Giáo sư cho rằng khi gặp Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Nhà Trắng trong tuần này, Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào sẽ tìm cách làm dịu những lo lắng của Mỹ về cách hành xử mới đây của Trung Quốc. Hai năm qua đã chứng kiến sự gia tăng căng thẳng giữa 2 cường quốc Thái Bình Dương này, cũng như giữa Trung Quốc với nhiều nước châu Á láng giềng khác. Ví dụ chỉ riêng trong 12 tháng qua, Bắc Kinh đã:

 

- Che chắn và bảo vệ Bình Nhưỡng khỏi bị tác động của những biện pháp trừng phạt cứng rắn của Liên hợp quốc, bất chấp Bắc Triều Tiên có các hành động vi phạm đạo đức hành xử quốc tế tối thiểu như đánh chìm tàu khu trục Cheonan của Hàn Quốc và nã pháo vào hòn đảo có dân thường của Hàn Quốc ở Hoàng Hải.

- Tăng cường yêu sách đòi chủ quyền toàn bộ Biển Đông bằng tuyên bố coi Biển Đông là lợi ích cốt lõi, giống như Tây Tạng và Đài Loan đối với Trung Quốc và tuyên bố không úp mở rằng Trung Quốc sẵn sàng phát động chiến tranh để đạt được các yêu sách này.

-  Tuyên bố công khai rằng khi đi vào giải quyết các yêu sách lãnh thổ trong khu vực, Trung Quốc là nước lớn còn các nước khác là nước nhỏ và đây là một thực tế.

-  Lần đầu tiên đe dọa trừng phạt các công ty Mỹ tham gia bán vũ khí cho Đài Loan.

- Tiến hành các cuộc tập trận hải quân quy mô phức tạp và lớn chưa từng thấy ở Tây Thái Bình Dương.

-  Công bố chế tạo và triển khai máy bay chiến đấu tàng hình mới.

-  Bắt đầu triển khai tên lửa đạn đạo đất đối hạm mới nhằm vào các tàu sân bay của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương.


Cuộc gặp giữa Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào ở Bắc Kinh tuần trước được coi là thách thức công khai của Trung Quốc đối với Mỹ, trong đó ông Hồ Cẩm Đào tỏ ra ngạc nhiên trước thông tin về máy bay tàng hình của Trung Quốc bay thử nghiệm trùng hợp với chuyến thăm của ông Gates. Các nhà quan sát Trung Quốc giải thích tình huống này theo hai cách. Một là quân đội Trung Quốc chủ động gây bối rối cho vị khách Mỹ mà ban lãnh đạo dân sự Trung Quốc không biết. Hai là ông Hồ Cẩm Đào ngầm để rò rỉ một cách chủ ý và chưa từng thấy về loại máy bay chiến đấu mới của Trung Quốc nhằm gửi thông điệp đến Oasinhtơn rằng Trung Quốc đã có đủ sức mạnh để đẩy Mỹ ra khỏi châu Á. Cho dù kịch bản nào, cuộc thử nghiệm máy bay tàng hình trong dịp Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ thăm Trung Quốc cũng nhất quán với mô hình mới về cách hành xử hung hăng của một Trung Quốc ý thức rõ ràng về sức mạnh quân sự và kinh tế của mình và nhằm tạo thế thượng phong cho ông Hồ Cẩm Đào trong chuyến thăm Nhà nước tới Mỹ trong tuần này. Trong hai năm Tổng thống Obama cầm quyền, Trung Quốc đã tỏ ra không ngần ngại đụng độ hải quân với Mỹ, Inđônêxia và Nhật Bản,
công khai doạ nạt Na Uy khi nước này trao Giải thưởng Nobel Hòa bình cho nhà bất đồng chính kiến Lưu Hiểu Ba, cung cấp ô ngoại giao và hỗ trợ chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên, phát động cuộc tấn công tin học vào hãng tìm kiếm nổi tiếng Google của Mỹ, bỏ tù các nhà kinh doanh nước ngoài với vu khống hoạt động gián điệp. Trung Quốc cũng đòi chủ quyền ở Hoàng Hải và Biển Đông dựa trên những giải thích hết sức vô lý các công ước quốc tế vốn đã có hiệu lực từ lâu.

 
Ông Aaron Friedberg nhấn mạnh tất cả những hành xử hung hăng này của Trung Quốc không gây ngạc nhiên và thực sự đã làm dấy lên những lo ngại khắp châu Á và buộc Mỹ phải phản ứng. Trong chuyến thăm châu Á mới đây, Tổng thống Obama đã tới các thủ đô của Ấn Độ, Inđônêxia, Nhật Bản, Hàn Quốc nhưng loại trừ có chủ ý không đến Bắc Kinh. Các quan chức quốc phòng Mỹ và Nhật Bản đã thông báo kế hoạch dành nhiều nguồn lực để đối phó với sức mạnh quân sự đang lên của Trung Quốc. Mỹ và Hàn Quốc đã tăng cường hợp tác quân sự. Bất chấp lịch sử đầy oán thù, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng xúc tiến những biện pháp nhằm tăng cường hợp tác quân sự và an ninh. Như vậy, những hành động hung hăng của Bắc Kinh đã thúc đẩy phản ứng của nhiều nước, gây khó khăn hơn cho Trung Quốc trong việc đạt được mục tiêu dài hạn là tái lập vị thế của Trung Quốc như một cường quốc chi phối toàn bộ khu vực Đông Á, trong khi chiến dịch “ngoại giao mỉm cười”, vốn đã được thời gian thử thách, có thể hiệu quả hơn. 


Nhiều nhà phân tích phương Tây tìm cách giải thích những hành động mới này của Trung Quốc như là sản phẩm phụ của cuộc chiến chính trị tiến tới kế nhiệm quyền lực ở Trung Quốc vào năm 2012 hoặc là cơn bùng nổ thái độ hiếu chiến của một số nhân vật trong giới quân sự Trung Quốc. Các nhà phân tích này còn cho rằng những cái đầu lạnh hơn ở Trung Nam Hải đã thắng thế và đang tìm cách đưa Trung Quốc trở lại con đường ít hung hăng và ít đối đầu hơn mà nước này đã theo đuổi suốt 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên, theo ông Aaron Friedberg, vấn đề không đơn giản như vậy. Thái độ hung hăng của người Trung Quốc khi họ cảm thấy có sức mạnh là thâm căn cố đế. Các nhà lãnh đạo Trung Quốc có thể bất đồng về các vấn đề chiến thuật và thời điểm, nhưng không thể bất đồng về các vấn đề chiến lược căn bản. Bắc Kinh có thể sẵn sàng rút bỏ những tuyên bố khoa trương ầm ĩ nhưng không bao giờ từ bỏ mục tiêu bá chủ khu vực tiến tới bá chủ toàn cầu. Từ khi bắt đầu cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2008-2009, các nhà chiến lược Trung Quốc đã kết luận rằng Mỹ đang suy tàn, trong khi Trung Quốc đang trỗi dậy nhanh chưa từng thấy. Đây là cơ hội tốt nhất để khuấy lên chủ nghĩa dân tộc Trung Hoa vốn đã hùng mạnh, làm cho nó lan rộng đặc biệt trong thanh thiếu niên để họ hiểu rằng đã đến lúc người Trung Quốc phải đứng dậy để đòi lại vai trò xứng đáng của người Trung Hoa ở châu Á và thế giới, xóa đi những bất công mà họ phải chịu khi đất nước còn yếu.

 
Ông Aaron Friedberg và nhiều nhà phân tích thời sự Mỹ cho rằng nếu những phân tích này là đúng thì 2 năm qua với thái độ hung hăng, không phải Trung Quốc đi trệch hướng mà báo hiệu một điềm xấu cho các nước châu Á và thế giới. Chuyến thăm của ông Hồ Cẩm Đào tới Mỹ vì thế không báo hiệu thời kỳ hợp tác và ổn định mới trong quan hệ Mỹ-Trung mà có thể đánh dấu sự chấm dứt của kỷ nguyên quan hệ tương đối êm dịu giữa Mỹ và Trung Quốc.

Trần Quang

Theo The Wall Street Journal