Về lĩnh vực kinh tế, sự nguội lại của Trung Quốc sẽ duy trì lạm phát ở mức thấp do nhu cầu về các loại nguyên liệu giảm, đẩy giá các sản phẩm như đồng, dầu mỏ, sắt thép sử dụng trong nghành chế tạo ô tô, công nghiệp điện tử và các ngành sản xuất hàng tiêu dùng khác tiếp tục giảm, các nhà kinh tế bình luận.

Nếu Trung Quốc tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế của họ hướng tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ như mục tiêu hiện nay của Chính phủ, sẽ tạo nhiều thuận lợi cho các tập đoàn và doanh nghiệp Mỹ hoạt động trong lĩnh vực phần mềm (Software), công nghiệp giải trí nhiều cơ hội đẩy mạnh kinh doanh tại thị trường đầy tiềm năng này và đồng thời cũng giúp giảm thiểu sự bành trướng quá mức sản xuất của các ngành công nghiệp Trung Quốc.

Một nhân tố khác cũng sẽ tạo nhiều thuận lợi cho Mỹ đó là việc tăng độ hấp dẫn đối với đầu tư vào Hoa Kỳ khi lợi nhuận đầu tư tại Trung Quốc giảm nhưng lại tăng ở Mỹ.

Mặt khác nhiều sinh viên Trung Quốc đang theo học tại các trường đại học của Mỹ, đặc biệt là những sinh viên xuất sắc nhất có thể lựa chọn ở lại làm việc, nếu triển vọng kinh tế Trung Quốc trở nên ít sáng sủa hơn.

Trong phạm vi địa chính trị, một sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế Trung Quốc sẽ làm chậm lại nhiều năm thời điểm Trung Quốc có thể vượt Mỹ để trở thành nền kinh tế số 1 thế giới. Một số nhà phân tích dự đoán rằng Trung Quốc có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất hành tinh vào năm 2030. Điêu này sẽ làm suy yếu khát vọng của Trung Quốc mong muốn trở thành bá chủ kinh tế thế giới trong ngắn hạn và có thể dẫn tới chôn vùi mô hình phát triển kiểu Trung Quốc trong đó, Nhà nước đóng một vai trò then chốt của nền kinh tế. Ngược lại tầm nhìn của Mỹ về tăng trưởng lại dựa trên sự sáng tạo, khả năng lập nghiệp, tự do cạnh tranh và sự can thiệp ở mức tối thiểu của chính quyền sẽ cho phép tạo ra nhiều động lực mới cho tăng trưởng.

Các vấn đề kinh tế của người khổng lồ châu Á có thể dẫn tới làm thay đổi sự cân bằng năng lực trong các cuộc đàm phán song phương và đa phương có lợi cho Mỹ khi sự phục hồi kinh tế của Hoa kỳ tiếp tục được thúc đẩy mạnh mẽ hơn, nhà kinh tế của trường đại học Cornell và cựu chuyên gia về Trung Quốc của FMI Eswar Prasad bình luận, phái đoàn của Mỹ đến dự họp các bộ trưởng tài chính G-20 vừa qua đã tỏ ra có tiếng nói mạnh mẽ hơn so với đoàn của Trung Quốc.

Sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc là rất quan trọng đối với nhiều nước, trong đó đặc biệt là đối với các nước láng giềng châu Á phụ thuộc nhiều vào buôn bán với người khổng lồ này, cũng như các nước xuất khẩu nguyên liệu của Mỹ La Tinh và châu Phi.

Moody’s Analistics dự tính nếu GDP Trung Quốc giảm 1% thì tăng trưởng GDP toàn cầu sẽ giảm 0,5%.

Thế nhưng, kinh tế Mỹ lại không phụ thuộc nhiều vào Trung Quốc. xuất khẩu của Hoa Kỳ sang nước châu Á này chỉ chiếm 1% tổng GDP, trong lúc đó, đầu tư trực tiếp của Trung Quốc vào Mỹ chỉ chiếm gần 1% trong tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Hoa Kỳ.

Các lợi thế có thế có từ việc kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đối với Mỹ đang dấy lên nhiều chỉ trích tại Bắc Kinh. Yao Yudong, nhà nghiên cứu của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc cho biết sự chao đảo gần đây trên các thị trường chứng khoán chủ yếu là do các kế hoạch của FED liên quan đến tăng trưởng lãi suất trong ngắn hạn chứ không phải do kinh tế Trung Quốc nguội lại.

Quy mô các lợi thế mà Hoa Kỳ có thể dành được phụ thuộc vào việc Trung Quốc sẽ phản ứng như thế nào đối với các vấn đề của họ.

Một sự chuyển đổi quan trọng sang nền kinh tế dựa vào tiêu thụ nội địa đồi hỏi Trung Quốc phải thu hẹp các chướng ngại cản trở dòng người nhập cư đến sinh sống ở các thành phố lớn, củng cố mạng lưới bảo hiểm xã hội vốn rất yếu hiện nay để cho các công dân không cảm thấy cần thiết phải tiết kiệm nhiều, cũng như việc giảm thiếu phần lớn sự giám sát của Nhà nước đối với các ngân hàng, và một số thay đổi khác mà các chính quyền địa phương các tỉnh, các đặc khu và doanh nghiệp nhà nước khuyến nghị.

Các cải cách đó sẽ tạo ra rất nhiều cơ hội lớn cho các ngân hàng tầm cỡ, các hãng bảo hiểm, các công ty dịch vụ y tế, Internet và ngành công nghiệp giải trí của Mỹ mở rộng kinh doanh của họ tại Trung Quốc.

Các thay đổi trong mô hình tăng trưởng cũng sẽ làm giảm tầm quan trọng đối với ngành công nghiệp truyền thống như sản xuất thép, lốp ô tô mà Trung Quốc đang dư thừa công suất và xuất khẩu phần lớn các sản phẩm của họ làm dấy lên các cuộc tranh chấp thương mại trên bình diện toàn cầu.

Tuy nhiên kể cả việc nếu Trung Quốc không tiếp tục thực thi các cải cách mà tiếp tục các chính sách đẩy mạnh xuất khẩu thì cũng ít có khả năng gây nguy hại cho Mỹ.

Nếu Trung Quốc có ý định bành trướng ngành công nghiệp của họ thì sẽ giống như Nhật Bản vào những năm 90 của thế kỷ trước dẫn tới làm yếu đi năng lực tăng trưởng và các khoản nợ đã tăng lên để duy trì sự tồn tại của các công ty và lúc đó phải có một chiến lược công nghiệp để kéo nền kinh tế ra khỏi suy thoái.

Ngoài ra cũng không loại trừ khả năng kinh tế suy giảm mạnh sẽ nẩy sinh ý đồ trong nội bộ cầm quyền triển khai một số hành động quân sự phiêu lưu ở nước ngoài để duy trì sự ủng hộ của dân chúng.

Kể cả trong trường hợp như vậy, sự giảm tốc của Trung Quốc cũng sẽ có lợi cho Mỹ vì khi tăng trưởng chi phí quân sự lên đến 10%/năm trong khi GDP tăng 7% sẽ khác với việc tiếp tục duy trì chi tiêu quốc phòng ở mức đó nhung GDP chỉ tăng 4%, sẽ dẫn tới ngân sách cho phát triển sẽ bị thu hẹp nhiều và các thách thức từ phía Trung Quốc đối với sự thống trị của Mỹ cũng sẽ bị suy giảm theo.

Theo The Wall Street Journal

Trần Quang (gt)