Tin tức về nền kinh tế Nga tiếp tục xấu đi. IMF dự báo GDP của nước này sẽ giảm khoảng 3% vào năm 2015. Các nhà dự báo khác lo sợ rằng cuộc suy thoái sẽ còn tồi tệ hơn. Trong khi đó, ngân hàng trung ương Nga đã thừa nhận rằng lạm phát có thể lên tới 15% trong năm nay. Tình trạng thất nghiệp cũng gia tăng. Điện Kremlin đã chi 100 tỷ USD – khoảng 1/5 ngân sách dự trữ - để chống lại cuộc khủng hoảng. Hiện tại, Moskva đang tìm cách phân bổ các chi phí của cuộc suy thoái, xác định ai sẽ thanh toán thông qua các khoản thuế cao hơn hoặc phúc lợi thấp hơn. Đối mặt với sự sụp đổ của đồng ruble, các nhóm doanh nghiệp đang yêu cầu cứu trợ tài chính và có vẻ như đang thành công. Điện Kremlin đang thông qua một chiến lược thắt lưng buộc bụng, bao gồm cắt giảm mạnh mẽ ngân sách và có lẽ sẽ cắt giảm cả trợ cấp lương hưu. Do sự cầm quyền của Putin được căn cứ vào việc mức sống tăng một cách đều đặn, phản ứng của Chính phủ Nga với cuộc khủng hoảng có nguy cơ làm suy yếu những nền tảng của tính hợp pháp của chính mình. 

Nguyên nhân và hậu quả của cuộc suy thoái ở Nga 

Giá dầu giảm 50% trong nửa cuối năm 2014, và mặc dù gần đây nó đã phần nào phục hồi – đạt 60$/thùng – doanh thu xuất khẩu năng lượng suy giảm là nguyên nhân chính kéo nền kinh tế Nga đi xuống. Thực vậy, vấn đề không phải chỉ nằm ở dầu: giá khí đốt Nga bán cho châu Âu, gắn với giá dầu theo hợp đồng, sẽ giảm khoảng 1/3 vào năm 2015. 

Nếu giá năng lượng thấp là cú đòn duy nhất vào nền kinh tế Nga, sẽ rất đau đớn nhưng đó không phải một cú đo ván. Tuy nhiên, hậu quả kinh tế của việc doanh thu xuất khẩu giảm bị làm tồi tệ thêm bởi chính sách đối ngoại mở rộng – và tốn kém - của Điện Kremlin. Bản thân việc triển khai binh lính Nga tới Ukraine là một nhiệm vụ tốn kém, tuy nhiên các biện pháp trừng phạt của phương Tây mà cuộc chiến này gây ra đã chứng tỏ nó sẽ còn gây suy yếu hơn nữa. Nhiều công ty lớn của Nga, từ tập đoàn dầu mỏ quốc doanh Rosneft cho đến những ngân hàng như VTB, cũng phải đối mặt với những hạn chế trong việc huy động vốn tại thị trường Mỹ và châu Âu. Hầu hết các doanh nghiệp lớn nhất của Nga đã phải dựa vào các nhà đầu tư phương Tây về vốn, và nhiều công ty có những khoản nợ hàng tỷ USD mà họ đang phải vật lộn để tái tài trợ. 

Sự kết hợp của những yếu tố trên sẽ đẩy Nga vào một cuộc suy thoái đầy đau đớn vào năm 2015 và có lẽ còn xa hơn nữa. Phản ứng của Điện Kremlin cho đến nay vẫn là phân phối lại gánh nặng của cuộc suy thoái mà không giải quyết những nguyên nhân cơ bản của nó. Tất nhiên sự phụ thuộc của nước này vào xuất khẩu năng lượng không thể bị loại bỏ trong một sớm một chiều, nhưng ông Putin đã quyết định chịu đựng các lệnh trừng phạt của phương Tây thay vì rút quân ra khỏi Ukraine. 

Để bảo toàn quyền tự do hành động của mình trong ngắn hạn, Putin đã thực hiện những bước để chống đỡ cho ngân sách chính phủ bằng cách để đồng ruble mất giá mạnh so với đồng USD. Điều này đã chuyển chi phí sang những doanh nghiệp với các khoản nợ ngoại tệ và sang người tiêu dùng, những đối tượng nhập khẩu các loại hàng hóa hiện tốn kém hơn nhiều theo giá đồng ruble. Tuy nhiên sự mất giá của đồng ruble chỉ là bước mở màn trong ván cờ dài hạn mà sẽ phân bổ các chi phí của cuộc suy thoái. Ai đó cuối cùng sẽ phải trả hóa đơn đến hạn. Xét mức nợ thấp của mình, chính phủ Nga có khả năng nhất định trong việc vay vốn từ các thị trường quốc tế, nhưng sự kết hợp giữa chiến tranh và giá dầu thấp đã khiến các nhà đầu tư nước ngoài trở nên khó thuyết phục. S&P, một cơ quan xếp hạng tín nhiệm, gần đây đã giáng cấp Nga xuống mức ít giá trị. Trừ phi giá dầu phục hồi nhanh chóng, chi tiêu sẽ cần phải bị cắt giảm, hoặc bởi chính phủ và các doanh nghiệp, hoặc bởi người dân. Những kẻ môi giới quyền lực ở Moskva hiện đang dùng thủ đoạn đối với các khoản ngân sách và các gói cứu trợ tài chính, khi mỗi nhóm đang tìm cách để ép các nhóm khác chịu gánh nặng chủ yếu của cuộc suy thoái ở Nga. 

Đối phó với phí tổn của các biện pháp trừng phạt 

Cách dễ dàng nhất để đối phó với cuộc suy thoái sẽ là loại bỏ một số nhân tố đang khiến cho nền kinh tế Nga phải co lại – trên hết, là các biện pháp trừng phạt về kinh tế của phương Tây. Các lệnh trừng phạt không chỉ gạt bỏ nhiều trong số các doanh nghiệp lớn nhất của Nga ra khỏi thị trường tài chính phương Tây, sự đe dọa trừng phạt hơn nữa đã buộc chính phủ và nhiều công ty tìm kiếm các nhà cung cấp thay thế để tránh nguy cơ các lệnh trừng phạt nặng nề hơn. Kommersant, một tờ báo hàng đầu, đã đưa tin rằng Chính phủ Nga đang cân nhắc lệnh cấm nhập khẩu nhiều loại máy móc, một phần như một cách để xoa dịu các ngành công nghiệp trong nước, nhưng một phần để chuẩn bị cho việc mở rộng các biện pháp trừng phạt. Các công ty tư nhân cũng bị buộc phải tự mình hành động. Chẳng hạn như Gazprom đang tìm kiếm những nguồn cung cấp mới cho 2,5 tỷ USD chi tiêu đầu tư hàng năm của mình, thay thế các nhóm công nghiệp phương Tây như Siemens và Caterpillar bằng những đối tác đến từ Belarus, Israel, Ấn Độ và những nước sẽ không tham gia các lệnh trừng phạt có khả năng xảy ra trong tương lai. Động thái như vậy có thể bảo vệ Gazprom khỏi các lệnh trừng phạt, nhưng nó cũng sẽ làm tăng chi phí của công ty – một hậu quả sâu xa hơn của cuộc chiến tranh Ukraine. 

Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn gần đây ở Minsk, Điện Kremlin có vẻ như sẽ không đưa ra kiểu nhượng bộ mà sẽ khiến Đức hoặc Mỹ cân nhắc việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt. Điều này đã không ngăn Moskva tìm kiếm các cách để khiến chính sách về Ukraine của nó ít tốn kém hơn. Một trong những điều khoản ít được chú ý nhất trong thỏa thuận Minsk là lời kêu gọi “một sự khôi phục hoàn toàn các kết nối xã hội và kinh tế, bao gồm các chuyển giao xã hội như thanh toán lương hưu và các khoản thanh toán khác” giữa Donbass và phần còn lại của Ukraine. 

Chính phủ Ukraine trước đó đã thực hiện các biện pháp cô lập những vùng lãnh thổ bị chiếm đóng với nền kinh tế và hệ thống tài chính của Ukraine. Kiev cấm trả lương hưu cho những khu vực bị chiếm đóng, chính thức với lý do là quân ly khai do Nga hỗ trợ có thể chiếm giữ các khoản lương hưu để tài trợ cho nỗ lực chiến tranh của họ. Điều này thể hiện những rủi ro về tài chính nghiêm trọng đối với Nga, vì nó đã mở ra khả năng rằng Moskva sẽ buộc phải tài trợ cho quân ly khai Donbass vô thời hạn. Tại các cuộc hội đàm ở Minsk, Moskva khăng khăng đòi nối lại quan hệ kinh tế giữa Donbass và phần còn lại của Ukraine, một phần để chuyển gánh nặng tài chính trở lại cho Chính phủ Ukraine. Điều này cho thấy Điện Kremlin không phải không ý thức được những chi phí đang không ngừng gia tăng của nỗ lực thực hiện chiến tranh của mình, và sẽ tìm cách để tiết kiệm khi có thể. Nhưng cho đến nay ông Putin có vẻ sẵn sàng chịu đựng gánh nặng từ những lệnh trừng phạt của phương Tây nhằm đạt được mục đích của mình ở Ukraine. 

Cứu trợ tài chính doanh nghiệp 

Phản ứng của Moskva trước cuộc khủng hoảng kinh tế đã bao gồm việc cứu trợ tài chính cho những tập đoàn có ảnh hưởng về chính trị. Một số gói cứu trợ tài chính là không thể tránh khỏi, do sự mất giá của đồng ruble đặt áp lực nặng nề lên các công ty có thu nhập bằng đồng ruble nhưng nợ bằng đồng USD. Chẳng hạn như nhiều ngân hàng của Nga phải đối mặt với tình trạng không có khả năng thanh toán khi các khoản nợ xấu sinh sôi và nợ đồng USD ngày càng không có khả năng trả. Cũng như các nước phương Tây sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Nga cũng có những ngân hàng “quá lớn tới mức không thể sụp đổ”. Những ngân hàng này sẽ nhận bất cứ hỗ trợ nào từ chính phủ mà họ cần để đảm bảo họ không sụp đổ và gây nguy hiểm cho hệ thống tài chính rộng lớn hơn của Nga trong quá trình này. 

Moskva đang đứng giữa một cuộc tranh luận về việc các doanh nghiệp nào khác cần nhận cứu trợ tài chính. Không chỉ ngân hàng đang phải chịu áp lực về tài chính. Các ngành công nghiệp lớn và các công ty hóa dầu cũng đã tìm kiếm viện trợ của nhà nước, và một số đã nhận được sự giúp đỡ. Chẳng hạn như công ty đường sắt Nga đã hưởng lợi từ một thỏa thuận trong đó một quỹ tiết kiệm nhà nước đã đầu tư vào ngân hàng nhà nước VTB, mà đến lượt nó cho vay tiền, có lẽ với lãi suất thấp hơn mức thị trường, để tài trợ cho chương trình đầu tư dài hạn của công ty đường sắt Nga. Liệu những khoản vay này có thực sự được trả không còn chưa rõ. Thậm chí gây tranh cãi hơn là khoản cứu trợ tài chính cửa sau của Rosneft, công ty dầu khí nhà nước đang ì ạch gánh một khoản nợ khổng lồ tính bằng USD. Vào tháng 12/2014, Rosneft nhận được sự đối xử ưu đãi từ ngân hàng trung ương để giúp nó tái tài trợ các khoản nợ, gây ra một sự sụt giảm lớn trong giá đồng ruble một khi người giao dịch tiền tệ nhận thức được về thỏa thuận mờ ám này.

Một số người trong Điện Kremlin đang cố gắng hệ thống hóa các gói cứu trợ tài chính doanh nghiệp trong một nỗ lực để hạn chế tổng chi phí và ngăn chặn chương trình chống khủng hoảng trở thành một “máng ăn” cho những gã khổng lồ doanh nghiệp của nước này. Những dấu hiệu ban đầu không mấy khả quan. Doanh nhân hàng đầu Mikhail Fridman đã viết một bài xã luận trên tờ Financial Times vào đầu tháng 2/2015 đổ lỗi cuộc khủng hoảng cho sự quá phụ thuộc của Nga vào các công ty năng lượng nhà nước. Kết luận ngầm của Fridman là các khoản đầu tư do nhà nước chỉ đạo đã không có hiệu quả trong quá khứ, và nó sẽ không có hiệu quả trong hiện tại – vì vậy Chính phủ Nga nên tránh giao thêm vốn cho các công ty lớn. Tuy nhiên một tuần sau bài xã luận của Fridman, chủ tịch Rosneft và cũng là đồng minh lâu năm của Putin, Igor Sechin, đã công bố một bài đáp trả, lập luận rằng việc sụt giá dầu là do các hoạt động đầu cơ và thao túng thị trường “kệch cỡm”. Kết luận của Sechin là chỉ một nhà nước mạnh mới có thể vượt qua các hoạt động đầu cơ tích trữ trên thị trường. 

Cách tiếp cận của Sechin – hình dung sự hỗ trợ doanh nghiệp quy mô lớn của nhà nước – có vẻ đã giành chiến thắng. Vào đầu tháng 2, Bộ Phát triển Kinh tế đã liệt kê 199 doanh nghiệp đủ điều kiện xin hỗ trợ từ chính phủ, bao gồm không chỉ ngân hàng mà còn các công ty khai khoáng, các hãng hàng không, một nhà sản xuất phân bón, chuỗi bán lẻ và các nhà mạng di động. Hầu hết những công ty này sẽ bị ảnh hưởng bởi cuộc suy thoái, nhưng rất khó để thấy những rắc rối tài chính, chẳng hạn như một công ty viễn thông, sẽ gây nguy hiểm cho nền kinh tế của đất nước như thế nào. Thay vào đó, những nhóm lợi ích kinh doanh có khả năng tận dụng lợi thế của chương trình chống khủng hoảng này để giành quyền tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp hoặc các khoản phân phát khác, điều rốt cuộc sẽ là một sự chuyển nhượng các nguồn lực từ người nộp thuế sang các công ty. Việc nhiều doanh nghiệp nhận được cứu trợ tài chính cho đến nay đều do các cựu đồng nghiệp KGB của ông Putin điều hành – Chủ tịch công ty đường sắt Nga Vladimir Yakunin hay chính Sechin – cũng không mang lại sự tự tin. Như trong hậu quả của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, các công ty Nga có khả năng nhận được một lượng đáng kể các nguồn lực được truyền từ ngân sách nhà nước, với người nộp thuế phải trả giá. 

Chính sách thắt lưng buộc bụng và nền chính trị Nga

Trong hầu hết thời gian ông Putin đương nhiệm, giá dầu cao đã khiến Nga có khả năng tránh các quyết định khó khăn về phân phối. Trong suốt những năm 2000, chiếc bánh kinh tế Nga đã tăng trưởng nhanh đến mức mọi người đều có thể có phần. Lương tăng mạnh, làm lợi cho người dân Nga trung bình, trong khi lợi nhuận từ dầu như của trời cho đồng nghĩa với việc nhà nước vẫn có nhiều nguồn lực để phân phối cho các đồng minh chính trị. Tuy nhiên, cuộc suy thoái sắp tới sẽ đưa những câu hỏi về phân phối lên hàng đầu. Ai sẽ trả các hóa đơn? Không muốn đảo ngược tiến trình tại Ukraine hay kiềm chế những kẻ đầu sỏ chính trị tìm kiếm cứu trợ tài chính, Điện Kremlin có vẻ như đã quyết định bắt dân chúng phải thanh toán thông qua chính sách thắt lưng buộc bụng. 

Ở một chừng mực nào đó, việc này đã bắt đầu. Lạm phát tăng ngay cả khi tốc độ tăng lương chậm lại, làm suy yếu sức mua của các nguồn thu nhập của Nga. Nạn thất nghiệp gia tăng. Việc mất giá của đồng ruble sẽ làm tăng giá các mặt hàng nhập khẩu, buộc Nga phải cắt giảm không chỉ những xa xỉ phẩm như các kỳ nghỉ lễ châu Âu, mà còn cả hàng hóa cơ bản như quần áo và lương thực, hầu hết số này là nhập khẩu. 

Các biện pháp khác để chuyển chi phí cho dân chúng cũng đang được xem xét. Để đối phó với cuộc khủng hoảng, Nga đang cắt giảm chi tiêu chính phủ khoảng 10% trên mọi lĩnh vực, trừ chương trình tái vũ trang quân đội được duy trì ở mức hiện tại. Điều này sẽ làm giảm cung cấp cho giáo dục, y tế và các chương trình xã hội khác. Đồng thời, cựu Bộ trưởng Tài chính Alexei Kudrin – một cố vấn có tầm ảnh hưởng từ lâu với Putin trên các vấn đề kinh tế - đã hợp lực với một vài bộ trưởng hiện thời khác để yêu cầu tăng độ tuổi nhận lương hưu nhà nước của người Nga. Tuổi nghỉ hưu hiện tại của Nga, 55 đối với nữ và 60 đối với nam giới, là thấp so với tiêu chuẩn châu Âu, mặc dù tuổi thọ trung bình của người Nga thấp hơn so với các nước Tây Âu. Tuy nhiên vấn đề này mang tính chính trị cũng nhiều như tính kinh tế. Trong vòng 15 năm qua, chính quyền của ông Putin đã dựa vào việc mức sống ngày càng tăng một cách ổn định, và cuộc tranh luận về lương hưu sẽ là một bài kiểm tra xem liệu Putin có cảm thấy ông có thể phá vỡ bản hợp đồng xã hội này hay không. 

Đây sẽ là một động thái mạo hiểm. Những dấu hiệu bất mãn đã hiển hiện. Các cuộc thăm dò cho thấy người dân Nga trung bình vẫn chưa bắt đầu nhận ra mức lạm phát cao hơn, mặc dù có một nỗi sợ hãi được nói đến nhiều vào cuối năm ngoái khi các siêu thị tại một vài khu vực hết sạch grechka , một loại cháo kiều mạch vốn là mặt hàng chủ lực của Nga. Đáng lo ngại hơn nữa đối với Điện Kremlin là những phàn nàn về dịch vụ công cộng. Các bác sĩ, vốn là những lao động nhà nước, đã thu hút nhiều sự ủng hộ khi họ dẫn đầu các cuộc tập hợp quần chúng đông đảo để phản đối việc cắt giảm chi tiêu cho y tế mùa Thu năm ngoái. Gần đây hơn, giá vé tàu hỏa tăng cũng dẫn đến sự phẫn nộ trong cộng đồng buộc ông Putin phải công khai chỉ trích các bộ trưởng của mình. Tuy nhiên, với việc chính phủ quyết định thông qua chính sách thắt lưng buộc bụng mà không đi kèm với bất kỳ nỗ lực nào để nâng cao tính hiệu quả, việc dịch vụ công cộng suy giảm là không thể tránh khỏi. 

Sự căng thẳng xã hội mà cuộc suy thoái gây ra sẽ tạo ra nhiều thách thức mới, nhưng nó khó có khả năng đe dọa sự ổn định chính trị của Nga trong ngắn hạn. Bằng cách giúp nâng cao mức sống trong suốt những năm 2000, Putin đã tích lũy một lượng dự trữ lớn lòng tin của dân chúng mà giờ ông có thể cần đến. Và “những chuyên gia công nghệ chính trị” của ông đã mài dũa kỹ năng của họ để đảm bảo rằng phe đối lập vẫn bị chia rẽ và dưới áp lực không ngừng về pháp lý. Khi lãnh đạo phe đối lập Alexey Navalny bắt đầu thu hút sự chú ý với những kêu gọi về một cuộc biểu tình chống khủng hoảng vào ngày 1/3, 10 nhóm khác, bao gồm cả Đảng Cộng sản, đã đệ đơn xin phép tổ chức biểu tình cùng ngày hôm đó, một chiến thuật vu hồi cổ điển. Những trò chơi như vậy đã không ngừng chứng tỏ tính hiệu quả trong suốt 15 năm nhiệm kỳ của ông Putin. Khi tiền lương bị đình trệ và nạn thất nghiệp gia tăng, tuyên bố cốt lõi của ông Putin về sự đầy đủ kinh tế sẽ bắt đầu xói mòn. Cuộc suy thoái càng kéo dài, Putin sẽ càng phải dựa vào chủ nghĩa dân tộc để duy trì quyền lực.

Theo Foreign Policy Research Institute 

Văn Cường (gt)