Ngày 6/3, Phó Thủ tướng Nga Arkady Dvorkovich đã phát đi tín hiệu rằng Kremlin sẽ có thể cho phép các công ty Trung Quốc nắm giữ cổ phần đa số trong lĩnh vực dầu mỏ và khí đốt của Nga. Nếu điều này trở thành hiện thực, trục Trung-Nga có thể sẽ sớm hình thành. 

Phát biểu từ Krasnoyarsk, một thành phố giàu dầu khí ở Siberia, ông Dvorkovich nói: "Trước đây từng có một rào cản về tâm lý. Hiện nay rào cản này không còn tồn tại nữa. Chúng ta rất quan tâm đến việc đầu tư tối đa vào các ngành công nghiệp mới. Trung Quốc là một nhà đầu tư rất tiềm năng". Hiện nay, Nga chỉ cho phép các công ty nước ngoài sở hữu tới 50% vốn tại các mỏ dầu có trữ lượng trên 70 triệu tấn và tại các mỏ khí có trữ lượng hơn 50 tỷ m3. Tuy nhiên, quy định này có thể sẽ được thay đổi nếu Trung Quốc muốn nắm giữ cổ phần lớn hơn. Ông Dvorkovich nói tiếp: "Nếu có yêu cầu như vậy, chúng tôi sẽ xem xét". 

Do khủng hoảng kinh tế, Tổng thống Nga Vladimir Putin rất khó để có thể từ chối một lời đề nghị như vậy. Năm ngoái, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Nga chỉ tăng 0,6%, giảm từ mức 1,3% trong năm 2013, 3,4% trong năm 2012, và 4,2% trong năm 2011. Sự trượt dốc kéo dài 3 năm liền này báo hiệu các vấn đề về cơ cấu kinh tế. 

Trước tiên, các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với hành động của Nga tại Ukraine, diễn ra vào thời buổi giá năng lượng trượt dốc, đã gây ra sự hẫng hụt lớn đối với kinh tế Nga. Năm ngoái, Nga đã phải chứng kiến tình trạng rút vốn ồ ạt ra nước ngoài, tới 151,5 tỷ USD. Đồng ruble đã trở thành đồng tiền bị mất giá mạnh thứ hai trên thế giới, sụt tới 42,0% so với đồng USD, khiến dự trữ ngoại hối của nước này cũng giảm theo, từ mức 510 tỷ USD xuống còn 380 tỷ USD. 

Cuộc khủng hoảng của Nga dường như là một cơ hội tuyệt vời để Trung Quốc thâm nhập sâu hơn vào nền kinh tế nước này. Một quan chức hàng đầu trong ngành dầu khí Trung Quốc phát biểu với tờ "Thời báo Moskva": "Ông Putin đang lâm vào một tình thế khó khăn. Một trong những cách thức có thể giúp ông thoát khỏi tình trạng này là cải thiện quan hệ với Trung Quốc". Gần đây, Bắc Kinh không chỉ đồng ý mua một số lượng lớn dầu mỏ và khí đốt của Nga, thông qua Tổng công ty Dầu khí Quốc gia Trung Quốc, mà còn mở rộng các hoạt động hỗ trợ Nga. Chẳng hạn, vào tháng 10 năm ngoái, Trung Quốc và Nga đã ký một thỏa thuận hoán đổi tiền tệ trị giá 24,4 tỷ USD, giúp Nga đảm bảo được thanh khoản. Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Cao Hổ Thành cũng đã gợi ý về việc mở rộng thỏa thuận này. 

Cuối tháng 12/2014, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc - được xem như Ngân hàng Trung ương của nước này - đã cho phép thực hiện các giao dịch phái sinh giữa đồng Nhân dân tệ và đồng ruble để tạo thuận lợi cho hoạt động thương mại giữa hai nước. Biểu hiện mạnh mẽ nhất về mức độ hào hiệp của Bắc Kinh đối với Kremlin là việc Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc mở rộng tín dụng cho hai ngân hàng Nga đang bị phương Tây trừng phạt, làm giảm áp lực từ các biện pháp trừng phạt này. 

Người ta có thể dự báo về một sự liên kết chặt chẽ hơn giữa hai nền kinh tế này. Ông Li Jianmin từ Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc mới đây từng gợi ý rằng Bắc Kinh có thể làm được nhiều hơn nữa bằng cách hỗ trợ bổ sung cho Nga thông qua Tổ chức Hợp tác Thượng Hải hay Diễn đàn nhóm BRICS. Trung Quốc và Nga đang liên kết chặt chẽ về kinh tế. Tổng kim ngạch thương mại song phương tăng 6,8% trong năm ngoái, đạt kỷ lục 95,3 tỷ USD. Ông Putin thậm chí còn mong muốn đưa con số này lên 200 tỷ USD vào năm 2020. 

Các nhà phân tích cho rằng ngay cả khi không đạt được con số trên thì hợp tác kinh tế Trung Quốc-Nga cũng sẽ tăng mạnh trong những năm tới, đặc biệt là trong lĩnh vực dầu khí. Nếu Kremlin cho phép một công ty Trung Quốc có được cổ phần đa số trong một lĩnh vực quan trọng như lĩnh vực năng lượng của Nga thì trục "rồng-gấu" sẽ được hình thành trong tương lai gần. 

Theo World Affairs

Trần Quang (gt)