lượng quân sự ở Châu Âu, tái cân bằng sẽ dẫn đến một sự thay đổi tỷ lệ từ 50:50 thành 60:40 của lực lượng hải quân Mỹ tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương và Châu Âu. Trên thực tế, tái cân bằng có nghĩa là Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện quân sự hiện tại của mình ở Châu Á - Thái Bình Dương trong khi giảm đáng kể lực lượng ở Châu Âu. Trong một thời đại mà các nguồn lực là hạn chế, chiến lược tái cân bằng của ông Obama như một sự thừa nhận rằng Mỹ sẽ buộc phải có những lựa chọn khó khăn khi ngân sách quốc phòng đã bị cắt giảm.

Trước tiên là thách thức đến từ Trung Đông. Ngày 10/9, ông Obama tuyên bố Mỹ sẽ tiến hành một chiến dịch không kích có hệ thống chống lại các lực lượng ISIS, triển khai 475 nhân sự trên thực địa để cung cấp các khóa huấn luyện, tình báo và thiết bị cho các lực lượng Iraq và người Kurd, cắt đứt nguồn cung tài trợ và binh lính nước ngoài cho các lực lượng ISIS và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho dân thường.

Những biện pháp này là khởi đầu cho một sự can dự dài hạn mới của Mỹ ở Trung Đông. Điều trớ trêu là sự nổi lên của ISIS có một phần nguyên nhân từ việc tước quyền bầu cử của quân đội Baathist và các công chức dưới thời Saddam Hussein, những người đã bị các lực lượng chiếm đóng của Mỹ loại bỏ hết mọi vai trò trong chính phủ. Sự tham gia của họ đã mang lại cho ISIS khả năng hoạt động như một chính phủ và chiến đấu như một quân đội thông thường. Khi ISIS mở rộng phạm vi hoạt động ở Iraq và Syria và có được sự trung thành của những kẻ cực đoan Hồi giáo Sunni trên toàn cầu, nó sẽ gây ra vấn đề cho các chính phủ trên toàn thế giới. Các chính phủ lo ngại rằng các chiến binh và chuyên gia chất nổ được đào tạo tại chiến trườngTrung Đông sẽ quay trở lại và gây ra tình trạng lộn xộn và tàn sát trên các đường phố ở phương Tây cũng như Châu Á.

Một thách thức khác cũng đang diễn ra ở Châu Âu, dẫn đến một sự tập trung mới của Mỹ vào Châu Âu. Việc Tổng thống Nga V. Putin tiếp quản Crưm và cuộc nổi dậy của lực lượng ly khai ở miền đông Ucraina đã làm sống lại những lo ngại của phương Tây về chủ nghĩa bành trướng Nga. Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Wales (4-5/9) đã chuẩn bị tinh thần cho một cuộc chiến tranh lạnh mới với việc ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga.

Tuyên bố của ông Putin về việc sẽ bảo vệ những người dân tộc Nga và người nói tiếng Nga bên ngoài lãnh thổ Nga đã khiến các nước láng giềng lo lắng, kể cả những nước có mối quan hệ gần gũi với Moscow như Belarus và Kazakhstan cũng như các quốc gia Đông Âu và Baltic đã từng là một phần của khối Hiệp ước Warsaw và giờ đây là thành viên của NATO.

Tuy nhiên, không thể chỉ đổ lỗi cho một mình nước Nga. Nga đã nghi ngờ ý định của Mỹ (và Châu Âu) kể từ việc mở rộng NATO sang Đông Âu năm 1996, bất chấp sự bảo đảm trước đó của Tổng thống George H.W. Bush rằng NATO sẽ không mở rộng về phía đông với sự kết thúc của Chiến tranh lạnh. Năm 2004, 7 thành viên mới gia nhập NATO, bao gồm cả các nước Baltic có chung đường biên giới với Nga và có lịch sử ngờ vực nước Nga. Hỗ trợ của phương Tây trong việc lật đổ Tổng thống Ucraina Viktor Yanukovych và thúc đẩy một thỏa thuận liên kết độc quyền làm suy yếu các kết nối thương mại với Nga ở phía đông Ucraina đã tạo thêm lý do cho Nga hậu thuẫn các cuộc nổi dậy ly khai ở miền đông Ucraina. Mặc dù hiện Nga không có các nguồn lực vật chất để thách thức phương Tây, Mỹ sẽ vẫn phải tốn nhiều thời gian và nguồn lực để trấn an các đồng minh Châu Âu đang đối mặt với một mối quan hệ căng thẳng với Nga.

Nếu những mối quan tâm an ninh mới ở Trung Đông và Châu Âu dẫn đến việc Mỹ chuyển tập trung ra khỏi các vấn đề an ninh ở Châu Á – Thái Bình Dương, đó có thể là một tín hiệu tốt. Trong khi các cuộc thảo luận về việc tái cân bằng luôn nhấn mạnh tới những thách thức an ninh của Mỹ ở Châu Á, đặc biệt là trong bối cảnh một Trung Quốc đang lên, tương tác của Mỹ với khu vực ngoài an ninh còn bao gồm nhiều mặt khác như ngoại giao, kinh tế và chính trị. Giới hạn hiện nay về nguồn lực quốc phòng đồng nghĩa với việc sự chú ý của Mỹ ở Châu Á – Thái Bình Dương sẽ tập trung vào các cơ hội kinh tế và chính trị. Điều này sẽ dẫn đến một nhận thức cân bằng hơn về lợi ích của Mỹ và vai trò trong khu vực, cũng như có khả năng thúc đẩy một mối quan hệ mang tính hợp tác hơn giữa Mỹ và Trung Quốc, đó cũng sẽ là một kết quả thuận lợi cho các quốc gia Đông Á.

Bài viết của Barry Desker, Hiệu trưởng Trường nghiên cứu quốc tế, S. Rajaratnam, Singapore đăng trên Strait Times.

Trần Quang (gt)