Những bức điện tín của giới ngoại giao Mỹ bị rò rỉ năm 2010 cho thấy có vẻ như Mỹ và Trung Quốc đã có một thỏa hiệp lớn trong cách xử lý vấn đề Bắc Triều Tiên. Một bức điện trích lời quan chức Trung Quốc nói rằng Bắc Triều Tiên “hiện giờ không còn nhiều giá trị đối với Trung Quốc”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy điều khác hẳn. Sự ủng hộ của Bắc Kinh dành cho Bình Nhưỡng là một trong những vấn đề gây tranh cãi lớn nhất trong chính sách ngoại giao của Trung Quốc. Nhiều thanh niên Trung Quốc tự hỏi tại sao lại đất nước họ lại phải viện trợ cho một thể chế như vậy. Một blogger viết trên mạng hôm 19/12: “Phải chăng cơ chế cha truyền con nối đã trở thành chủ nghĩa xã hội mang đặc tính Triều Tiên?”. Trong khi đó, nhiều quan chức trẻ tuổi cho rằng đối với Trung Quốc, việc hợp tác kinh tế với Hàn Quốc còn quan trọng hơn nhiều so với việc duy trì quan hệ với Bắc Triều Tiên.Quan điểm của Bắc Kinh hiện nay là: Một đất nước Triều Tiên thống nhất thân Mỹ nằm sát biên giới Trung Quốc là điều nguy hiểm nhất. Vì vậy, khi ông Kim Châng In thông báo con trai út của ông sẽ là người kế nhiệm tại một cuộc họp hồi năm ngoái, Ủy viên Bộ Chính trị Trung Quốc Chu Vĩnh Khang đã xuất hiện cạnh hai cha con Kim Châng In trên khán đài như một cách để bày tỏ sự ủng hộ tiến trình chuyển giao quyền lực ở Bắc Triều Tiên. Bắc Kinh đã đặt cược rằng sự tiếp nối quyền lực ở Bình Nhưỡng sẽ diễn ra suôn sẻ.

Tại Oasinhtơn, thái độ của chính quyền Obama đối với tình hình Bắc Triều Tiên xem ra thờ ơ hơn nhiều so với cách đây ba năm. Mặc dù Mỹ dường như sắp nối lại viện trợ lương thực cho Bắc Triều Tiên, có thể là để khuyến khích Bình Nhưỡng ngừng làm giàu urani, nhưng mục đích thực sự là nhằm duy trì sự ổn định thay vì phải đưa ra một sáng kiến ngoại giao táo bạo nào đó. Mặc dù cả hai đảng ở Mỹ đã nhất trí rằng không còn lựa chọn nào khác ngoài công cụ ngoại giao trong vấn đề Bắc Triều Tiên, nhưng đã xuất hiện một số dấu hiệu cho thấy quan điểm này sắp thay đổi. Sự khó chịu của Oasinhtơn đối với Bình Nhưỡng ngày càng tăng sau khi Mỹ thất vọng trước việc Trung Quốc thực sự không muốn hợp tác để ngăn chặn chương trình hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Một số người tin rằng cái chết của Kim Châng In tạo cơ hội hoàn hảo để Oasinhtơn chấm dứt trò chơi hợp tác với Bắc Kinh và công khai thúc đẩy thay đổi chế độ ở Bắc Triều Tiên. Người đầu tiên nói thẳng ý kiến này là Mitt Romney, một trong những ứng cử viên tổng thống Mỹ của Đảng Cộng hòa. Ông nói hôm 19/12: “Cái chết của Kim Châng In mang lại cho Mỹ cơ hội bắt tay với bè bạn và đưa Bắc Triều Tiên khỏi quỹ đạo hiện nay. Người Bắc Triều Tiên đã trải qua một cơn ác mộng tồi tệ kéo dài. Tôi hy vọng cái chết của Kim Châng In sẽ chấm dứt cơn ác mộng này nhanh hơn”.Cái chết của Kim Châng In sẽ tạo ra một phép thử quan trọng đối với khả năng hợp tác của Bắc Kinh và Oasinhtơn trong các vấn đề quốc tế quan trọng.

Trong những năm qua, Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc đã kêu gọi Trung Quốc cùng ngồi bàn bạc nên làm gì nếu tình hình Bắc Triều Tiên bất ổn, chẳng hạn thể chế này gây chiến hoặc sụp đổ. Giờ đây, một cuộc đối thoại như vậy đã trở nên cấp thiết hơn. Nguy cơ cận kề là các bên có thể đưa ra những tính toán sai lầm giữa lúc có nhiều tin đồn khác nhau về quá trình chuyển giao lãnh đạo ở Bình Nhưỡng. Chẳng hạn, Trung Quốc có thể nghĩ rằng việc Hàn Quốc và Mỹ triển khai quân sau khi Kim Châng In qua đời là dấu hiệu của sự can thiệp, trong khi hai nước này cho rằng họ chỉ muốn phòng ngừa khả năng sẽ bị tấn công. Nếu Bắc Kinh tiếp tục né tránh đối thoại, sẽ không khó để nhận thấy Bắc Triều Tiên sẽ trở thành chiến địa cho một cuộc chiến tranh giành quyền lực lớn hơn nhiều.

 Theo FT (19/12)

Mỹ Anh (gt)