TQ mưu đồ lợi dụng lịch sử lâu dài của mình để tìm kiếm lợi ích trong những tranh chấp quốc tế, điều này đang được thể hiện rõ ràng nhất trong tranh chấp chủ quyền Biển Đông giữa TQ với một số nước láng giềng ở ĐNÁ. Bị lôi cuốn vào cuộc tranh chấp nhiều tầng lớp này còn có cả Mỹ, ẤĐ và NB. Và vấn đề này đang cho thấy một cục diện hỗn loạn theo đúng nghĩa.

Năm 1996, Bắc Kinh chính thức phê chuẩn gia nhập “Công ước Luật biển của LHQ”, công khai ủng hộ quy định của Công ước này, đó là: “TQ có chủ quyền và quyền tài phán đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý”.

Đồng thời, TQ lại căn cứ vào “cơ sở lịch sử” để đưa ra yêu sách chủ quyền lãnh thổ đối với các đảo, bãi đá trong vùng Biển Đông. Điều này là chưa được Công ước Luật biển thừa nhận. Như vậy có nghĩa rằng, TQ căn cứ vào luật pháp quốc tế hiện đại để tuyên bố có tất cả mọi quyền lợi, ngoài ra còn đòi hỏi cả những quyền lợi căn bản chưa được thừa nhận, bởi vì nền văn minh của họ có bề dày tới mấy ngàn năm.

Trong lịch sử, TQ là đế chế hàng đầu ở khu vực Đông Á, xem các nước nhỏ xung quanh chỉ là chư hầu. Yêu sách lãnh thổ của họ (TQ) đã phản ánh thứ quan hệ lịch sử đó. Trong khi mối quan hệ lịch sử kiểu này đã không còn tồn tại từ cách đây mấy trăm năm, cùng với sự trỗi dậy của phương Tây. Về góc độ nào đó, việc Bắc Kinh đưa ra yêu sách chủ quyền như vậy chính là hành động nhằm khôi phục lại địa vị bá quyền không có địch thủ trước đây, đồng thời tìm cách hợp pháp hóa cho nó.

Các nước ĐNÁ đưa ra yêu sách chủ quyền chủ yếu đều dựa trên các quy định của Công ước Luật biển. Thế mà, lập trường của TQ là, trước khi Công ước Luật biển ra đời, họ đã có chủ quyền đối với các vùng biển liên quan, bởi vậy bộ luật này không thể áp dụng cho họ.

Giới quan chức và học giả TQ muốn mượn nền văn hiến và lịch sử để củng cố cho chủ trương lãnh thổ của họ. Các nhà nghiên cứu TQ nhiều lần nêu rằng, “lịch sử chứng minh, người TQ đã phát hiện ra các đảo ở Biển Đông từ thời Tần, Hán” và kết luận rằng biên giới trên biển của TQ đã được xác lập từ thời nhà Thanh (1644 - 1911).

Nếu lấy lịch sử làm tiêu chuẩn, thì lịch sử bao nhiêu năm là có thể xác định được quyền quy thuộc lãnh thổ? Nếu như lấy thời kỳ Tần, Hán làm tiêu chuẩn, thì lãnh thổ hiện nay của TQ phải nhỏ hơn rất nhiều, vì khi đó trên bản đồ của họ chưa hề có Tân Cương, Tây Tạng hay Mãn Châu.

Hoặc cũng có thể vì yêu sách chủ quyền lãnh thổ theo lịch sử có mâu thuẫn với luật biển hiện đại, nên mới có học giả TQ yêu cầu tiến hành thẩm tra lại Luật biển của LHQ. Giáo sư Lý Kim Minh của Đại học Hạ Môn cho rằng, Công ước Luật biển của LHQ hiện tồn tại “những điểm chưa đầy đủ”; bởi vậy, “TQ cần cân nhắc tình hình thực tế của mình trước khi thực hiện Công ước Luật biển”. Nói như vậy có nghĩa là, cho dù TQ đã phê chuẩn Công ước này, nhưng trừ phi chỉnh sửa lại Công ước vốn đã có hiệu lực từ 17 năm nay cho thuận với yêu sách chủ quyền của TQ, còn không thì Bắc Kinh sẽ không tuân thủ quy định của Công ước.

 Theo The Diplomat

Trần Quang (gt)