Về chủ trương chung, ông Campbell cho biết nước Mỹ hiện đang ở trong một tiến trình chuyển hướng quan trọng nhất, đó là sắp đặt lại các ưu tiên trong chính sách đối ngoại, theo đó trong vài ba năm tới, trong lúc vẫn duy trì các trách nhiệm quan trọng ở khu vực Trung Đông và Nam Á, nhưng sẽ chuyển hướng một cách có trách nhiệm các nguồn lực và khả năng của mình từ hai khu vực này sang khu vực châu Á và Đông Á vì "chúng tôi hiểu sâu sắc rằng phần lớn lịch sử của thế kỷ 21 sẽ được viết ra ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương" và rằng "chúng tôi muốn có một chương lớn dành cho sự hiện diện lâu dài và hùng mạnh của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương". Nhìn vào lịch sử nước Mỹ từ sau các cuộc đại chiến thế giới, chiến tranh Triều Tiên và chiến tranh Việt Nam, ông Campbell chỉ rõ một bài học mà nước Mỹ rút ra là "mỗi khi chúng tôi rút lui khỏi nền chính trị toàn cầu để quay về trong nước thì những điều không tốt lành sẽ xảy ra". Ông Campbell khẳng định Mỹ vẫn sẽ đóng một vai trò quan trong ở khu vực Trung Đông và Nam Á, nơi những thay đổi to lớn đang diễn ra hàng ngày, từ cuộc "Cách mạng Hoa Nhài" tới các cuộc xung đột đang diễn ra ở Irắc và Ápganixtan, nhưng "rõ ràng tương lai của nước Mỹ là gắn chặt với châu Á-Thái Bình Dương. Trong vài năm qua, chúng tôi đã làm việc này và tôi hy vọng các Ngoại trưởng và Tổng thống tương lai của Mỹ cũng sẽ tiếp tục con đường này". Trong nội bộ nước Mỹ thường có những tranh cãi về hầu hết các vấn đề, nhưng có một cam kết chung của lưỡng đảng (Cộng hòa và Dân chủ) là nước Mỹ có lợi ích to lớn ở khu vực châu Á. 

Củng cố quan hệ với các đồng minh vẫn là trụ cột. Theo ông Campbell, cơ sở và ưu tiên số 1 để nước Mỹ thúc đẩy các lợi ích của mình ở châu Á là duy trì mối quan hệ an ninh hùng mạnh với các đồng minh hoặc đối tác chính trị như với Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Philíppin, Ôxtrâylia và Xinhgapo. Mỹ sẽ có những bước đi trong năm tới để bảo đảm việc xây dựng mối quan hệ đầy sức sống và đặc biệt với Thái Lan cho tương xứng và đủ sức đối phó với những thách thức của thế kỷ 21. "Chúng tôi tin tưởng rằng các mối quan hệ này sẽ là trung tâm cho một thế kỷ theo đuổi mục tiêu của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Chúng ta không đơn giản chỉ duy trì những gì hiện có. Cấu trúc của châu Á, xét ở phạm vi các mối quan hệ tay đôi của chúng tôi, cần phải nâng cấp thường xuyên để đáp ứng các thách thức mới mà chúng ta đang phải đương đầu". 

Tiếp tục mở rộng quan hệ với các nước trong khu vực. Trong lúc tiếp tục tìm cách củng cố và nâng cấp các mối quan hệ đồng minh trên đây, ông Campbell cho biết nước Mỹ "cũng nhận thức đầy đủ rằng chúng tôi cần phải mở rộng" quan hệ với các đối tác khác trong khu vực. Tổng thống Barack Obama có một phần tuổi trẻ tốt đẹp ở Inđônêxia và điều đó tạo ra những cơ hội lớn có một không hai để "phát triển mối quan hệ toàn diện và ngày càng gần gũi với Inđônêxia". Ấn Độ là quốc gia đang ngày càng hướng tới khu vực châu Á-Thái Bình Dương và "chúng tôi tin tưởng rằng chính sách Hướng Đông của chính phủ hiện nay ở Ấn Độ là một trong những đóng góp quan trọng nhất mà cường quốc Nam Á này đang nỗ lực nhằm thúc đẩy thương mại và sự phồn vinh toàn cầu. Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ để bảo đảm rằng khi họ tăng cường các mối quan hệ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương thì chúng ta nên làm theo cách xây dựng sự tin cậy lẫn nhau". Mỹ đã và đang nỗ lực tìm cách khuyến khích Ấn Độ tham gia "cái mà chúng ta có thể gọi là 'các cuộc tiếp xúc nhỏ bên lề. Chúng tôi sẽ tìm kiếm các cuộc thảo luận giữa Mỹ, Ấn Độ và Nhật Bản. Chúng tôi cũng đã bắt đầu các bàn thảo về cách thức thúc đẩy các cuộc đối thoại quan trọng giữa Mỹ, Ấn Độ và Trung Quốc, ba cường quốc lớn đang nổi lên của khu vực châu Á-Thái Bình Dương và không chỉ dừng ở đó". Trên thực tế, theo ông Campbell, mọi quốc gia ở châu Á đều đang can dự vào hàng loạt các cuộc tiếp xúc chiến lược sâu rộng với Mỹ. Malaixia và Niu Dilân - quốc gia mà Mỹ có rất ít liên hệ về quân sự và chiến lược trong 25 năm qua - giờ đây cũng đang trong thời kỳ phục hưng quan hệ với Oasinhtơn. 

Bên cạnh các mối quan hệ quan trọng này, theo ông Kurt Campbell: "Rõ ràng việc Mỹ và Trung Quốc hợp tác với nhau trong thế kỷ 21 cũng là điều quan trọng sống còn. Đây là mối quan hệ nằm trong những mối quan hệ quan trọng nhất và chúng tôi dành rất nhiều thời gian về các vấn đề kinh tế, chính trị, văn hóa và chiến lược. Tôi đơn giản có thể nói rằng dường như ở mọi cấp, chúng tôi đều đã bắt đầu xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ hơn, toàn diện hơn và tích cực hơn giữa Mỹ và Trung Quốc. Chúng tôi hoàn toàn thừa nhận đây là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất mà Mỹ chưa bao giờ có với bất kỳ quốc gia nào và chúng tôi sẽ có những nỗ lực lớn để bảo đảm một chương trình hướng tới tương lai" trong quan hệ giữa hai nước. Sau chặng dừng chân ở Thái Lan "tôi sẽ sang Bắc Kinh để gặp đồng nghiệp, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Thôi Thiên Khải cho cái mà chúng tôi gọi là 'Tham vấn về châu Á-Thái Bình Dương'. Đây là một phần trong tiến trình làm sâu sắc hơn sự hiểu biết lẫn nhau giữa hai nước trên các vấn đề quan trọng như các diễn biến trên bán đảo Triều Tiên, tình hình ở khu vực Đông Nam Á.... Mọi khía cạnh của an ninh châu Á gồm an ninh, chính trị và kinh tế đều sẽ được thảo luận. Chúng tôi đang tìm kiếm các lĩnh vực mà ở đó Mỹ và Trung Quốc có thể hợp tác với nhau một cách có hiệu quả, và cũng là để nhận dạng những lĩnh vực, vấn đề mà ở đó hai bên không tin tưởng lẫn nhau dẫn tới dễ hiểu lầm nhau và có những đánh giá sai lầm về nhau. Mỹ và Trung Quốc đang tập trung nỗ lực tìm cách ngăn chặn sự leo thang của những biến cố và những diễn biến có thể đe dọa mối quan hệ rộng lớn hơn giữa hai cường quốc này. Do vậy, tôi muốn nhấn mạnh rằng Mỹ cam kết mạnh mẽ với việc bảo đảm và duy trì một mối quan hệ đối tác tiến bộ hơn giữa Bắc Kinh và Oasinhtơn".

Bên cạnh các mối quan hệ chính trị và chiến lược này, ông Campbell cho rằng một trong những điều quan trọng nhất mà khu vực châu Á-Thái Bình Dương nhìn vào Mỹ, đó là việc "chúng tôi sẽ tiếp tục đóng vai trò là một đối tác lạc quan, mở cửa về buôn bán và kinh tế trong khu vực. Vừa qua có một sự kiện nhấn mạnh cam kết của Mỹ trong lĩnh vực này, đó là việc Tổng thống Barack Obama đệ trình lên Quốc hội 3 bản hiệp định thương mại quan trọng. Chúng tôi hy vọng bản hiệp định thương mại quan trọng nhất mà Mỹ kiên trì đàm phán nhiều thập kỷ qua sẽ được Quốc hội phê chuẩn trước khi Tổng thống Hàn Quốc Li Miêng Pắc tới thăm Mỹ". Ngoài ra, ông Kurt Campbell cũng bày tỏ hy vọng APEC sẽ có những nỗ lực to lớn hướng tới việc ký kết một hiệp định khung giữa tất cả các đối tác quan trọng trong cái gọi là Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chúng tôi coi đây là một hiệp định buôn bán quan trọng của thế kỷ 21 với những tiềm năng to lớn cho khu vực và cho các quốc gia tham gia trong tổ chức chung này... Ngoài sự can dự về chiến lược và kinh tế, theo ông Campbell, Mỹ cũng nhìn rõ một điểm quan trọng "mà các nước chủ nhà thường hay nhấn mạnh trong vài năm qua đó là sự thiếu vắng các thiết chế sâu rộng ở châu Á. Khu vực này có một số thiết chế quan trọng, nhưng đến nay vẫn chưa tìm được cơ sở và tiếng nói đầy đủ trên một số vấn đề an ninh, chính trị và kinh tế quan trọng. Năm ngoái, chúng tôi cảm thấy rất vinh dự khi Mỹ được mời tham dự Hội nghị cấp cao Đông Á (EAS). Sau Hội nghị cấp cao APEC tại Honolulu đầu tháng 11 tới, Tổng thống Barack Obama sẽ tới Bali (Inđônêxia) để gặp các nhà lãnh đạo khác của Hội nghị cấp cao Đông Á. Chúng tôi sẽ nỗ lực để giúp xây dựng các thiết chế của châu Á trong thế kỷ 21 và hiện đã có một số thiết chế như vậy, trong đó có “G-20" mà theo ông Campbell "Chính quyền Bush và Chính quyền Obama đã có công chuyển từ G-8, một cấu trúc chủ yếu gồm các nước châu Âu thành G-20 với hơn nửa thành viên là từ châu Á". Ông Kurt Campbell khẳng định Mỹ sẽ tham gia EAS, bắt đầu đóng một vai trò lớn trong Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF), một diễn đàn mà tại cuộc họp mới đây đã trở thành nơi quan trọng cho các cuộc thảo luận về các vấn đề quan trọng như an ninh hàng hải. Ông Campbell cho biết tại hội nghị EAS sắp tới ở Bali , Tổng thống Obama cũng sẽ chủ trì Hội nghị các nhà lãnh đạo Mỹ-ASEAN lần thứ 3. Tại cuộc gặp này, Mỹ sẽ tìm cách thúc đẩy một số sáng kiến mới quan trọng. Mỹ đang hợp tác với một số nước và "chúng tôi sẽ cử một số lượng lớn các giảng viên tiếng Anh sang khắp khu vực Đông Nam Á để thúc đẩy việc dạy tiếng Anh. Chúng tôi cũng đang hỗ trợ cái mà chúng tôi gọi là Sáng kiến Tiểu vùng sông Mêcông. Mêcông là một trong những con sông lớn của thế giới và nó đang bị nhiều thách thức về mặt môi trường... Chúng tôi đang hợp tác chặt chẽ với một số nước, các thể chế toàn cầu và các tổ chức tài chính quốc tế nhằm hỗ trợ việc cải thiện điều kiện y tế, sức khỏe cũng như sự hiểu biết về tầm quan trọng của dòng sông Mêcông". 

Ngoài những vấn đề trên, Mỹ cũng muốn duy trì một trong những đóng góp quan trọng nhất đối với khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đó là sự hiện diện về an ninh mà theo ông Campbell, xét ở nhiều góc độ, trong ít nhất 40 hoặc 50 năm qua nhờ có "sự hiện diện đầy đủ của Mỹ, chúng ta đã và đang chứng kiến những tiến bộ đáng chú ý về kinh tế và chính trị trong khu vực. Chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực này và đa dạng hóa nó. Do vậy, các bạn sẽ chứng kiến những nỗ lực của Mỹ trong vài tháng tới và vài năm tới nhằm đa dạng hóa khả năng của mình từ một số lượng nhỏ các căn cứ của mình ở khu vực Đông Bắc Á thành một loạt các dàn xếp dưới nhiều hình thức khác nhau ở khắp khu vực Đông Nam Á cùng với Ôxtrâylia". 

Nói về tình hình Mianma sau khi chính quyền dân sự ở nước này ngỏ ý muốn có hòa bình với tổ chức "Quân đội nhà nước Wa thống nhất" mà Mỹ liệt kê vào danh sách buôn bán ma túy, ông Campbell cho biết, cách đây 2 năm, sau khi cân nhắc kỹ lưỡng, Mỹ đã quyết định tìm hướng tiếp cận mới về ngoại giao với Mianma. Mỹ đã có một số cuộc gặp gỡ với chính quyền quân sự trước đây và chính phủ hiện nay. Mặc dù rõ ràng đang có những diễn biến đáng chú ý ở Mianma, nhưng Mỹ cho rằng Mianma vẫn còn nhiều việc phải làm như thả các tù chính trị và tiến hành đối thoại giữa chính phủ với các nhóm sắc tộc khác nhau ở trong nước. Ông Campbell tuyên bố "Mỹ theo dõi chặt chẽ các diễn biến tình hình ở Mianma và cũng đã sẵn sàng cho một chương mới trong quan hệ giữa hai nước". 

Về câu hỏi rằng "Ngài nghĩ thế nào về tương lai của Biển Đông - một điểm nóng trong chương trình nghị sự của các cuộc họp gần đây của khu vực - khi trên bản đồ của Trung Quốc, nó đã trở thành một cái hồ của nước này”, ông Kurt Campbell chỉ rõ một sự thừa nhận rộng rãi ở khu vực châu Á rằng sự phồn thịnh của khu vực này là dựa vào an ninh hàng hải và quyền tự do hàng hải phải được tôn trọng. Ông Campbell cho biết Mỹ đã nói rõ lợi ích quốc gia của Mỹ trong vấn đề này là quyết tâm duy trì hòa bình và ổn định. Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã bày tỏ hoan nghênh tiến trình ngoại giao cho tới nay giữa Trung Quốc và ASEAN và "chúng tôi cho rằng đây là một bước đi quan trọng và muốn nó được tiếp tục". Ông Campbell cho biết hiện đang có một số cuộc hội thảo và tiếp xúc trong khu vực mà Mỹ cho là "quan trọng, xét ở góc độ cải thiện thông tin và, nếu có thể, loại bỏ các khả năng xảy ra những tính toán sai lầm". Ông Campbell thừa nhận "có những vấn đề tồn tại lâu dài. Vấn đề liên quan tới chủ quyền cần phải được giải quyết bằng những tiêu chuẩn đã được thiết lập một cách thận trọng trong luật biển. Mỹ không phải là một bên tranh chấp, do vậy, chúng tôi không đứng về một bên cụ thể nào. Mối quan tâm chủ yếu của chúng tôi là cách thức các vấn đề này được thảo luận như thế nào. Chúng tôi nhấn mạnh rằng chúng phải được giải quyết không phải bằng cưỡng ép hoặc đe dọa. Chúng tôi hoan nghênh một tiến trình ngoại giao nhấn mạnh cam kết lớn hơn rằng tất cả các nước châu Á-Thái Bình Dương đều có trách nhiệm duy trì hòa bình và ổn định".

Về câu hỏi rằng Mỹ hy vọng gì từ hội nghị EAS sắp tới tại Bali; Mỹ muốn xây dựng một thể chế như thế nào cho sự hợp tác ở khu vực Đông Á và liệu Mỹ có sáng kiến lớn nào đưa ra tại hội nghị EAS mà lần đầu tiên Mỹ tham gia hay không, ông Kurt Campbell cho biết một trong những việc quan trọng nhất mà Mỹ đã làm là Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã ký Hiệp ước hợp tác và thân thiện Đông Nam Á, cho phép Mỹ can dự thực chất hơn với ASEAN và "chúng tôi cũng thừa nhận là ASEAN là trụ cột trong những phát triển quan trọng nhất và trong việc xây dựng các thiết chế ở châu Á. Chúng tôi ủng hộ việc này... Các bạn cũng sẽ nhận ra rằng trong những năm gần đây quốc gia đầu tiên cử Đại sứ thường trực bên cạnh ASEAN ở Giacácta là Mỹ. Tôi cho rằng nỗ lực thiết lập một Ban thư ký hoạt động hiệu quả là một thành tố quan trọng nhằm đặt nền móng vững chắc cho việc xây dựng một thể chế... 

Về quan hệ Mỹ-Lào, ông Kurt Campbell cho biết một trong những chuyến công du tốt đẹp nhất mà ông có cơ hội trên cương vị Trợ lý Ngoại trưởng, đó là chuyến viếng thăm Lào để tiến hành đối thoại chiến lược mới giữa Chính phủ Lào và Mỹ, "chúng tôi cũng đã có chuyến thăm đáp lễ và hy vọng trong những tháng tới sẽ có thêm cơ hội ngồi lại với các đối tác Lào. Có nhiều lĩnh vực chúng tôi đang hợp tác với nhau như y tế, rà phá bom mìn, giao lưu văn hóa, giáo dục. Sinh viên Lào và sỹ quan quân đội Lào đã có cơ hội học tập và nghiên cứu tại Trung tâm châu Á-Thái Bình Dương ở Hawaii và chúng tôi vẫn đang tìm kiếm các khu vực để mở rộng hợp tác giữa hai nước..."./.

Theo Bộ Ngoại giao Mỹ

Văn Cường (gt)