2015-04-15_091553.jpg

Kỳ họp thứ 5 Hội nghị Đại hội Đại biểu nhân dân toàn quốc (tức Quốc hội) của Trung Quốc đã diễn ra theo đúng kịch bản và trình tự, không có bất kỳ bất ngờ hay sự kiện kịch tính nào. Nhiều người cho rằng đây là dấu hiệu cho thấy Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ siết chặt quyền lực hơn trước Đại hội lần thứ 19 Đảng Cộng sản Trung Quốc dự kiến diễn ra vào cuối năm nay, sự kiện mà nhiều nhân vật thân tín với ông được cho là sẽ bước vào hàng ngũ lãnh đạo.

Tuy nhiên, trong kỳ họp lần này, những nhân vật nhiều khả năng sẽ kế nhiệm trong thời gian tới không xuất hiện, trong khi các phóng viên nước ngoài bị từ chối hoặc hạn chế tham dự và sự kiện kết thúc một cách suôn sẻ, đúng như cách nó bắt đầu. Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị ngày 5/3, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường đã nhấn mạnh ưu tiên hàng đầu là ổn định xã hội và kinh tế, rằng các nhà lãnh đạo đã và đang tập trung giải quyết tình trạng tăng trưởng trì trệ cũng như xây dựng “một bức tường lửa” để đối phó với những nguy cơ tài chính do các khoản cho vay khổng lồ và bong bóng bất động sản.

Tranh cãi, hay những chỉ trích và bàn luận về giới lãnh đạo là điều không có trong năm nay. Phiên họp mở “trên tinh thần thân thiện giữa các đoàn đại biểu nước ngoài” với ban cố vấn Quốc hội, một diễn đàn đã được triển khai trong nhiều năm trước, nơi nhiều người đặt câu hỏi hay phàn nàn về mức chi tiêu quân sự thấp, bình luận về những gương mặt có thể “lên ngôi” cũng không diễn ra. Một nhà ngoại giao cấp cao của phương Tây, hiện đang làm việc tại Bắc Kinh, nhận định: “Chủ tịch Tập Cận Bình không muốn xảy ra những chuyện không mong muốn trước kỳ họp, và ông ấy đã có những chỉ đạo nhất định để đảm bảo sự suôn sẻ này”.

Đại hội được tổ chức 5 năm một lần, sự kiện có thể là nơi bổ nhiệm những gương mặt mới trong hàng ngũ lãnh đạo đảng, trong đó có Ban Thường vụ Bộ Chính trị (PSC) 7 thành viên, là cơ hội để ông Tập Cận Bình thể hiện rõ quyền lực mà ông đã củng cố được trong suốt thời gian từ khi lên nắm quyền năm 2012. Đầu năm 2012, kỳ họp Quốc hội cuối cùng trước khi ông trở thành Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị phủ bóng đen bởi các bê bối tham nhũng, dẫn tới việc Bí thư Tỉnh ủy Trùng Khánh Bạc Hi Lai, người khi đó từng được cho là có khả năng lãnh đạo đất nước, ngã ngựa. Năm nay, đại hội diễn ra trong bối cảnh khá ổn định.

Truyền thông gần đây bị siết chặt để đảm bảo sự trung thành với đường lối của Đảng Cộng sản, trong khi Internet bị kiểm duyệt mạnh tay hơn. Nhiều luật sư về nhân quyền bị đàn áp để răn đe, buộc những tiếng nói mà Chính quyền Trung Quốc cho là phản động phải im lặng. Lực lượng quân đội hùng mạnh cũng nằm trong tầm kiểm soát, với việc Chủ tịch Tập Cận Bình trở thành Tổng Tư lệnh Quân đội Trung Quốc từ năm ngoái, đồng thời tiến hành một chương trình hiện đại hóa tái tổ chức cơ cấu chỉ huy và cắt giảm biên chế tới 300.000 người.

Những chủ đề có thể gây tranh cãi trong Quốc hội, chẳng hạn như các chính sách của Trung Quốc ở Biển Đông, nơi quốc gia này đang xây dựng hàng loạt cấu trúc quân sự trên các hòn đảo nhân tạo, đã bị gạt ra khỏi chương trình nghị sự, ngay cả trong phiên họp thường đề cập tới đề tài này. Trong phiên họp mở với sự tham dự của truyền thông và các đại biểu của tỉnh Hải Nam, giới chức chỉ nhắc đến tuyến đường biển nhiều tranh chấp này khi đề cập tới các chuyến du lịch bằng đường biển tới quần đảo Hoàng Sa. Trong khi diễn đàn này trước đây thường là nơi giới chức nghe và trả lời nhiều câu hỏi từ phóng viên nước ngoài thì năm nay, chỉ có phóng viên của Nga  được đặt câu hỏi. Không chỉ vậy, những câu hỏi về việc thay đổi lãnh đạo trong đại hội Đảng Cộng sản vào mùa Thu năm nay cũng không được nêu lên.

Để tránh làm bùng phát những đồn đoán, Chủ tịch Tập Cận Bình không xuất hiện Ban Thường vụ Bộ Chính trị. Tại các cuộc gặp khác, Chủ tịch Tập Cận Bình chủ yếu dành thời gian để nói về chiến dịch chống tham nhũng mà ông thực hiện 4 năm qua, một yếu tố giúp ông vừa gia tăng sự tín nhiệm trong dân chúng, vừa củng cố quyền lực trong hàng ngũ đảng. Ông nhấn mạnh trước các nhà lập pháp của tỉnh Tứ Xuyên, nơi từng là “lãnh địa” quyền lực của cựu lãnh đạo Bộ Công an Chu Vĩnh Khang: “Hãy siết chặt sự liêm khiết của mình hơn nữa”.

Một yếu tố phản ánh rõ nét nhất việc ông Tập Cận Bình có được bao nhiêu quyền lực trong nhiệm kỳ đầu 5 năm là liệu ông có thể thay đổi điều lệ đảng, và tiếp tục duy trì cương vị cho đồng minh quan trọng, một nhân vật đi đầu trong chiến dịch chống tham nhũng, là ông Vương Kỳ Sơn, trước thời điểm ông này đến tuổi nghỉ hưu hay không. Các kế hoạch cải tổ toàn diện cơ cấu đảng để triệt tiêu nạn tham nhũng, trong đó có việc thành lập Ủy ban Giám sát Quốc gia có nhiệm vụ giám sát hoạt động của mọi quan chức, cho phép Chủ tịch Tập Cận Bình đẩy mạnh hơn nữa các mục tiêu trong sạch đội ngũ mà ông đã đề ra. Phát biểu trước các đại biểu Bắc Kinh, ông Vương Kỳ Sơn - Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Đảng Cộng sản, Bí thư Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương Trung Quốc - nhấn mạnh một thông điệp thể hiện sự trung thành: “Dưới sự lãnh đạo của đảng, chỉ có hai lực lượng lao động duy nhất là đảng và chính phủ, đó không phải là sự phân chia quyền lực…Trong Đảng, chính phủ, quân đội, nhân dân, giới học giả, từ Đông chí Tây, từ Bắc tới Nam, Đảng luôn là người lãnh đạo”.

Chỉ có duy nhất một thông tin đồn đoán về hội nghị vừa qua xuất hiện trên mạng xã hội ngày 15/3. Theo đó, một số người dùng mạng đã cố gắng phân tích bài phát biểu kết thúc hội nghị của Thủ tướng Lý Khắc Cường, cho rằng có thể ông đã không có được sự ủng hộ của Chủ tịch Tập Cận Bình để tiếp tục cương vị này sau Đại hội Đảng vào mùa Thu tới. Trước khi rời khỏi bục phát biểu, Thủ tướng Lý Khắc Cường nói: “Hẹn gặp lại, nếu có cơ hội”.

Theo “Reuters

Nhật Linh (gt)