Không giống nhiều nước châu Á khác – và trái ngược hoàn toàn với nước láng giềng Pakixtan – Ấn Độ chưa bao giờ được các tướng lĩnh điều hành. Những quan chức cấp cao thuộc ngành dân chính đầy quyền lực của thuộc địa Raj phần lớn là người Hindu, trong khi người Hồi giáo có đại diện không tương xứng trong quân đội. Trong quá trình giành độc lập, giới tinh hoa chính trị Ấn Độ, vốn có một xu hướng hòa bình mạnh mẽ, quyết tâm giữ các tướng lĩnh ở vị trí của họ. Trong điều này họ đã thành công một cách vui vẻ.

Nhưng đã có những cái giá phải trả. Một cái giá là Ấn Độ bộc lộ sự thiếu vắng đáng chú ý cái có thể gọi là văn hóa chiến lược. Nước này đã tiến hành một số cuộc chiến tranh có giới hạn – một cuộc chiến với Trung Quốc, mà nước này thất bại, và vài cuộc chiến với Pakixtan, mà phần lớn là chiến thắng, nếu không muốn nói là luôn đáng thuyết phục – và nước này phải đối mặt với một loạt mối đe dọa, bao gồm chủ nghĩa khủng bố thánh chiến và sự nổi dậy dai dẳng của chủ nghĩa Maoít. Tuy nhiên tầng lớp chính trị của nước này hầu như không cho thấy dấu hiệu hiểu biết hay quan tâm đến cách sức mạnh quân sự của đất nước nên được triển khai như thế nào.

Sức mạnh đó đang phát triển nhanh. Trong 5 năm qua Ấn Độ đã trở thành nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất thế giới. Một thỏa thuận trị giá không dưới 12 tỷ USD để mua 126 máy bay chiến đấu Rafale từ Pháp đang dần hoàn tất. Ấn Độ có quân nhân tại ngũ nhiều hơn bất kỳ nước châu Á nào khác ngoại trừ Trung Quốc, và ngân sách quốc phòng của nước này đã tăng lên 46,8 tỷ USD. Hiện nay nước này là nước chi tiêu quân sự lớn thứ 7 thế giới; IHS Jane’s, một cơ quan tư vấn, cho rằng vào năm 2020 nước này sẽ vượt qua Nhật Bản, Pháp và Anh để vươn lên vị trí thứ 4. Ấn Độ có một kho dự trữ hạt nhân chứa không dưới 80 đầu đạn có thể dễ dàng bổ sung, và các tên lửa đạn đạo có thể mang theo đầu đạn hạt nhân tới bất kỳ điểm nào ở Pakixtan. Nước này gần đây đã thử nghiệm một tên lửa với tầm bắn 5.000 km, sẽ vươn tới phần lớn Trung Quốc.

Phải đối mặt với con đường nào?

Ngoài giới báo chí luôn lớn tiếng và các tổ chức tư vấn chiến lược hăng hái của Niu Đêli, Ấn Độ và các nhà lãnh đạo của nước này hầu như không tỏ ra quan tâm đến các vấn đề quân sự hay chiến lược. Những đánh giá quốc phòng chiến lược như đã diễn ra ở Mỹ, Anh và Pháp, được các sĩ quan tại ngũ và các viên chức thông báo nhưng do các chính trị gia chỉ đạo, không được biết đến ở Ấn Độ. Các lực lượng vũ trang coi Bộ Quốc phòng là dốt nát một cách tồi tệ về các vấn đề quân sự, có ít kĩ năng cần thiết để cung cấp hỗ trợ trong các lĩnh vực như hoạt động hậu cần và mua sắm (họ cũng tức giận về sự kiểm soát của bộ này đối với những sự thăng tiến cấp cao). Các công chức chỉ ghé qua bộ này thay vì tạo dựng sự nghiệp tại đó. Bộ Ngoại vụ, vốn nên đóng vai trò quan trọng trong việc thông báo tầm nhìn chiến lược của đất nước, rất yếu kém. Xinhgapo, với dân số 5 triệu người, có ngành ngoại giao với quy mô tương tự như của Ấn Độ. Ngành ngoại giao Trung Quốc lớn hơn gấp 8 lần.

Những mối đe dọa chủ yếu đối với Ấn Độ là rõ ràng: một Pakixtan bất ổn, suy yếu nhưng nguy hiểm; một Trung Quốc huênh hoang và đáng sợ. Một nước tạo ra những cảm giác về sự vượt trội gần như khinh miệt, nước còn lại là sự thấp kém hơn và lòng đố kỵ. Về địa vị khu vực của Ấn Độ và những triển vọng tương lai là một “nước lớn”, Trung Quốc có ý nghĩa nhất; nhưng mối quan hệ gây phiền phức với Pakixtan vẫn chi phối tư duy quân sự.

Một nỗ lực gần đây nhằm tăng cường quan hệ giữa hai nước đang có một số thành công. Nhưng căng thẳng dọc “đường kiểm soát” phân chia hai bên trong khi không có một biên giới được thỏa thuận ở Casơmia có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Phức tạp hơn, Trung Quốc và Pakixtan lại thân thiết, và Trung Quốc không ngại khuyến khích người đồng minh dễ chịu của mình trở thành một cái gai trong mắt Ấn Độ. Theo những người Ấn Độ đầy phần nộ, Pakixtan cũng sử dụng những kẻ khủng bố thánh chiến để thực hiện một cuộc chiến tranh mượn tay kẻ khác nhằm vào Ấn Độ “dưới chiếc ô hạt nhân của nước này”. Cuộc tấn công vào Quốc hội Ấn Độ năm 2001 của Jaish-e-Mohammed, một nhóm khủng bố có liên hệ chặt chẽ với cơ quan tình báo của Pakixtan, đã đưa hai nước đến bờ vực chiến tranh. Kí ức về cuộc tấn công bất ngờ của lính biệt kích vào Mumbai bởi Lashkar-e-Taiba, một tổ chức khủng bố khác, vẫn còn mới nguyên.

Những khả năng hạt nhân của Pakixtan là một mối lo ngại thường xuyên. Kho đầu đạn của nước này, được phát triển với sự hỗ trợ của Trung Quốc, ít nhất lớn bằng của Ấn Độ và gần như chắc chắn là lớn hơn. Nước này có các tên lửa chủ yếu do Trung Quốc thiết kế có thể vươn tới hầu hết các thành phố của Ấn Độ và, không giống Ấn Độ, nước này không có chính sách “không sử dụng trước”. Quả thực, để bù đắp sự vượt trội ngày càng tăng của các lực lượng thông thường Ấn Độ, nước này đang phát triển các vũ khí hạt nhân cho chiến trường có thể được đặt dưới sự kiểm soát của các chỉ huy chiến trường.

Lớn hơn và giàu có hơn nhiều, Ấn Độ thường chiến thắng Pakixtan. Các kế hoạch của nước này nhằm thực hiện lại điều đó, nếu nước này cảm thấy bị khiêu khích, là đáng lo ngại. Trong phần lớn thập kỷ qua, quân đội đã theo đuổi một học thuyết được biết đến là “Khởi đầu Lạnh” sẽ chứng kiến những cuộc đột kích nhanh chóng bằng xe bọc thép vào Pakixtan với sự hỗ trợ bám sát từ trên không. Ý tưởng là gây thiệt hại cho các lực lượng của Pakixtan mà chỉ thông báo trước 72 giờ, chiếm lấy lãnh thổ đủ nhanh để không phải hứng chịu một sự đáp trả hạt nhân. Ở cấp độ chiến thuật, điều này thừa nhận một khả năng chiến tranh vũ trang phối hợp công nghệ cao mà Ấn Độ có thể không có. Ở cấp độ chiến lược, nó giả định rằng Pakixtan sẽ do dự trước khi sử dụng các vũ khí hạt nhân, và khó chịu với truyền thống kiềm chế chiến lược của Ấn Độ. Các quan chức dân sự và các chính trị gia phủ nhận một cách không thuyết phục rằng Khởi đầu Lạnh thậm chí có tồn tại.

Bharat Karnat thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách, một tổ chức tư vấn chiến lược, tin rằng mối nguy hiểm chủ yếu của Pakixtan đối với Ấn Độ với tư cách là một nhà nước thất bại, chứ không phải một kẻ thù quân sự. Ông coi Khởi đầu Lạnh là một “ngõ cụt” phí phạm các nguồn lực quân sự và tài chính vốn nên được sử dụng để ngăn chặn “kẻ bá chủ nguyên thủy”, Trung Quốc. Các nước khác đồng ý. Năm 2009 A. K. Antony, Bộ trưởng Quốc phòng, nói với các lực lượng vũ trang rằng họ nên coi Trung Quốc thay vì Pakixtan là mối đe dọa chính đối với an ninh của Ấn Độ và tự triển khai theo đó. Nhưng không nhiều việc đã diễn ra. Ông Karnad nhận thấy đường lối chiến lược dân sự yếu kém kết hợp với chủ nghĩa bảo thủ bẩm sinh của quân đội ngăn Ấn Độ làm những việc mà nước này cần phải thực hiện.

“Đường kiểm soát thực tế” giữa Trung Quốc và Ấn Độ ở Arunachal Pradesh, nơi Trung Quốc gọi là Nam Tây Tạng, không căng thẳng như ở Casơmia. Các cuộc đối thoại giữa hai nước nhằm giải quyết vấn đề biên giới đã diễn ra trong 10 năm và trải qua 15 vòng. Trong các tuyên bố chính thức, cả hai bên nhấn mạnh rằng tranh chấp không ngăn cản mối quan hệ đối tác nhằm theo đuổi các mục tiêu khác.

Nhưng khó có thể phớt lờ tốc độ đầu tư quân sự ở phía Trung Quốc của đường kiểm soát. Thiếu tướng Gurmeet Kanwal thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến tranh Mặt đất chỉ rõ việc xây dựng các đường ray mới, 58.000 km đường dùng trong mọi thời tiết, 5 căn cứ không quân, các trung tâm tiếp tế và các điểm liên lạc. Theo ông Karnad, Trung Quốc sẽ có thể tấn công bằng sức mạnh và tốc độ nếu họ quyết định chiếm phần lãnh thổ do Ấn Độ kiểm soát mà họ tuyên bố là của mình. Ông cho rằng quân đội Ấn Độ, quen với kế hoạch “phản ứng thụ động” khi đối phó với Trung Quốc, đã tự tước đi của mình những phương tiện để phát động một cuộc phản công.

Không thể sánh được với sức mạnh của Trung Quốc trên đất liền, một lựa chọn thay thế có thể là đáp trả trên biển. Một đòn đáp trả như vậy đã được lưu truyền trong một tài liệu chiến lược bán chính thức gọi là “Không liên kết 2.0”, do một số cựu cố vấn an ninh quốc gia thúc đẩy vào năm 2012 và được cố vấn an ninh đương nhiệm, Shivshankar Menon, ủng hộ. Chẳng hạn, lợi thế hải quân của Ấn Độ có thể cho phép nước này ngăn cản vận chuyển dầu mỏ đến Trung Quốc qua Eo biển Malắcca.

Trung Quốc và Ấn Độ đều đang nhanh chóng phát triển hải quân của mình từ các lực lượng phòng thủ bờ biển thành những công cụ có thể triển khai sức mạnh xa hơn ngoài mặt trận; trong thập kỷ này, mỗi nước mong đợi sẽ có 3 nhóm tàu sân bay tác chiến. Một số chiến lược gia Ấn Độ tin rằng khi Trung Quốc mở rộng tầm với của mình ra Ấn Độ Dương để bảo vệ quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên thiên nhiên, hải quân của hai nước có khả năng đụng độ như lục quân của họ.

Trên biển

Hải quân Trung Quốc đang mở rộng với tốc độ rất nhanh mà Ấn Độ không thể sánh kịp – vào năm 2020 nước này được cho là sẽ có 73 tàu chiến lớn và 78 tàu ngầm, 12 trong số đó là tàu hạt nhân – nhưng các thủy thủ của Ấn Độ có trình độ cao. Họ đã vận hành một tàu sân bay kể từ những năm 1960, trong khi Trung Quốc hiện giờ mới chỉ bắt đầu tham gia cuộc chơi. Ấn Độ lo sợ việc Trung Quốc phát triển các cơ sở tại những cảng biển ở Pakixtan, Xri Lanca, Bănglađét và Mianma – cái gọi là “chuỗi ngọc trai” xung quanh đại dương mang tên của Ấn Độ; ông Antony đã gọi thông báo vào tháng 2/2013 rằng một công ty Trung Quốc sẽ điều hành cảng Gwadar của Pakixtan là “một vấn đề đáng lo ngại”. Trung Quốc nhận thấy một mối đe dọa trong các mối quan hệ hải quân đang phát triển của Ấn Độ với Việt Nam, Hàn Quốc, Nhật Bản và nhất là Mỹ. Ấn Độ hiện tiến hành nhiều cuộc tập trận hải quân với Mỹ hơn bất kỳ nước nào khác.
Hải quân Ấn Độ có kinh nghiệm, lợi thế địa lý và một số người bạn hùng mạnh ở phía mình. Tuy nhiên, lực lượng này vẫn thiếu thốn so với các quân chủng khác của Ấn Độ, với chỉ 19% ngân sách quốc phòng so với 25% của lực lượng không quân và 50% cho lục quân.

Lực lượng không quân cũng nhận được phần lớn nhất của ngân sách vốn-trang bị - gấp đôi số tiền dành cho hải quân. Lực lượng này đang mua các máy bay Rafale từ Pháp và nâng cấp các máy bay chiến đấu cũ hơn, chủ yếu của Nga với các vũ khí và rađa mới. Một liên doanh giữa công ty Hindustan Aeronautics Limited (HAL) và Sukhoi của Nga đang phát triển máy bay chiến đấu tấn công “thế hệ thứ 5” để cạnh tranh với F-35 của Mỹ. Mặc dù vậy, cùng với việc thỏa mãn nhu cầu tốc độ của phi công, lực lượng không quân đang tăng cường chú trọng đến “phương tiện hỗ trợ”. Lực lượng này đang đàm phán mua 6 máy bay tiếp nhiên liệu quân sự Airbus A330 và 5 máy bay cảnh báo sớm và kiểm soát trên không mới. Lực lượng này cũng đã giải quyết các yếu kém trong việc vận tải hàng nặng bằng việc mua 10 máy bay vận tải khổng lồ Boeing C-17, với triển vọng mua thêm nhiều chiếc khác trong thời gian tới. Ít rõ ràng hơn là ưu tiên mà lực lượng không quân dành cho các yêu cầu của lục quân về hỗ trợ bám sát từ trên không so với vai trò phòng không truyền thống hơn của nó, đặc biệt là sau khi thua trong một cuộc tranh cãi về việc bên nào sẽ vận hành các máy bay trực thăng chiến đấu.

Với việc lục quân đang luyện tập cho một cuộc tấn công chớp nhoáng nhằm vào Pakixtan và hải quân chuẩn bị đối đầu với chủ nghĩa phiêu lưu biển khơi của Trung Quốc, dễ dàng có ấn tượng rằng mỗi quân chủng đang lên kế hoạch cho cuộc chiến tranh của riêng mình mà không suy nghĩ nhiều về những yêu cầu của hai quân chủng còn lại. Hợp tác trong việc lên kế hoạch, học thuyết và hoạt động tác chiến là nói đãi bôi, nhưng sự “hiệp đồng” này phần lớn mang tính khát vọng. Ấn Độ thiếu một người đứng đầu lực lượng quốc phòng theo kiểu của phần lớn các nước.

Chính phủ, luôn nghi ngờ các lực lượng vũ trang, dường như không muốn bất kỳ một lời khuyên nào từ quân đội. Các lãnh đạo quân chủng cũng vậy, khư khư giữ quyền tự trị của riêng họ.
Sự thiếu vắng một văn hóa chiến lược và sự thiếu tin tưởng giữa các bộ do dân sự điều hành với các lực lượng vũ trang đã làm suy yếu hiệu quả của quân đội theo một cách khác – bằng cách góp phần vào một hệ thống mua sắm thậm chí còn hoạt động không đúng chức năng hơn so với của các nước khác. Lĩnh vực công nghiệp quốc phòng, do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng (DRDO) chiếm ưu thế, vẫn kẹt trong sự kiểm soát của nhà nước và quá khứ bảo hộ của đất nước này. Theo một cuộc kiểm toán gần đây của Bộ Quốc phòng, chỉ 29% số sản phẩm được DRDO phát triển trong 17 năm qua đã được đưa vào sử dụng cho các lực lượng vũ trang. Tổ chức này là một điển hình của những thất bại đến muộn và đắt giá.

Chi phí của việc phát triển một loại xe tăng hạng nặng, Arjun, vượt quá những ước tính ban đầu 20 lần. Nhưng theo Ajai Shukla, một cựu sĩ quan hiện viết về quốc phòng cho tờ Business Standard , quân đội muốn trung thành với những chiếc T-72 cũ của Nga và T-90 mới hơn, lo sợ rằng Arjun, cũng như việc quá tải, có thể không đáng tin cậy. Chương trình sản xuất một máy bay tấn công hạng nhẹ để thay thế những chiếc Mirage và MIG-21 thuộc thế hệ cũ hơn đã bắt đầu hơn 25 năm trước. Nhưng kết quả của nó, máy bay Tejas, vẫn chưa được đưa vào sử dụng.

Có những dấu hiệu của sự thay đổi chậm chạp. Những dấu hiệu này bao gồm sự quan tâm tới việc cho phép quan hệ đối tác giữa các công ty quốc phòng tư nhân nhỏ nhưng ngày càng phát triển của Ấn Độ và các công ty nước ngoài, điều có thể khuyến khích chuyển giao công nghệ. Nhưng thỏa thuận mua máy bay Rafale đã gặp khó khăn vì, mặc dù Dassault muốn kết hợp với các công ty tư nhân như Tata hay Reliance, chính phủ muốn công ty này làm việc với HAL tẻ nhạt. Dù vậy, ngay cả nếu Dassault có quyền tự do lựa chọn đối tác, thì điều không rõ là ngành công nghiệp Ấn Độ có thể xử lý khối lượng công việc mà hợp đồng này tìm cách dành cho nó.

Richard Bitzinger, từng là nhà phân tích của RAND Corporation, hiện làm việc tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Xinhgapo, tóm tắt vấn đề trong một nghiên cứu gần đây cho Mạng lưới Quan hệ và An ninh Quốc tế có trụ sở ở Zurich. Ông nói nếu Ấn Độ không chấm dứt nuông chiều tổ hợp quân sự-công nghiệp do nhà nước điều hành hiện tại của mình, thì nước này sẽ không bao giờ có thể cung cấp cho các lực lượng vũ trang của mình trang bị hiện đại mà họ đòi hỏi. Nếu không có một nỗ lực cải cách có sự phối hợp, một phần lớn trong số tiền 200 tỷ USD mà Ấn Độ sắp sửa chi cho vũ khí trong 15 năm tới dường như có thể bị lãng phí.

Hổ và đại bàng

Khoản tiền mà nước này sẽ chi ở nước ngoài cũng mang theo những rủi ro. Các thỏa thuận lớn với nước ngoài dẫn đến tham nhũng. Các cuộc điều tra những cáo buộc hối lộ có thể làm chậm việc chuyển trang bị cần gấp trong nhiều năm. “Vụ bê bối” mới nhất theo kiểu này xoay quanh một đơn đặt hàng máy bay trực thăng trị giá 750 triệu USD từ công ty Finmecanica của Italia. Công ty này phủ nhận bất kỳ hành vi sai trái nào, nhưng thỏa thuận đã bị treo.

Anh, Pháp, Ixraen và trên hết là Nga (nước vẫn chiếm hơn một nửa hàng nhập khẩu quân sự của Ấn Độ), dường như sẵn sàng làm những nước hưởng lợi từ sự thả lỏng sắp tới. Mỹ cũng sẽ có được những hợp đồng lớn. Nhưng bất chấp một thỏa thuận hạt nhân dân sự mang tính sáng kiến năm 2005 và quan hệ ấm lên sau đó, Mỹ vẫn được coi là một đối tác ít tin cậy về chính trị hơn ở Niu Đêli. Sự thiếu tin tưởng này bắt nguồn một phần từ những sự cấm vận vũ khí trước đây, một phần từ sự gần gũi trước đây của Mỹ với Pakixtan, một phần từ những lo ngại của Ấn Độ về việc làm một đối tác cấp thấp trong một mối quan hệ với siêu cường vượt trội của thế giới.

Thế tiến thoái lưỡng nan về việc gần gũi với Mỹ như thế nào đặc biệt gay gắt khi liên quan đến Trung Quốc. Mỹ và Ấn Độ dường như có chung các mục đích. Không nước nào muốn Ấn Độ Dương trở thành một “vùng hồ” của Trung Quốc. Nhưng Ấn Độ không muốn khiến Trung Quốc nghĩ rằng nước này đang kéo bè với Mỹ. Và nước này lo ngại rằng mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi thường lộn xộn, có tầm quan trọng sống còn đến mức, trong một cuộc khủng hoảng, Mỹ sẽ gạt bỏ Ấn Độ thay vì đối đầu với Trung Quốc. Một mệnh lệnh của hải quân Ấn Độ đóng các nguồn cung cấp dầu mỏ sẽ không thể thực hiện được nếu những người bạn Mỹ của nước này nhất định phản đối nó.

Công cuộc tìm kiếm địa vị phù hợp với sức mạnh kinh tế ngày càng tăng của Ấn Độ vẫn bấp bênh và không chắc chắn. Những vấn đề của nước này với Pakixtan không phải là dạng có thể được giải quyết được bằng quân sự. Ông Karnad lập luận rằng Ấn Độ, từ một lập trường về sức mạnh, nên xây dựng quan hệ tốt hơn với Pakixtan thông qua một số hành động đơn phương, chẳng hạn như cắt giảm quy mô các lực lượng vũ trang tập trung trên sa mạc ở Rajasthan và rút các tên lửa tầm ngắn của nước này. Tướng Ashfaq Parvez Kayani, người đứng đầu quân đội Pakixtan, đã tuyên bố chủ nghĩa khủng bố quốc tế là mối nguy hiểm lớn đối với đất nước ông hơn Ấn Độ. Điều đó cũng có thể mang đến một cơ hội.

Sự tự tin của Trung Quốc vào sức mạnh quân sự mới của nước này làm Ấn Độ khó chịu. Nhưng nếu một Trung Quốc hợm hĩnh trong sự phù hoa của mình đang gây khó chịu, thì một Trung Quốc gặp rắc rối về kinh tế hay rối loạn về chính trị và chạy theo dư luận bài ngoại sẽ tồi tệ hơn. Nhật Bản và Hàn Quốc đã có sự bảo đảm bằng những liên minh chính thức với Mỹ. Ấn Độ không có. Nước này đang xây dựng những mối quan hệ mới với các nước láng giềng phía Đông thông qua hợp tác quân sự và các thỏa thuận thương mại. Nhưng nước này miễn cưỡng thành lập hoặc gia nhập các khuôn khổ an ninh thể chế hùng mạnh hơn.

Thay vì một tư duy chiến lược rõ ràng, Ấn Độ dao động, bị cản trở bởi sự thận trọng và tính trì trệ quan liêu của nước này. Biểu tượng của những nhược điểm này là sự miễn cưỡng của Ấn Độ trong việc cải cách một cơ sở công nghiệp quốc phòng vốn lãng phí một lượng tiền khổng lồ, cung cấp cho các lực lượng vũ trang trang bị dưới tiêu chuẩn và để đất nước phụ thuộc vào người nước ngoài trong việc hiện đại hóa quân đội.

Kể từ khi giành độc lập Ấn Độ đã không phải chịu hậu quả của việc có một văn hóa chiến lược yếu kém. Những tham vọng quân sự nhỏ bé đã giúp cho nước này tránh khỏi hầu hết các tình huống khó xử và thay vào đó cho phép nước này tập trung vào những thứ khác. Nhưng khi Trung Quốc tăng cường sức mạnh, những thiếu sót chiến lược của Ấn Độ đang trở thành một trở ngại. Và chúng là một trở ngại cho những giấc mơ của Ấn Độ trở thành một cường quốc thế kỷ 21 thực sự.

Theo The Economist

Văn Cường (gt)