Trong thời gian diễn ra các chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ thường diễn ra theo một kịch bản quen thuộc: Một chính trị gia Mỹ đe dọa sẽ đối đầu với Trung Quốc nếu ông ta giành thắng lợi trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng; sau đó, truyền thông chính thức của Trung Quốc sẽ đưa ra hàng loạt chỉ trích kèm theo những lời mỉa mai; và cuối cùng, Bộ Ngoại giao Trung Quốc sẽ can thiệp bằng cách đưa ra một phản ứng ngoại giao ôn hòa hơn.

Chẳng bao lâu nữa lại tới chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ. Năm nay, trong bối cảnh nước Mỹ đang gặp những vấn đề tài chính nghiêm trọng và sự xuất hiện của cái mà nhiều người gọi là "Thế kỷ của Trung Quốc", các nhà phân tích cho rằng hai nước sẽ có nhiều điều phải tranh cãi hơn là chỉ nói những lời lẽ khoa trương. Theo họ, còn nhiều tháng nữa thì "màn kịch" thực sự mới diễn ra và cuộc khẩu chiến này có thể mang đậm màu sắc dân tộc chủ nghĩa ở cả hai bờ Thái Bình Dương. Tuy nhiên, cuộc khẩu chiến này sẽ được kiểm soát chặt chẽ nhằm tránh làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới mối quan hệ Trung-Mỹ.

Hai cường quốc này bắt đầu cho mùa tranh cử tại Mỹ vào năm tới với những vị trí khác nhau. Hiện tại, Trung Quốc là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, có lực lượng quân đội đang được hiện đại hóa nhanh chóng và đang chứng kiến Mỹ phải vật lộn để khôi phục nền kinh tế. Nhiều quốc gia châu Âu, vốn đang chìm trong cuộc khủng hoảng nợ, có vẻ như không chỉ hướng tới Oasinhtơn mà còn hướng tới cả Bắc Kinh để tìm kiếm sự giúp đỡ. Sun Zhe, chuyên gia về quan hệ Mỹ-Trung tại Viện Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Thanh Hoa (Trung Quốc), nói: "Tôi cho rằng ngày càng có nhiều người Mỹ coi Trung Quốc là mối đe dọa tiềm tàng. Từ quan điểm đó, trong cuộc bầu cử vào năm tới có thể xuất hiện nhiều lời chỉ trích giận dữ hơn và biến Trung Quốc trở thành mục tiêu chính". Sun Zhe nói thêm rằng cả Oasinhtơn và Bắc Kinh có thể sẽ gặp khó khăn trong việc kiểm soát "những lời chỉ trích lẫn nhau trong dư luận ở cả hai nước", làm ảnh hưởng đến cuộc xung đột kinh tế và thương mại giữa hai nước. Đối với Oasinhtơn, câu hỏi đặt ra là liệu các cử tri có gắn những khó khăn về kinh tế với những lời phàn nàn rằng Bắc Kinh đang định giá đồng Nhân dân tệ (NDT) ở mức thấp gây bất lợi đối với thị trường việc làm ở Mỹ hay không.

Chỉ còn hơn một năm nữa là tới cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, các nhân vật chính đã bắt đầu xuất hiện. Trong tháng này, Nghị sĩ Mitt Romney của đảng Cộng hòa đã gọi Trung Quốc là "kẻ gian lận" trong thương mại và cam kết rằng nếu đắc cử tổng thống, ông sẽ áp đạt thuế quan đối với các mặt hàng xuất khẩu của Trung Quốc và gọi Trung Quốc là "nước thao túng tiền tệ" nếu nước này không nhanh chóng thả nổi đồng NDT. Truyền thông nhà nước Trung Quốc đã "phản công" khi hãng thông tấn Tân Hoa Xã gọi nỗ lực dùng "lá bài Trung Quốc" của ông Romney là lố bịch và vô nghĩa. Tờ "Nhân dân Nhật báo" (Trung Quốc) cũng đồng tình với quan điểm này khi nói rằng các chính khách Mỹ vẫn thường dùng thủ đoạn và mánh lới trong các chiến dịch tranh cử. Bộ Ngoại giao Trung Quốc thì đưa ra những lời lẽ mang tính ngoại giao hơn khi nói rằng quan hệ Trung-Mỹ phục vụ lợi ích của cả hai bên.

Kịch bản tương tự đã diễn ra cả trong chiến dịch tranh cử của Bill Clinton năm 1992, của George W. Bush năm 2000 và của Barack Obama năm 2008.

Năm 1992, Bill Clinton đã chỉ trích Tổng thống George Bush (Bush cha) "chiều chuộng những kẻ độc tài ở Bắc Kinh". Tuy nhiên, sau khi đắc cử, ông đã đề ra một chính sách đối với Trung Quốc tương tự như ông Bush, khôi phục vị thế của Trung Quốc là quốc gia được ưa thích nhất.

Trước cuộc bầu cử năm 2000, ông George W. Bush (Bush con) đã chỉ trích việc ông Clinton miêu tả Trung Quốc là "đối tác chiến lược" và nói rằng nên gọi Trung Quốc là "đối thủ cạnh tranh chiến lược" và nên đưa ra các chính sách thương mại cứng rắn hơn. Sau khi lên nắm quyền, ông Bush tuyên bố sẽ "làm tất cả" để bảo vệ Đài Loan, khiến cho Trung Quốc tức giận. Tuy nhiên, sau vụ 11/9, Trung Quốc tham gia cuộc chiến chống khủng bố do Mỹ cầm đầu và quan hệ giữa hai nước bắt đầu ấm lên. Ông Bush đã lên tiếng cảnh báo Tổng thống thiên về độc lập của Đài Loan là Trần Thủy Biển không nên thay đổi hiện trạng.

Năm 2008, ông Obama miêu tả Trung Quốc không phải là bạn, không phải là thù mà là một đối thủ cạnh tranh. Ông cam kết sẽ là một nhà đàm phán cứng rắn và sẽ kiên quyết hành động nếu Trung Quốc thao túng đồng NDT. Tuy nhiên, chính quyền của ông đến bây giờ vẫn chưa chính thức tuyên bố Trung Quốc là nước "thao túng tiền tệ" và ông Obama lại can dự với Trung Quốc.

Hiện chưa rõ quan điểm của ông Romney chỉ đơn giản là một phần của hoạt động chính trị trong chiến dịch tranh cử hay là bước chuyển quan trọng của những người hậu thuẫn ông trong cộng đồng kinh doanh - những người có thể đang yêu cầu một sân trời công bằng hơn ở Trung Quốc. Đây là viễn cảnh có thể làm tăng thêm căng thẳng giữa hai nước.

Còn một câu hỏi chưa có lời giải đáp là liệu những phát biểu hùng hồn trong cuộc tranh cử tổng thống sắp tới có còn giá trị hay không sau khi đã xác định được người giành chiến thắng. Có thể nói qua nhiều năm, chính phủ Trung Quốc đã ngày càng hiểu rõ hơn chu trình của chiến dịch tranh cử ở Mỹ. Tờ "Nhân dân Nhật báo" viết: "Hiện không rõ có phải ban lãnh đạo của Mỹ sẽ làm trệch hướng những chỉ trích của phe Cộng hòa bằng cách đưa ra quan điểm cứng rắn hơn với Trung Quốc hay không. Khi phải đối mặt với những chỉ trích này, chúng ta phải nhạy bén, tập trung vào sự phát triển của riêng mình. Điều này mang lại lợi ích lâu dài cho nhân dân Trung Quốc".

Theo Reuters

Văn Cường (gt)